So với 7 ngày trước, thai nhi 21 tuần tuổi đã lớn lên trông thấy với kích cỡ chiều dài khoảng 27cm (đo từ đầu đến mông) và cân nặng trung bình 340gr - tương đương một củ cà rốt bự. Không chỉ thế, lông mày và mí mắt con đã bắt đầu xuất hiện; nếu là bé gái, âm đạo cũng hình thành và tiếp tục phát triển từ tuần này...
Thai nhi 21 tuần tuổi - bé cưng hoạt động nhiều hơn
Mẹ đã không còn phải nín thở để cảm nhận những cử động rất khẽ của bé như lúc đầu nữa, đến tuần này thai nhi "quậy phá" hơn rất nhiều nên thường xuyên đạp, huých và bụng mẹ như... tập võ!
Tuần này, tuy bé còn rất nhỏ nhưng nếu đi siêu âm mẹ có thể thấy được các khoang tim, các mạch máu chính của con qua hình ảnh siêu âm. Da bé cũng còn khá nhăn nheo chứ không căng mịn, bụ bẫm như mẹ tưởng tượng về các bé sơ sinh đâu, lý do là lớp mỡ dưới da con chưa được tích tụ dày lên. Tuy nhiên mẹ đừng sốt ruột nhé, điều này sẽ xảy ra vào những tháng cuối thai kì.
Bước sang tuần thứ 21, phổi của bé cũng dần hình thành surfactant - một chất cực kì quan trọng giúp bé có thể hít đầy không khí vào phổi khi chào đời. Ngoài ra, tai của con đã hoàn thiện chức năng và có thể nghe được hay phản ứng lại với âm thanh lớn, đột ngột.
Giai đoạn này, xương của bé phát triển cứng cáp hơn. Con cũng có thể cử động gần như tất cả các cơ trên cơ thể nên mẹ mới thấy bé "ngọ nguậy" suốt ngày - đây cũng là niềm vui của mẹ vì biết bé đang lớn lên khỏe mạnh mỗi ngày. Mẹ cũng nhớ bổ sung canxi đầy đủ để hệ xương của con chắc khỏe, đồng thời giúp mẹ tránh bị nhức mỏi, đau cơ, co giật,... do thiếu canxi gây ra.
Thai nhi 21 tuần tuổi - cơ thể mẹ thay đổi những gì?
Vì bé cưng chưa quá lớn nên thời gian này mẹ vẫn cảm thấy khá dễ chịu, cơ thể cũng không thay đổi nhiều ngoài việc cân nặng tăng lên chút ít và một số mẹ bắt đầu bị rạn da. Sang đến tuần này, sức khỏe của mẹ vẫn đang giữ được "phong độ", tình trạng nghén ngẩm hoàn toàn biến mất và những cảm nhận con yêu đang lớn lên mỗi ngày khiến mẹ vô cùng hạnh phúc. Hãy cố gắng trải nghiệm, tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời này mẹ nhé, vì chặng đường phía trước, nhất là khi bước sang quý thứ 3 của thai kì sẽ đầy những vất vả, gian nan đấy!
Rất nhiều
bà bầu có ham muốn tình dục cao trong thời gian này. Tuy nhiên hãy cố gắng quan hệ nhẹ nhàng, lựa chọn tư thế thoải mái, phù hợp và không bao giờ quên các biện pháp giữ an toàn để phòng bệnh lây lan qua đường tình dục. Còn lại, mẹ và bố em bé hoàn toàn có thể thoải mái với sex khi mang thai vì điều này cũng mang đến không ít lợi ích cho mẹ và bé cưng. Ngoài ra, một số mẹ khác cảm thấy ít hoặc không hề hứng thú gì với "chuyện ấy", nếu vậy thì các ông chồng hãy cố gắng đợi đến khi em bé chào đời nhé! Vấn đề này xảy ra do sự thay đổi của các hormone nên mẹ bầu không kiểm soát được đâu.
