Câu chuyện kỳ lạ về tượng 500 năm “bất khả xâm phạm”

2016-04-26 08:49
- Đến nay, pho tượng đã tồn tại hơn năm thế kỷ. Để bảo vệ pho tượng, người dân làng Trà Liên xây kín tường cả ba mặt, chỉ để lại một phần nhỏ mặt tiền, rồi cử người chăm sóc.
Được biết đến là một trong ba lỵ sở (trung tâm hành chính trong một khu vực nhỏ - PV) của chúa Nguyễn Hoàng (từ năm 1570 - 1600), thủ phủ Trà Bát (nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) còn là nơi lưu giữ pho tượng niên đại 500 năm tuổi của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, cậu ruột chúa Nguyễn Hoàng. 
Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là một nhân vật có thật tồn tại trong lịch sử. Tên tuổi của ông gắn liền với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, có công trong hành trình mở mang bờ cõi về phía Nam của các chúa Nguyễn. Khi vừa tròn 34 tuổi, chúa Nguyễn Hoàng đã cùng người cậu Nguyễn Ư Dĩ và bà con họ hàng, hàng ngàn quân sĩ, người dân, giong buồm vào Nam, đến định đô ở vùng đất mới. Vùng đất Ái Tử, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị là nơi chúa Nguyễn chọn để lập dinh trại.
Ông Trịnh Minh Toàn (nguyên Phó ban điều hành làng Trà Liên), trích dẫn sử xưa, chia sẻ, trong suốt thời gian chúa Nguyễn đóng dinh tại Quảng Trị, thì Nguyễn Ư Dĩ là người có công rất lớn trong việc thu phục các bậc anh tài hào kiệt. Nghe danh chúa Nguyễn, hàng nghìn người từ khắp nơi kéo về đây tụ nghĩa. 
Khi Thái phó Nguyễn Ư Dĩ qua đời, để tưởng nhớ công ơn của ông nên hậu thế đã đúc tượng thờ ông. Được hình thành từ thời chúa Nguyễn, tượng có chiều cao 0,62m, phần vai rộng 0,3m. Tượng được làm bằng chất liệu đồng, tạc ở thế ngồi trên ghế thấp, đầu đội mũ quan, thân khoác áo choàng rộng phủ xuống, chân đi hia. Pho tượng nặng hơn 300kg.
Theo ông Toàn, trước đây bức tượng được đặt trong chùa Liễu Bông (hay còn gọi là chùa Liễu Ba, hay Miếu Bông). “Hồi ấy, người dân cứ nghĩ đó chỉ là một bức tượng Phật mà thôi”, ông toàn nói. Năm 1972, chiến tranh ác liệt đã làm nhiều công trình, chùa chiền bị phá hủy nặng nề, trong đó có chùa Liễu Bông. Trước tình hình đó, người địa phương phải di tản đi đến các vùng đất khác. Khi người dân địa phương trở về, chứng kiến cảnh kỳ lạ, dù ngôi chùa đã bị phá hoại đổ nát nhưng bức tượng đồng vẫn còn nằm uy nghi, bom đạn không đụng đến. Cho rằng đó là điềm lành, dân làng cùng nhau đóng góp tiền của dựng miếu thờ tượng. 
Pho tượng 500 năm “bất khả xâm phạm”

Ảnh VNN

Trước đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để giữ cho pho tượng không bị trộm, người làng đã mang tượng chôn dưới lòng hồ. Có lần giặc cho người về tận làng truy lùng, đào xới khắp nơi, mong tìm bằng được pho tượng, nhưng vẫn không thể tìm ra nơi cất giấu. Đến năm 1989, kẻ gian lại tìm đến nơi thờ pho tượng hòng lấy cắp, nhưng một sự việc diễn ra khiến kế hoạch trộm cắp bị phá vỡ. 

