Những trang đời đẫm nước mắt
Trong chuyến công tác về vùng sơn cước Phú Ninh (Quảng Nam), tôi vô tình nghe được câu chuyện cảm động về một cụ ông đang ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng hằng ngày vẫn phải lặn lội đi nhặt từng cây củi, hái từng cọng rau để đổi gạo sống qua ngày và chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho người em gái bị đui mù suốt 77 năm nay. Tò mò và ngưỡng mộ, sáng hôm sau tôi và anh bạn đồng nghiệp quyết định vượt một quãng đường dài hàng chục cây số để tìm đến thăm gia đình đặc biệt này.
Vĩnh Quý vốn là một trong những làng quê nghèo nhất nhì của một huyện thuộc loại “khổ” ở Quảng Nam. Thế nhưng, chính những người dân nơi đây cũng phải giật mình xót xa khi được hỏi về gia đình cụ Khoái dòng dã gần thế kỷ luôn sống trong cảnh đói nghèo, chạy ăn từng bữa, bệnh tật và bao nỗi lo toan cho cuộc sống mưu sinh.
Quanh quẩn hơn 2 tiếng đồng hồ tìm kiếm, chúng tôi cũng đến được căn nhà tạm bợ nằm trơ giữa bãi đất trống của anh em ông Nguyễn Khoái (84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Mịch (77 tuổi) ở thôn Vĩnh Qúy, xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam).
Ông Khoái đã hy sinh hạnh phúc cả cuộc đời mình để chăm lo cho đứa em gái đui mù gần trọn một thế kỷ (Ảnh: Khương Mỹ)
Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Khoái nằm nép mình khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ, xung quanh vắng vẻ, tĩnh mịch lạ thường. Nhìn quanh nhà trống hơ trống hoác, chẳng có nổi vật gì đáng giá ...
Vì đến vào buổi trưa nên ông Khoái đi nhặt củi chưa về còn bà Mịch thì đang ngủ trưa trên chiếc giường gãy vạc đặt giữa nhà. Không nỡ phá giấc ngủ hiếm hoi của bà nên tôi và người bạn đồng hành ra sân ngồi đợi. Tại đây chúng tôi đã được một người hàng xóm tốt bụng “khái quát” cho nghe về cuộc đời éo le của anh em ông Khoái.
Ông Khoái và bà Mịch sinh ra trong một gia đình nghèo. Năm lên 15 tuổi, cha mẹ không may mất sớm trong chiến tranh, bỏ lại ông Khoái với người em gái tật nguyền sống lẻ loi, đơn độc giữa thời loạn lạc. Từ đó, ông phải làm lụng vất vả trăm nghề để mưu sinh và lo cho người em gái đui mù suốt hơn nửa thế kỷ…
Câu chuyện giữa tôi và người hàng xóm vừa dứt thì từ phía xa thấp thoáng bóng dáng của một cụ ông già nua, khắc khổ với dáng người nhỏ thó, gầy xọp đang lom khom ôm một bó củi to tướng. Nghe người hàng xóm bảo đó là ông Khoái, tôi vội chạy ra phụ ông ôm đồ vào nhà.
Đang ngủ trưa nhưng có lẽ do nghe tiếng bước chân nên bà Mịch tỉnh giấc và kêu to lên “đói quá, đói chết mất!”. Nghe em mình nói vậy, ông Khoái chạy nhanh ra sau vườn múc một gáo nước lạnh vào cho bà Mịch uống để cầm đói rồi vội vã xuống bếp nhóm lửa nấu cơm...
Bữa cơm đạm bạc của 2 anh em ông Khoái (Ảnh: Khương Mỹ)
Chúng tôi thật sự không kìm được nước mắt khi thấy hình ảnh một cụ già với chân tay co quắp, cặp mắt nhắm nghiền, nằm trơ trụi trên chiếc giường tre ọp ẹp. Phía dưới gầm giường là một mớ những thứ hỗn độn nằm lăn lóc, vương vãi. Một thau nước tiểu bên cạnh giường bốc mùi khai nồng nặc, dưới nền nhà nhem nhuốc nước, bao bì, lon chai và một vài bộ quần áo cũ kỹ lâu ngày không giặt... Có tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó thì mới thấy hết được sự cùng cực mà hai con người bất hạnh này đang phải gánh chịu…
Nỗi lo gần trọn thế kỷ
Trưa đứng bóng, mâm cơm được dọn ra với thức ăn chỉ vỏn vẹn là hai bát cơm và một chén muối đậu phộng rang. Một cụ bà già nua với đôi mắt mù lòa đang cố xúc từng chút cơm ăn một cách cẩn thận. Thỉnh thoảng, bà lại đưa đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương mò mẫm xung quanh, cố nhặt lại những hạt cơm bị vương vãi ra ngoài để ăn...
