Cannes với mạch ngầm điện ảnh... khiêu dâm

Lumye 2015-05-14 11:53
- Những bộ phim ở Cannes không chỉ phức tạp, khó hiểu mà còn thường gây sốc với cách kể chuyện “thẳng tuột như ruột ngựa” về những chuyện nhạy cảm như tình dục.
Từ những cảnh ngực trần của những năm 60 cho tới bộ phim nóng bỏng mới đây của đạo diễn Gaspar Noé, tác phẩm mà nhiều người coi là phim khiêu dâm, Liên hoan phim Cannes chứng kiến ngày càng nhiều “da thịt” trong các tác phẩm tham gia trình chiếu và tranh tài. 
Liên hoan phim Cannes 1
“Love” của đạo diễn Gaspar Noé tham gia tranh tài năm nay tại Cannes đề cập đến mối tình cháy bỏng giữa ba người trẻ.
Theo một cách nào đó, đỉnh cao của tình yêu là tình dục – giây phút thăng hoa về cả thể xác lẫn tâm hồn giữa hai người, mặt khác đó cũng là lúc phần “con” trỗi dậy mạnh mẽ và bộc lộ một cách thô ráp, trần trụi nhất về bản chất con người. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng nhiều nhà làm phim độc lập khai thác khía cạnh có phần nhạy cảm và “nóng bỏng” này trong tác phẩm của mình nhằm lột tả tính cách nhân vật và kể câu chuyện của họ một cách chân thực nhất có thể. Nhưng, ranh giới nào giữa nghệ thuật và sự khiêu dâm thuần túy, đó là vấn đề tranh cãi của giới chuyên môn, những nhà phê bình phim ngay từ khi người ta quyết định đem sức hấp dẫn giới tính và chuyện phòng the ra kể trên màn ảnh rộng. 
Liên hoan phim Cannes lần thứ 68 chứng kiến một ưu thế nhất định của những cảnh xác thịt say đắm và nồng nhiệt. Tất nhiên đối với nhiều người, những yếu tố này có thể là quá mạnh. Những tấm áp phích, ảnh quảng cáo, đoạn phim giới thiệu, mọi thứ đều được đưa ra ồ ạt trước thềm khai mạc. Trong tác phẩm “Marguerite and Julien” của Valérie Donzelli thì có cảnh loạn luân. Trong “Carol” của Todd Haynes, với sự góp mặt của ngôi sao Cate Blanchett và Rooney Mara lại hiện hữu một tình yêu bị cấm đoán. Trong tấm áp phích giới thiệu bộ phim “Youth” của Paolo Sorrentino, một Michael Caine theo cách nào đó trông hơi hốc hác đứng bên Harvey Keitel và cả hai cùng liếc mắt trầm trồ trước tấm thân trần của một phụ nữ trẻ đang bước xuống bồn tắm nước nóng nơi họ đang ngồi. Và có lẽ, đáng chú ý hơn hết là “đứa con ngỗ ngược” của đạo diễn Gaspar Noé, tác phẩm mới được thêm vào danh sách phim được lựa chọn chính thức của Cannes 68 với tấm áp phích đầy khiêu khích và nóng bỏng, đặc tả nụ hôn nồng nàn với ba cặp môi ướt át có phần lấn át cái tên mang đầy chất lãng mạn và duyên dáng của tác phẩm “Love” – Tình Yêu. Bộ phim mà nhà phê bình phim Peter Bradshaw khẳng khái thừa nhận là “tác phẩm khiêu dâm 3D” này được sắp xếp chiếu vào lúc nửa đêm. 
Liên hoan phim Cannes 2
Diễn viên Kirk Douglas (trái) và nàng Brigitte Bardot (giữa) trong bộ đồ tắm thời trang năm 1953. Bờ biển ở Cannes đã chứng kiến nhiều sự kiện “khêu gợi” gây sửng sốt cho khán giả lúc bấy giờ. 