Bảo vệ pho tượng
Người làng cho rằng khi kẻ gian bê pho tượng ra khỏi bệ thờ thì bỗng dưng trời nổi dông gió, sấm chớp liên hồi, một cơn mưa lớn xối xả trút xuống. Thấy chuyện lạ, kẻ cắp hoảng hốt để lại pho tượng rồi lặng lẽ chuồn đi. Khi trời tạnh mưa cũng là lúc rạng sáng, nhiều người làng đi làm đồng ngang qua chỗ miếu thờ, phát hiện pho tượng nằm trên mặt cỏ trong tình trạng bị kẻ gian cưa mất hai dải bách trên chiếc mũ. “Hồi chống Mỹ, một đơn vị rađa về đóng doanh trại ngay bên cạnh cái miếu đặt pho tượng. Nhưng cũng chẳng hiểu vì sao mà từ khi đến đây, hệ thống máy móc của đơn vị có khi chập chờn. Sau nhiều lần sửa chữa không được, họ đành phải dời đến địa điểm khác. Có người bảo do pho tượng làm nhiễu sóng rađa”, ông Toàn cho hay.
Những câu chuyện như thế về bức tượng làm người dân Trà Liên càng bảo vệ pho tượng cẩn thận, mục tiêu “làng còn, tượng phải còn”. Pho tượng đã tồn tại hơn năm thế kỷ, để bảo vệ pho tượng, người dân làng Trà Liên xây kín tường cả ba mặt, chỉ để lại một phần nhỏ mặt tiền, rồi cử người chăm sóc. 
Để tôn kính công ơn của quan Thái phó, người làng đến giờ vẫn duy trì truyền thống mỗi năm tổ chức bốn lần cúng với nghi thức đại lễ. Ngoài việc thờ tự vào dịp Tết, thì lễ cúng được tổ chức rất linh đình vào các ngày rằm tháng Hai, tháng Sáu, tháng Tám và tháng Mười hai âm lịch. Hàng năm chánh lễ của làng thường đến chỗ đặt tượng làm lễ cầu xin mưa thuận, gió hoà, mong nông dân luôn gặp mùa màng bội thu. 
Ông Nguyễn Huỳnh, Trưởng thôn Trà Liên, kể, người địa phương luôn có ý thức bảo vệ tượng. Đầu năm 2005, tại làng xuất hiện vài người lạ mặt đến xem pho tượng. Người ta phát hiện những biểu hiện khả nghi của các đối tượng, nghi ngờ họ không phải là khách du lịch thuần túy. Nghi ngờ đó là kẻ gian, lại sợ mất pho tượng, người trong làng từ già đến trẻ đã “phong tỏa” các ngả đường ra lối vào trong làng, “bắt” người lạ mặt. Cán bộ địa phương phải lập tức có mặt can thiệp, xác minh ra mới hay đó chỉ là những người ở địa phương khác đến vãn cảnh. Bức tượng được bảo vệ nghiêm ngặt, còn vì lý do người địa phương vẫn truyền tụng những câu chuyện về Thái phó Nguyễn Ư Dĩ như câu chuyện ông khuyên nhủ quan Trấn thủ Thuận Hóa giảm thuế cho dân, giảm tối đa việc sai dịch để cho dân được an cư lạc nghiệp. 
Cũng nhờ vào sự khuyến khích của ông mà dần dần lãnh thổ được mở rộng, nông dân có cơ hội khai hoang, lập ruộng vườn tạo nên cuộc sống mới. Trở lại với pho tượng, “bảu vật làng” này đã được Bảo tàng tỉnh Quảng Trị làm tiêu bản tượng đồng trưng bày cho du khách thập phương chiêm ngưỡng. Hiện pho tượng chính được chính quyền xã Triệu Giang kết hợp với Trường tiểu học Triệu Giang quản lý.
Theo Phan Thùy (Pháp luật và thời đại)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 4 sản phẩm sữa tắm trắng da dưới 500.000 giúp da trắng bật tone sau 30 ngày sử dụng