Hai thiếu nữ đang ở cái tuổi đẹp nhất của đời người nhưng lại không khác gì những đứa trẻ vô tri, vô giác… Suốt ngày 2 em chỉ biết la hét và nở những điệu cười ngây ngô. Duy nỗi đau quặn thắt nơi đáy lòng của bậc sinh thành khi nhìn các con do mình đứt ruột sinh ra đang chết dần chết mòn từng ngày trong cái “chuồng” ẩm thấp, hôi hám ấy.
Gần 20 năm nhốt con trong “chuồng”
Vượt qua một đoạn đường dài ngoằn nghèo dưới cái nắng gay gắt, bụi bặm của miền Trung, chúng tôi được người dân dẫn đến một căn nhà cấp bốn cũ kỹ của gia đình chị Phạm Thị Dung (41 tuổi) và anh Huỳnh Văn Lợi (44 tuổi), trú thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.
Vừa vào đến cổng, bất ngờ nghe từ trong nhà phát ra những tiếng la hét và cười dồn man rợ. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng chúng tôi cũng không khỏi giật mình, kinh hãi trước những âm thanh hỗn độn đó...
Gần 20 năm nay, 2 chị em song sinh Huỳnh Thị Sương và Huỳnh Thị Sa bị nhốt trong "chuồng".
Vì không hẹn trước nên khi đến thăm, vợ chồng chị Dung đều không có ở nhà. Phải đợi hơn 3 tiếng đồng hồ thì anh chị mới đi làm ruộng về. Vừa bỏ cái cuốc xuống, không kịp chào hỏi khách, chị Dung đã vội vã xắn tay áo vào bếp chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Mời chúng tôi vào nhà, sau ly nước chè xanh mời khách, anh Lợi bắt đầu tâm sự về hoàn cảnh đầy bĩ cực của gia đình mình.
Anh Lợi kể, gia đình anh vốn “nghèo từ trong trứng nước” nên từ nhỏ anh đã sớm phải chịu khổ cực. Đến năm 1994, anh kết duyên với chị Dung, một cô thôn nữ hiền lành, đôn hậu bởi sự đồng cảnh ngộ. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ cùng lúc đón 2 cô “công chúa” chào đời trong niềm vui khôn xiết của hai bên họ hàng. Phải vắt óc suy nghĩ mãi anh chị mới nghĩ ra được cái tên thật đẹp để đặt cho 2 “thiên thần” của mình là Huỳnh Thị Sương và Huỳnh Thị Sa (20 tuổi).
Dù năm nay đã là thiếu nữ tuổi 20 nhưng 2 em cứ như một đứa trẻ 3 tuổi
Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang khi cả Sương và Sa sinh ra đã không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Hai em bị tâm thần bẩm sinh nên không nhận thức được việc gì, suốt ngày chỉ biết la hét và đập phá đồ đạc trong nhà.
Nuốt ngược nước mắt vào tim, anh chị cố gắng chạy vạy vay mượn khắp nơi để mong sao chữa khỏi bệnh cho các con… Thế nhưng tài sản trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi mà bệnh tình của 2 con vẫn không hề thuyên giảm…
Những bữa cơm chan đầy nước mắt
Năm tháng trôi qua, càng lớn, bệnh tình của Sương và Sa mỗi lúc càng trầm trọng hơn. Hằng ngày 2 em trốn nhà đi lang thang khắp nơi và đập phá tất cả mọi thứ mà mình thấy được. Khổ nhất là những bữa cơm của gia đình chưa bao giờ trọn vẹn. Vì cứ hễ chị Dung vừa dọn cơm ra là 2 cô con gái liền chạy tới đổ hết cả mâm cơm rồi phá lên cười thích thú... Bất lực không giữ nổi 2 con nên anh Lợi mới bàn với nhau xây một cái “chuồng” nhốt hai con vào để tiện chăm sóc.