Một số bà bầu bắt đầu bị mụn nhọt, nám da nhiều lên - đây cũng là "lỗi" tại các hormone thai kì nên mẹ đừng lo lắng. Quan trọng nhất là luôn giữ cho da sạch sẽ; tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Nếu muốn làm đẹp, tốt nhất mẹ hãy sử dụng các loại thực phẩm như rau củ, trái cây hoặc mĩ phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn. Tuyệt đối tránh xa các loại thuốc trị mụn, các loại mĩ phẩm chứa thành phần hóa học không an toàn như chì, Isotretinoin, triclosan và triclocarban, phthalates,... vì chúng có thể khiến thai nhi mang dị tật.
Mẹ nên kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, thư giãn và tận hưởng những ngày dễ chịu nhất trong thai kì này. (Ảnh minh họa)
Một rắc rối nữa mẹ bầu dễ gặp phải khi thai nhi 21 tuần tuổi trở đi, đó là chứng giãn tĩnh mạch. Nó xảy ra do áp lực tăng lên ở các mạch máu dưới chân khi thai lớn dần. Mặt khác, hormone progesterone tăng lên cũng khiến mẹ bị giãn tĩnh mạch nặng nề hơn. Để "xoa dịu" tình hình, cách tốt nhất là mẹ chăm chỉ tập thể dục hàng ngày đồng thời thường xuyên kê cao chân.
Những "rắc rối" nói trên mẹ sẽ dễ dàng gặp phải nhưng chúng không gây nhiều khó chịu, cũng không ảnh hưởng gì đến thai nhi hay sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy những dấu hiệu như bị chảy máu âm đạo, đau bụng, rò rỉ/vỡ ối, thai nhi không cử động trong thời gian dài, rối loạn thị giác, hoa mắt chóng mặt,... thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra.
Thai nhi 21 tuần tuổi - mẹ nên làm những gì?
Dù ở nước ta thường kiêng sắm đồ cho bé trước tháng thứ 8, tuy nhiên đây lại là thời điểm thích hợp nhất cho việc đó. Thai nhi mới 21 tuần tuổi nên cơ thể mẹ còn nhanh nhẹn, gọn gàng và sức khỏe tốt, do đó việc mua sắm sẽ dễ dàng hơn. Nếu mẹ không quá quan trọng việc kiêng khem, hãy nghĩ đến chuyện sắm sửa áo quần, đồ dùng sơ sinh và tất cả những gì mẹ muốn dành cho bé cưng. Chuẩn bị sớm vừa giúp mẹ chủ động hơn lại không lo bị thiếu như khi sắm sửa lúc cận kề ngày sinh.
Nếu mẹ muốn dành việc sắm sửa này vào thời gian tới, vậy thì ngay từ bây giờ hãy lên danh sách những thứ cần mua. Tham khảo ý kiến của những người đã làm mẹ là một mẹo rất hay để mua sắm hợp lý, tiết kiệm.
Ngoài ra, mẹ cũng nên tìm hiểu về chế độ thai sản, sắp xếp công việc để chuẩn bị bàn giao cho chủ động đồng thời tìm hiểu thêm những kiến thức về chăm sóc thai kì, chăm sóc bé sơ sinh,... Cuối cùng, hãy dành cho mình những khoảng thời gian rảnh rỗi để cùng bé yêu nghe nhạc. Điều này vừa giúp mẹ thư giãn, vừa giúp bé yêu phát triển trí não tốt hơn vì thai nhi 21 tuần tuổi đã có thể nghe và phản ứng với âm thanh rồi mà.
Chúc mẹ vượt qua tuần thai thứ 21 suôn sẻ và nhớ theo dõi bé cưng 22 tuần tuổi phát triển như thế nào nhé!
Nguyệt Nga
(Theo Congluan)
5 bài tập giảm đau mỏi vai gáy ngay trên ghế làm việc