Cống hiến 2015: Ứng viên nặng kí nhất cho hạng mục “Bài hát của năm”?

2015-03-18 11:56
- “Bài hát của năm” trong giải Âm nhạc Cống hiến luôn là một trong những hạng mục nhận được nhiều đồn đoán từ báo giới và người hâm mộ vì nghệ sĩ nào thắng hạng mục này cũng đồng nghĩa đưa bài hát của mình lên một “tầm cao mới”.
Hạng mục “Bài hát của năm” trong giải Âm nhạc Cống hiến 2015 có tất cả 4 đề cử bao gồm: “Bốn chữ lắm” (sáng tác: Phạm Toàn Thắng, trình bày: Thảo Nhi – Trúc Nhân), “Nơi đảo xa” (sáng tác: Thế Song, được trình bày bởi nhiều ca sĩ), “Tổ quốc gọi tên mình” (sáng tác: Đinh Trung Cẩn, được trình bày bởi nhiều ca sĩ) và “Trót yêu” (sáng tác: Ái Phương, trình bày: Trung Quân Idol). Mỗi ca khúc mang một màu sắc chứa đựng nhưng thông điệp riêng, tuy nhiên nếu tinh ý cũng không quá khó khăn để nhận ra ca khúc phù hợp nhất với tiêu chí “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng.”
 “Trót yêu”: Hay, đẹp nhưng chưa đáp ứng hết tiêu chí
“Trót yêu” là ca khúc đã “làm mưa, làm gió” trong thị trường âm nhạc năm vừa qua. Ít ai biết rằng “Trót yêu” vốn được Ái Phương sáng tác để dành riêng cho mình, nhưng khi thấy Trung Quân đồng cảm với những nốt nhạc của mình, cô đã tặng bài hát này cho giọng ca Vietnam Idol như một món quà sinh nhật. Giọng hát của Trung Quân vốn đã nhẹ nhàng, tình cảm lại càng được yêu thích khi thể hiện thành công sáng tác của Ái Phương. Tại Zing Music Awards 2014 – một giải thưởng âm nhạc trực tuyến, “Trót yêu” đã được đề cử 4 giải gồm Ca khúc của năm, Ca khúc pop/rock được yêu thích, Ca khúc đứng đầu nhiều tuần nhất bảng xếp hạng và Ca khúc được chia sẻ nhiều nhất cộng đồng mạng. Kết quả “Trót yêu” thắng ở hạng mục “Ca khúc của năm” – một trong những hạng mục được quan tâm nhất của giải thưởng.
Việc “Trót yêu” tiếp tục xuất hiện trong đề cử Âm nhạc Cống hiến một lần nữa chứng tỏ đây là ca khúc đặc biệt được yêu thích trong năm vừa qua. Báo giới ghi nhận “Trót yêu” như một trong những bài hát có lời ca đẹp, chứa đựng một thông điệp lành mạnh về tình yêu và được thể hiện bởi một giọng nam cao đẹp và tròn trịa. Tuy nhiên “Trót yêu” cũng chỉ dừng lại ở mức hay và tình cảm chứ chưa đạt đến mức mới, lạ hay sáng tạo, khám phá. Như vậy, cơ hội để “Trót yêu” thắng giải Âm nhạc Cống hiến là không quá cao vì “Trót yêu” chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chí để trở thành “Bài hát của năm”. Tất nhiên ngay cả khi Ái Phương và Trung Quân trắng tay ở Cống hiến thì việc được đề cử ở giải thưởng âm nhạc danh giá này đã là một niềm tự hào lớn mà không phải ca khúc nào cũng có được.