Ngay cả khi không có cảnh quan hệ tình dục thực nào được đưa lên màn ảnh, dù rằng tất cả chỉ là dàn dựng nhưng nhiều người vẫn có thể cho rằng Cannes công khai chứa đựng những yếu tố khiêu dâm mãnh liệt. Trong thâm tâm, một số người tin rằng sự khiêu dâm thậm chí có kích thích hơn cả chuyện quan hệ tình dục. Không phải cho tới giờ người ta mới nhận ra sự thực hiển nhiên này ở Cannes, cả ở trong lẫn ngoài khuôn khổ liên hoan phim. Năm 1953, Brigitte Bardot, biểu tượng tình dục thập niên 50, 60 khi đó mới 18 tuổi đã khoác lên mình bộ bikini và xuất hiện cùng nam diễn viên Kirk Douglas bên bờ biển ở Cannes. Năm sau đó, diễn viên đã rơi vào quên lãng Simone Silva có một màn trình diễn ngực trần tại Cannes ngay trước vẻ mặt đầy ngạc nhiên của Robert Mitchum. Năm 1964, Jayne Mansfield cũng xuất hiện trong một bộ đồ bơi và thực hiện một điệu nhảy gợi dục với chú cún Chihuahua của mình…
Liên hoan phim Cannes 3
“Viridiana” của Luis Buñuel đã đoạt giải Cành Cọ vàng năm 1961 đồng thời gây phẫn nộ vì có nội dung xúc phạm đến Nhà thờ Công giáo.
Năm 1961, tác phẩm với nội dung tình dục mạnh bạo “Viridiana” của Luis Buñuel đã đoạt giải Cành Cọ vàng. Câu chuyện về một người phụ nữ sắp trở thành một nữ tu đến thăm ông chú ẩn dật và để mình cuốn vào tội lỗi cõi trần tục, đã gây ngạc nhiên và cùng lúc gây phẫn nộ tại Cannes cũng như Nhà thờ Công giáo. Năm 1962, những vị khán giả đáng kính của liên hoan phim một lần nữa hứng trọn sự xúc phạm tương tự với tác phẩm “Mondo Cane”. Được đạo diễn bởi ba nhà làm phim người Ý, Paolo Cavara, Gualtiero Jacopetti và Franco Prosperi, “Mondo Cane” là bộ phim tài liệu gây sốc với những cảnh quay về nghi lễ tình dục kỳ quặc ở nhiều nơi trên khắp thế giới…
Khán giả luôn được “sốc” ở Cannes, khi chuyện tình dục hết sốc rồi thì các nhà làm phim chuyển hướng sang vấn đề bạo lực như tác phẩm “Funny Games” của Michael Haneke hay “Irréversible” của Gaspar Noé. Dù vậy, phim khai thác đề tài tình dục vẫn đảm bảo mang về tấm vé vàng cho tác giả. Bộ phim đoạt giải Cành Cọ vàng năm 1989 của Steven Soderbergh nói về tình dục và sự dối trá chắc sẽ không gây sốc cho khán giả hiện đại, nhưng ý tưởng về việc ghi băng lại một người tự nói chuyện về tình dục lại là chuyện đặc sắc lúc bấy giờ.
Liên hoan phim Cannes 4
“Kids” của đạo diễn Larry Clark bị cho rằng đã sử dụng quá nhiều cảnh quay ấu dâm.
Năm 1995, khán giả có cơ hội thưởng thức “Kids” của đạo diễn Larry Clark, một bộ phim đề cập đến cuộc sống tình dục của những cô nhóc cậu nhóc người New York. Bộ phim bị lên án mạnh mẽ vì sử dụng quá nhiều cảnh ấu dâm. Một năm sau đó, David Cronenberg cho ra mắt “Crash”, tác phẩm chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn JG Ballard đề cập đến một nhân vật tôn sùng tình dục thông qua những vụ tai nạn xe hơi. Một tác phẩm gây tranh cãi giữa ranh giới một bên là ý tưởng sáng tạo, đột phá, dũng cảm và một bên là sự hỗn tạp của tình dục, bạo lực và bệnh hoạn.