“Hai đứa con giờ vệ sinh tại chỗ, gặp thứ gì là chúng nó đập phá hết. Tháng trước 2 đứa trèo lên nóc nhà trốn ra ngoài rồi đi lạc vào tận trong Núi Thành, gia đình tôi phải chia nhau đi kiếm gần cả tuần mới ra. Đường cùng nên vợ chồng tôi mới phải nhốt 2 đứa nó vào chuồng và khóa kỹ cửa thật kỹ lại…”, chị Dung nói trong tiếng nấc nghẹn.
Từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của 2 em đều phải phụ thuộc vào đôi bàn tay của người mẹ nghèo.
Hằng ngày, chứng kiến cảnh các con vật vã chống chọi với bệnh tật và gào thét điên cuồng khiến vợ chồng chị Dung như tan nát cõi lòng. Cứ mỗi lần các con lên cơn là nước mắt của người mẹ nghèo lại chảy đầm đìa, chai sạn trên khuôn mặt hốc hác gầy guộc đi vì tủi phận. Còn người cha chỉ biết đứng lặng một chỗ và thầm trách mình bất lực vì không làm được gì để giúp cho các con.
Nhìn những đứa con ngớ nga ngớ ngẩn của mình, anh Lợi buông tiếng thở dài: “Nhốt 2 đứa nó vào chuồng nhưng đi làm vợ chồng tôi cũng có yên tâm đâu. Mỗi lúc lên cơn là chúng nó lại la hét, đập phá, nhiều khi còn đánh nhau u đầu, chảy máu nữa… Thương con đứt ruột nhưng phải đi làm để kiếm tiền mua gạo nữa chứ sao mà ở nhà giữ chúng nó mãi được”.
Căn phòng nhốt các em chỉ có mỗi một tấm ván kê sát tường để làm chỗ nằm
Bây giờ, niềm hi vong lớn nhất của vợ chồng chị Dung đều đổ dồn vào cậu con trai 9 tuổi đang học lớp 3. Thế nhưng, dù may mắn hơn hai chị khi sinh ra được bình thường nhưng em Huỳnh Anh Bảo tính tình cũng chậm chạp, ít nói và thường xuyên đau ốm.
Chị Dung thì lại mắc bệnh suy nhược cơ thể nên không làm được việc nặng, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của anh Lợi. Bám ba sào ruộng cằn cỗi không đủ nuôi 5 miệng ăn nên gia đình thường xuyên rơi vào sự bế tắc, tuyệt vọng.
Những ánh mắt tưởng chừng như vô hồn nhưng lại có sức ám ảnh đến kỳ lạ
Trời chạng vạng tối, trong căn phòng ẩm thấp, hôi hám, bữa tối được dọn ra với thức ăn chỉ là 2 quả trứng luộc và một rổ rau luộc. Người mẹ trẻ lần lượt bón từng muỗng cơm cho 2 đứa con gái ăn trong khoảng không gian chật hẹp, tĩnh lặng đến nín thở.
Đôi mắt người mẹ bất hạnh ngân ngấn lệ, còn hai đôi mắt kia thì cứ đảo qua đảo lại không ngừng. Những ánh mắt “ngớ ngẩn” ấy tưởng chừng như vô thức nhưng lại có sức ám ảnh đến lạ kỳ.
Rời khỏi miền sơn cước khi cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt như rắc thêm muối vào lòng người. Xe lăn bánh mà trong lòng tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi những tiếng la hú, tiếng cười dòn điên dại của 2 thiếu nữ đang tuổi đôi mươi… Tôi cố lao xe thật nhanh trong cơn mưa giông mà lòng thầm ao ước sẽ có một phép màu nào đó cứu giúp gia đình anh Lợi, chị Dung thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của kiếp người khốn khổ ấy.
Khương Mỹ_Tam Nguyễn
(Theo Congluan)
Mối quan hệ không rõ ràng, chẳng thể bảo vệ con tim khỏi tổn thương