Nơi đảo xa - Tổ quốc gọi tên mình: Nốt nhạc “chảy” trong lòng dân
“Nơi đảo xa” và “Tổ quốc gọi tên mình” là hai bài hát mang đậm chất thời sự nhưng lại không phải là hai bài hát mới. “Nơi đảo xa” (Thế Song) được sáng tác vào năm 1979 trong khi “Tổ quốc gọi tên mình” (Đinh Trung Cẩn) được viết cũng đã cách đây vài năm (2011). Cả hai tuyệt phẩm này đều là niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam khơi gợi tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc trong mỗi con người Việt Nam. Và dẫu cho hai bài hát này có không được xướng tên trong đêm trao giải Âm nhạc Cống hiến năm nay thì những người yêu nhạc vẫn lưu giữ trong trái tim mình với niềm tự hào và xúc động nhất.

Tình yêu biển đảo luôn là nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật.
Hai ca khúc này được nhiều ca sĩ cùng nhau thể hiện chứng tỏ tình yêu Tổ quốc luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Lời ca hào hùng mà trau chuốt được hát với một tâm thế không thể nào thiêng liêng hơn được nữa khiến cho “Nơi đảo xa” và “Tổ quốc gọi tên mình” được yêu thích, được nhớ tới và được đánh giá cao. Hai ca khúc chứa biết bao nốt nhạc đẹp về quê hương, Tổ quốc và đó là lý do khiến nó trở thành những nốt nhạc “chảy” trong lòng người dân. Tuy nhiên xét trong khuôn khổ giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, một giải thưởng tôn vinh những sản phẩm âm nhạc khám phá, sáng tạo, mới lạ thì có thể hai ca khúc trên chưa hội tụ được đầy đủ các yếu tố. Nhưng điều đó không quan trọng vì điều quan trọng hơn cả là trong trái tim nhiều người dân Việt “Nơi đảo xa” và “Tổ quốc gọi tên mình” là hai ca khúc đáng để tự hào và đáng được đề cử trong một giải thưởng âm nhạc uy tín.
“Bốn chữ lắm”: Ứng viên nặng kí nhất
“Bốn chữ lắm” được ví như một “làn gió mới” thổi vào nền nhạc Việt năm 2014. Đây là một sáng tác theo phong cách hoàn toàn mới của Phạm Toàn Thắng so với một số ca khúc trước như “Dấu mưa” hay “Lạc”. Trong cách thể hiện đầy tươi mới, trẻ trung nhưng vẫn có chút gì đó ma mị của Trúc Nhân và Thảo Nhi, “Bốn chữ lắm” lại càng được yêu thích. Trong giới ca sĩ trẻ trưởng thành từ truyền hình thực tế hiện nay Trúc Nhân và Thảo Nhi được xếp vào hàng những ca sĩ có giọng hát hiếm mà không phải ai cũng có được. Chính thế mà cái lạ của “Bốn chữ lắm” không chỉ đến từ nhạc sĩ mà còn được tạo ra từ chính giọng hát của hai ca sĩ trình bày. Trúc Nhân và Thảo Nhi giúp một phần không nhỏ để đưa “Bốn chữ lắm” thành một ca khúc riêng biệt mà chúng ta không cảm thấy bất cứ ca khúc nào “na ná”.
“Bốn chữ lắm” đáp ứng đủ 2 tiêu chí của Âm nhạc Cống hiến: mới và lạ. Thông thường cái mới, lạ thường gây ra phản ứng trái chiều, tuy nhiên, khán giả đã đón nhận “Bốn chữ lắm” một cách nhiệt thành vì họ biết rằng cái mới này không quá xa cách với họ. Sáng tác của Phạm Toàn Thắng luôn chứa đựng những thông điệp gần gũi dù cách viết nhạc của anh tương đối “chẳng giống ai”. Nghe “Bốn chữ lắm”, khán giả ban đầu có cảm giác lạ tai nhưng sau đó lại nhanh chóng bị cuốn theo sự hấp dẫn mà bài hát mang lại. Tất cả những điều đó khiến ca khúc này trở thành ứng viên nặng kí nhất cho hạng mục Bài hát của năm trong giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2015.
Lê Đức
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 scandal chấn động nhất của showbiz Hoa ngữ nửa đầu năm 2021