Liên hoan phim Cannes 5
Nhóm nhân vật trong “Crash” cảm thấy hứng thú hơn với chuyện “xác thịt” sau khi tông xe vào nhau. Bộ phim là một ý tưởng xưa nay chưa từng có, độc đáo và lập dị.
Tồn tại một số luồng ý kiến cho rằng Cannes thiếu vắng những tác phẩm nói về tình dục đồng tính cũng như những mối quan hệ đồng tính khác, và rằng liên hoan phim là một tổ chức khá bảo thủ và chỉ chăm chăm khai thác đề tài tình dục khác giới. Trên thực tế, điều này không hoàn toàn chính xác. Tác phẩm gây sốt một thời “Happy Together” với sự góp mặt của Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ trong vai cặp tình nhân đã đem về giải Đạo diễn xuất sắc cho Vương Gia Vệ tại Liên hoan phim Cannes năm 1997. Năm 2010, nhà báo Franck Finance-Madureira đã thành lập “The Queer Palm” – Giải Cành Cọ đồng tính nhằm mục đích công nhận những bộ phim đồng tính, lưỡng tính, và chuyển giới góp mặt trong liên hoan phim Cannes. Giải thưởng đã được trao thành công tới “Kaboom” của Kaboom, Oliver, “Beauty” của Oliver Hermanus, “Laurence Anyways” của Xavier Dolan, “Stranger By the Lake” của Alain Guiraudie và “Pride” của Matthew Warchus. Trong số này, bộ phim xuất sắc nhất có lẽ là “Stranger By The Lake” - một câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn về vụ giết người tại nơi mà dân đồng tính tập trung đông để tìm bạn tình. 
Liên hoan phim Cannes 6
Tác phẩm của đạo diễn Vương Gia Vệ về tình yêu đồng tính giữa hai chàng trai trẻ đẹp do Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ thủ vai gây tiếng vang lớn tại Cannes năm 1997.
Theo nhà phê bình phim Peter Bradshaw, bộ phim lấy đề tài tình dục hay nhất từng được giới thiệu tại Cannes là “Polissons et Galipettes” hay còn được biết đến với cái tên “Rascals & Romps” được trình chiếu vào năm 2002 và phát hành ở Anh dưới tựa đề “The Good Old Naughty Days”. Tác phẩm là tập hợp của những bộ phim tình dục được thực hiện lén lút tại Pháp trong những năm từ 1905 đến 1925 để chiếu trong những nhà thổ và những bữa tiệc chỉ dành cho đàn ông với những hình ảnh giao phối giữa người và động vật… Năm 2006, tác phẩm “Shortbus” của đạo diễn John Cameron Mitchell đã phác họa một bức tranh toàn cảnh điên rồ về sự đồi bại, bắt đầu với cảnh một người đàn ông cúi xuống và tự “thổi kèn”. 
Có một xu hướng là ngày càng tăng các tác phẩm khai thác khía cạnh tình dục được lựa chọn tham gia Liên hoan phim Cannes. Những bộ phim này được xây dựng theo chiều hướng oái oăm, gai góc nhất nhằm lột tả một cách chân thực, triệt để (theo góc nhìn của tác giả) tính cách và bản chất của nhân vật. Nhưng dù với sự sáng tạo và tài năng của các nhà làm phim, khán giả vẫn khó có thể “nuốt trôi” những tác phẩm này nhất là khi ranh giới giữa phim khiêu dâm và phim nghệ thuật vẫn còn là màn sương mờ dày với ngay chính giới phê bình phim.
 
Lumye
Nguồn: The Guardian
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Review 4 loại kem dưỡng ẩm cho da dầu trong mùa đông hanh