Khi được hỏi, bây giờ có ước muốn gì nhất, bà Mịch thật thà chia sẻ: "Bây giờ tui chỉ ước bữa mô cũng có cơm với một ít thịt hay một ít cá vụn để ăn thôi". Nghe vậy, người bạn đồng nghiệp của tôi liền chạy vội đi mua cho bà hai ổ bánh mì thịt. Ngồi nhìn bà Mịch ăn hết hai ổ bánh mì một cách ngon lành mà tự nhiên tôi thấy khóe mắt mình cay cay. Có lẽ, đối với một người bị khuyết tật bẩm sinh và có cuộc sống thiếu thốn, nhiều nỗi buồn như bà Mịch thì một ổ bánh mì nhỏ, một ít sự quan tâm thôi cũng đủ để làm nên điều hạnh phúc rồi…
Được biết, cách đây không lâu, ông Khoái không may bị té gãy chân, cùng lúc đó, bà Mịch cũng bị ốm nặng. Thương em, ông Khoái lê cái chân bị đau đi bộ xuống tận dưới phố để mua thuốc, sau đó bệnh bà Mịch ngày càng nặng thêm, ông lại tất tả cõng em gái vượt hàng chục cây số để đến bệnh viện. Có lẽ, hình ảnh một cụ ông già yếu hằng ngày cõng đứa em gái đui mù trên lưng cứ đi đi về về từ lâu đã quá quen thuộc với người dân nơi xóm nghèo Vĩnh Qúy.
Cuộc sống khốn khó nhưng anh em ông Khoái, bà Mịch luôn thương yêu và đùm bọc lẫn nhau (Ảnh: Khương Mỹ)
Nhìn đứa em bệnh tật đang ngồi thở dốc vì trời nắng nóng, ông Khoái cười mếu máo nói: “Chừ khổ thiệt nhưng cũng đỡ hơn hồi chiến tranh. Hồi nứ địch truy giết cả người dân vô tội, hoảng loạn quá tui cõng hắn chạy bộ cả trăm cây số để lánh nạn. Nhiều khi phải uống nước mưa để cầm đói qua ngày chứ có cơm ăn với muối như chừ là ngon rồi.
Từ nhỏ đến giờ, mọi sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ đến vệ sinh cá nhân của hắn đều do một tay tui lo hết. Cái thân già này chịu cực khổ cả đời người nên giờ có chết cũng chẳng sao. Chỉ tội nghiệp cho đứa em bệnh tật của tui hằng ngày phải sống thui thủi trong cơn đói khát. Từng tuổi này, người ta có cháu nội, cháu ngoại để bế bồng cả rồi còn hắn thì suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bên cái giường”, nói đến đây giọng cụ Khoái bỗng nghẹn lại, tưởng chừng nước mắt đã khô cạn nhưng vẫn trực trào ra.
Theo nhiều người dân địa phương cho biết, thời trai trẻ, do tính tình hiền lành, chịu khó làm ăn lại cũng đẹp trai, phong độ nên có rất nhiều cô gái trong làng đến chạm ngỏ xin được theo ông Khoái về làm vợ. Thế nhưng ông lại chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình, quyết không lập gia đình, ở vậy để chăm sóc cho đứa em gái tật nguyền gần trọn thế kỷ nay.
Vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của số phận và trên hết là bằng nghị lực cùng tình thương cao cả của một người anh, bao năm qua ông Khoái vẫn sống và lao động một cách thầm lặng để chăm sóc cho đứa em gái tội nghiệp của mình…
Rời khỏi căn nhà bất hạnh mà thấy lòng mình nghẹn đắng. Xe lăn bánh mà hình ảnh của hai con người khốn khổ cùng nồi cơm với muối đậu cứ ám ảnh trong tâm trí chúng tôi mãi.
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan.vn)
Ca sĩ nào được khán giả đánh giá cao nhất trong đường đua tạo hit MV của Vbiz