Kỳ Nghỉ Hè Của Nicolas: Chuyến tàu khứ hành về tuổi thơ

Tống Trần 2014-08-12 20:30
- (Em đẹp) - Cậu nhóc Nicolas vui nhộn, lém lỉnh lại xuất hiện trên màn ảnh rộng trong "Kỳ Nghỉ Hè Của Nicolas", mang đến những giây phút sảng khoái, mát rượi như viên đá trong cốc thủy tinh giữa mùa hè nóng bức.
"Kỳ Nghỉ Hè Của Nicolas" là bộ phim được chuyển thể từ tập truyện cùng tên nằm trong một chuỗi những truyện ngắn về cậu nhóc Nicolas dành cho trẻ em của nhà văn René Goscinny nước Pháp. Ở phần I “Nhóc Nicolas” (2009), chúng ta đã được làm quen với những trò nghịch ngợm, bông đùa của cậu bé nhân vật chính lém lỉnh cùng đám bạn ở trường học. Lần này, phần II sẽ dẫn dắt chúng ta đến kỳ nghỉ hè của Nicolas cùng gia đình ở một vùng biển thơ mộng nước Pháp, nơi mà sự bình yên sẽ bị phá tan bởi lũ nhóc nhất quỷ nhì ma.



Vẫn sẽ là những trò đùa nghịch ngợm không-người-lớn-nào-có-thể-nghĩ-ra của Nicolas cùng lũ nhóc mới quen. Nhưng lần này, đất diễn xuất không chỉ còn độc quyền bởi những đứa trẻ mà đã có sự xuất hiện nhiều hơn của bố mẹ Nicolas, những người lớn trưởng thành, nhưng đôi khi rất “trẻ con” cũng đang phải cố gắng giải quyết vấn đề của chính mình.

Bộ phim như một chuyến tàu tốc hành đưa ta trở về với tuổi thơ hoa mộng, nơi một thời ta đã từng ôm một giấc mộng ước ao “cưới xin” với con/thằng bé hàng xóm bên cạnh và cảm thấy lựa chọn giữa cô bạn bàn trên hay nàng bàn dưới sao mà khó khăn quá đi. Xem Nicolas, ai cũng cảm thấy vỡ òa ra trong mình một phần ấu thơ đã đóng bụi và bỏ quên từ rất lâu về trước, là nơi mà dưới lăng kính nhìn của con trẻ, cuộc đời này thật trong trẻo biết mấy. Qua sự hồn nhiên của mình, Nicolas thấy mọi vấn đề đơn giản nhất có thể trở nên nghiêm trọng như lời bông đùa của các bậc người lớn cũng có thể là một cuộc hôn phối không xa trong tương lai, còn mọi sự nghiêm trọng nhất cũng có thể trở nên bé mọn kể cả có là một quả bom C4 lăn trước mặt. Xem phim để thấy cách giải quyết vấn đề của bọn trẻ thật là quái chiêu, nhưng không kém phần thông minh, và còn như có phần nào đó giễu cợt một xã hội người lớn thâm thúy, tinh tế đã được che lấp đi bằng tiếng cười cùng cái đáng yêu của lũ trẻ.

Cậu bé đóng vai Nicolas (Mathéo Boisselier) cùng dàn diễn viên trẻ con đã hoàn toàn thành công trong việc lột tả một lũ con nít mà mỗi đứa lại mang trong mình những tính cách rất riêng, tinh nghịch, đáng yêu, hài hước, lém lỉnh, thông minh, lắm chiêu trò. Thông qua các diễn viên nhí, chúng ta như thấy những nhân vật quen thuộc bước ra từ câu truyện con chữ, sống động nhảy múa trên mản ảnh.

Nicolas cùng “bè đảng” của hắn

Sự xuất hiện của bố mẹ Nicolas phần trước hơi mờ nhạt, và gần như chỉ làm phông nền để đám trẻ tung hoành ngang dọc. Nhưng lần này, đạo diễn không chỉ để dành cho họ nhiều đất diễn, mà còn có phần lấn lướt nhóc tì Nicolas cùng “bè đảng” của hắn. Vấn đề mà bố mẹ Nicolas đang phải đối mặt tại phần II cũng giống như bất kì gia đình nào lúc bước đến thềm tuổi trung niên: Mâu thuẫn giữa mẹ vợ và chồng; lửa tình yêu nguội cạn qua năm tháng bên nhau; lựa chọn giữa một cuộc sống rực rỡ, nơi mình được tôn vinh, được nhìn nhận khác biệt với con người bình thường mình đã từng hay là quay trở về với cái guồng quay bình thường.

