Sắp có nạn chạy trường dạy tiếng Anh vì... đề án học tiếng Trung, Nga?

2016-09-29 06:27
- "Tôi mong muốn cho con em theo học môn tiếng Anh thì sẽ phải tìm cách đưa con vào học được trường dạy ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh. Như vậy, có thể sẽ xuất hiện tình trạng chạy đua vào trường có dạy tiếng Anh".

Bộ GD – ĐT đã công bố đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt mục tiêu thí điểm Tiếng Nga, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất. Đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc dự định xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Nga, Tiếng Trung Quốc hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.

Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo QĐ số 16 ngày 05/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã ban hành Quyết định số 2051 ngày 18/5/2011 về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

Mặc dù đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 chỉ đang thực hiện cái cũ đã ban hành nhưng vẫn không khỏi khiến nhiều người thắc mắc, e dè.

Lại chạy đua vào trường dạy Tiếng Anh?

Hiện có 5 bộ môn ngoại ngữ thứ nhất gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật Bản. Việc lựa chọn ngoại ngữ nào là thứ nhất tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu của địa phương chứ Bộ không có quy định “cứng” về việc này.

Tuy nhiên, chính vì không có quy định “cứng” nên rất dễ xảy ra tình trạng trong cùng một địa phương lại có nhiều trường dạy nhiều môn ngoại ngữ thứ nhất khác nhau. Bản thân phụ huynh, học sinh cũng rất hoang mang về điều này.

Chị Nguyễn Thị Minh (Hà Nội) chia sẻ lo lắng: “Nếu áp dụng đề án tức là mỗi trường sẽ tự lựa chọn được môn học ngoại ngữ thứ nhất, sẽ có những trường chọn tiếng Nga, tiếng Pháp hay tiếng Nhật Bản. Đặt trường hợp như gia đình tôi mong muốn cho con em theo học môn tiếng Anh thì sẽ phải tìm cách đưa con vào học được trường dạy ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh. Như vậy, có thể sẽ xuất hiện tình trạng chạy đua vào trường có dạy tiếng Anh".

Thầy Nguyễn Quốc Bình - hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết: "Việc lựa chọn học ngoại ngữ gì là quyền của học sinh và phụ huynh. Nếu có trường hợp nhiều trường lựa chọn nhiều ngoại ngữ khác nhau để giảng dạy thì việc chạy trường có thể xảy ra".

Áp dụng tiếng Trung, tiếng Nga làm ngôn ngữ thứ nhất vào năm 2017: Còn quá gấp gáp

Việc đưa thêm tên vào danh mục ngoại ngữ thứ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông dấy lên nhiều ý kiến trái chiều

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (Nguyên trưởng Khoa phiên dịch Nga – Anh – Pháp – Trung, ĐH Hà Nội) nhận định: “Trong thời đại kinh tế thị trường như hiện nay, việc học ngoại ngữ cũng cần phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu thực tế trong cuộc sống. Dễ nhận thấy rằng tiếng Anh đang là công cụ giao tiếp quốc tế và có nhu cầu sử dụng nhiều hơn, thiết yếu hơn trong xã hội. Còn hai ngôn ngữ tiếng Nga và tiếng Trung thì ít có nhu cầu sử dụng hơn”.

Vấn đề được đặt ra là các trường sẽ phải lựa chọn môn học ngoại ngữ thứ nhất như thế nào trong 5 môn ngoại ngữ được đưa ra khi nhu cầu của học sinh nghiêng về môn tiếng Anh nhiều hơn. Thực tế, việc đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh được áp dụng ở hầu hết các trường nhưng chất lượng chưa thật sự đảm bảo. Nếu thêm tên vào danh mục ngoại ngữ thứ nhất liệu có tạo áp lực, gánh nặng hơn cho việc giảng dạy ngoại ngữ?

Lấy ví dụ bộ môn tiếng Nhật đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa vào làm ngoại ngữ thứ nhất từ năm 2011 nhưng vẫn ít được áp dụng. Liệu có khả năng đề án được đưa thêm 2 môn ngoại ngữ vào hệ thống ngôn ngữ thứ nhất sẽ bị thờ ơ, ít được áp dụng vì xã hội chưa có nhiều nhu cầu?

Cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Không phải lúc nào nhà trường cũng đủ điều kiện để đưa 5 môn ngoại ngữ cho học sinh lựa chọn. Phải chiếu theo điều kiện giảng dạy của nhà trường và nhu cầu học của học sinh thì mới có thể quyết định được môn ngoại ngữ thứ nhất”.

Cần khảo sát nhu cầu thực tế 

Một chuyên gia giáo dục chia sẻ: "Trẻ em Singapore phải học nhiều ngôn ngữ ngay từ nhỏ và có gánh nặng lớn về ngôn ngữ. Chính quyền Singapore đã từng thừa nhận không muốn học sinh bị áp lực học ngôn ngữ nhưng do đất nước này là nước đa chủng tộc, đa văn hóa nên không thể thay đổi được. Trong khi đó Việt Nam có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt, không bị áp lực vì đa chủng tộc, việc học ngoại ngữ xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Vậy nên cần phải có sự khảo sát thực tiễn để xây dựng được chính sách phát triển ngoại ngữ quốc gia có tính khoa học, phù hợp và hiệu quả".

Thực tế, nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong xã hội rất lớn nhưng vẫn sẽ có một số người muốn học môn ngoại ngữ khác để thỏa mãn sở thích hoặc đặc thù công việc sau này. Vậy nên việc khảo sát nhu cầu học ngoại ngữ thực tế là việc nên làm.

Sắp có nạn chạy trường dạy tiếng Anh vì... đề án học tiếng Trung, Nga?

Theo ý kiến của các chuyên gia, cần khảo sát nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian chuẩn bị cho đề án

Nhà giáo Vũ Thế Khôi nhận định: "Nếu nhìn tầm xa khoảng 10 năm nữa, chắc chắn xã hội sẽ thiếu cán bộ tiếng Trung và tiếng Nga. Theo tôi, để dạy bất cứ một môn ngoại ngữ mới nào cũng cần phải có một chương trình, giáo trình giảng dạy đầu tư mới hiệu quả được. Sẽ phải cần 3 đến 5 năm chuẩn bị thì mới có thể đưa tiếng Nga và tiếng Trung vào giảng dạy ngôn ngữ chính. Nếu Bộ yêu cầu triển khai ngay vào năm 2017 thì thật sự quá gấp gáp".

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng THPT Việt Đức (Hà Nội) nêu quan điểm: "Bộ không ép buộc trường nào phải dạy môn ngoại ngữ gì mà đã nói rõ là tùy theo tình hình, điều kiện giảng dạy của trường, nhu cầu của học sinh mà lựa chọn môn ngoại ngữ thứ nhất. Vậy nên nếu áp dụng đề án thì chắc chắn nhà trường sẽ phải hỏi ý kiến của phụ huynh, học sinh, chiếu lại điều kiện giảng dạy, cơ sở vật chất của trường thì mới có thể thực hiện được. Tôi nghĩ sẽ không có trường nào dám mạo hiểm lựa chọn một môn ngoại ngữ bất kỳ trong 5 môn mà không có sự khảo sát ý kiến của phụ huynh, học sinh".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cát-xê dàn ca sĩ Việt: Hà Hồ 1,5 tỷ dự event, Lệ Quyên hát đám cưới 15k đô