Nếu đây là một bộ phim Nhật Bản, chắc chắn mọi sự sẽ buồn, sẽ đẹp mong manh, dễ vỡ, còn nếu rơi vào bàn tay nhào nặn của Hollywood, nó có nguy cơ trở thành phim tâm lý xã hội. Nhưng dưới xử lý của Laurent Tirard, đạo diễn người Pháp, mọi vấn đề của gia đình Nicolas sao mà trở nên đáng yêu, dễ thương quá đỗi từ những màn lột xác của người mẹ nội trợ cho đến những chiêu trả đũa đầy sâu cay và cực kì “trẻ con” của ông bố. Mà người xem lại đồng cảm với họ rất nhiều, có lẽ vì ngoài đời thực, người lớn nhiều khi cũng mệt mỏi, cũng muốn thoát khỏi cái chuẩn mực của người lớn để có thể được làm những điều điên rồ mà chỉ có lũ trẻ con mới có riêng đặc quyền thực hiện và chịu trách nhiệm theo kiểu “trẻ con” thôi. Diễn xuất của hai diễn viên kì cựu người Pháp là một điểm cộng tuyệt vời khi Kad Merad đã xuất sắc thể hiện được ông bố công sở, người luôn lo lắng và tưởng tượng thái quá, thường xuyên ra quyết định dại dột dù cân nhắc thì… rất lâu; còn Valérie Lemercier đã hóa thân thành công vào vai một bà nội trợ xinh đẹp, mạnh mẽ và tính tình cực kì quyết đoán.

Tuy nhiên, với thời lượng chỉ có 2 tiếng mà bộ phim phải chịu trách nhiệm truyền tải đến cả 2 câu chuyện song song cùng một lúc với quá nhiều nhân vật mà nhân vật nào cũng đặc sắc, cũng có những nét tính cách rất riêng của mình đã khiến cho mạch phim bị loãng, khó tập trung. So với phần I của phim thì phần II của Nicolas là một bước thụt lùi về mặt kết cấu câu chuyện cũng như độ hài hước bị giảm đi vì phải nhường đất cho người lớn diễn xuất.

Gia đình Nicolas

Bù lại, phần II lại là một tiến bộ vượt bậc về mặt bối cảnh mỹ thuật với những phối màu, kiểu quần áo, xe hơi cực kỳ thanh lịch và xinh đẹp. Khán giả không thể nào rời mắt khỏi màn ảnh trước những gam màu lúc nóng bỏng, sôi nổi, khi thì mát rượi như một viên đá trong cốc thủy tinh giữa mùa hè nóng bức. Và tất cả đều được đặt trọn vẹn, hài hòa lẫn nhau trên một cái nền vintage rất riêng của Pháp.

Phần II với thiết kế mỹ thuật đẹp hơn hẳn phần I

Xem Nicolas để thấy rằng, tuổi trẻ, nhất là tuổi thơ luôn thật đáng thèm muốn, chả vì thế mà người ta luôn thích xem phim hoạt hình, doanh số hằng năm vẫn tăng ầm ầm dù đó là thể loại được dán mác dành cho trẻ con. Có lẽ vì trong mỗi chúng ta, đều luôn có một đứa trẻ cần được đánh thức, vỗ về để thoát khỏi những gông xiềng của trưởng thành chăng?

Trailer phim "Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas", phụ đề tiếng Việt bởi BHD Star Cineplex

Thông tin phim

"Kỳ nghỉ hè của nhóc Nicolas"
Tên tiếng Pháp: Les vacances du petit Nicolas
Thể loại: Hài hước
Quốc gia: Pháp
Đạo diễn: Laurent Tirard
Diễn viên: Valérie Lemercier, Kad Merad, Dominique Lavanant
Khởi chiếu: 01/08/2014
Hãng phát hành tại Việt Nam: BHD Star Cineplex
Thời lượng: 97 phút

Tống Trần
Nguồn ảnh: IMDb
logo smaill


Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 tông màu trang phục mà nàng nào cũng nên có trong mùa Giáng sinh