Nghĩa trang Hòa Sơn là nghĩa trang lớn nhất TP Đà Nẵng với hàng vạn ngôi mộ nằm trải dài tăm tắp trên các ngọn đồi thuộc địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Nơi đây, từ mấy chục năm qua, có những người phụ nữ vẫn ngày đêm sống nhờ… người chết. Công việc hằng ngày của họ là thắp hương, dọn dẹp vệ sinh, đốt lửa sưởi ấm và tâm sự cho những ngôi mộ bớt cô quạnh…
Mưu sinh giữa hàng vạn ngôi mộ
Chúng tôi tìm đến nghĩa trang Hòa Sơn lúc 16 giờ chiều, vì không phải ngày rằm nên không có nhiều người thắp hương khiến nghĩa trang càng trở nên lạnh lẽo. Có lẽ, những ai mới đến đây lần đầu sẽ không tránh khỏi cảm giác lạnh sống lưng với xứ sở của những người quá cố.
Một phụ nữ đang lau dọn một ngôi mộ ở nghĩa trang Hòa Sơn.
Dựng xe bên bãi đất trống ở cổng nghĩa trang, chúng tôi đi bộ một đoạn khá xa mới gặp được một người phụ nữ trung niên bịt khăn, đội nón kín mít, một tay cầm giẻ lau, một tay xách theo xô nước, lom khom lau dọn những ngôi mộ thật tỉ mỉ. Khi nghe chúng tôi giới thiệu đến đây để viết báo, chị tìm cách trốn tránh mãi, phải mất thời gian khá lâu tôi mới thuyết phục được chị mở lòng.
Chị Ba (xã Hòa Sơn), là người có thâm niên 12 năm làm nghề “chăm người chết”. Chị Ba cho biết, do nhà không có đất đai canh tác, lại phải nuôi 3 đứa con ăn học khiến cuộc sống luôn rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Sức khỏe yếu, lại học hành chưa đến nơi đến chốn nên chị đành chọn cái nghề mà ít người dám làm này để mưu sinh.
Với họ, đây không chỉ đơn giản là cái nghề kiếm sống mà còn là tấm lòng đối với người đã khuất.
“Ngày đầu tiên làm công việc này tôi cũng thấy sợ lắm. Xung quanh vắng lặng không có gì khác ngoài những nấm mồ lạnh lẽo... Lúc đó chỉ nghĩ thôi thì đành làm tạm, chờ kiếm được công việc khác mình sẽ bỏ cái nghề này. Nhưng làm mãi thành quen, không ngờ tôi lại có thể gắn bó với công việc này lâu đến vậy”, chị Ba trải lòng.
Tại nghĩa trang Hòa Sơn này hiện có khoảng 20 người phụ nữ gắn bó với công việc chăm sóc mộ. Đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định nên mới dạt vào đây để kiếm sống qua ngày. Mỗi người nhận chăm sóc hàng trăm ngôi mộ với tiền công do họ tự thỏa thuận với chủ mộ. Trung bình, nhận chăm sóc một mộ phần mỗi tháng họ được trả công từ 30.000-40.000 đồng.
Các ngôi mộ ở nghĩa trang Hòa Sơn luôn sạch sẽ nhờ có bàn tay của những người làm nghề “chăm người chết”.
Tuy nhiên, không phải tháng nào những “ôsin” nghĩa địa này cũng được nhận thù lao ổn định. Có khi một tháng họ may mắn kiếm được vài triệu đồng nhưng cũng có tháng phải chạy ăn từng bữa... Không chỉ vậy, đối với những ngôi mộ vô danh hoặc không có người thân thăm viếng, thương cảm, lâu lâu họ cũng dọn dẹp không công và bỏ tiền túi để mua nhang thắp như để an ủi người nằm dưới kia khỏi chạnh lòng.
Người chết “nuôi” người sống
Cũng giống như chị Ba, chị Nguyễn Thị Hương (46 tuổi), là một trong những người gắn bó với nghề phu mộ lâu nhất ở nghĩa trang này. Quê ở tận tỉnh Hà Nam, vì cuộc sống quá khó khăn nên cả gia đình chị vào Đà Nẵng định cư hơn chục năm nay.
Lúc đầu chị làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, nhưng đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nghe các chị em giới thiệu, chị cũng xin gia nhập “đội quân chăm người chết" ở nghĩa trang Hòa Sơn.
Ở nghĩa trang Hòa Sơn có hàng vạn ngôi mộ nằm rải rác khắp các ngọn đồi.
Cứ thế, ngót ngét gần chục năm nay, trừ những ngày đau ốm, bất kể nắng mưa, mỗi ngày 2 buổi, chị Hương đều đặn ra nghĩa trang để lau chùi những ngôi mộ và quét dọn khuôn viên xung quanh. Hiện chị nhận chăm sóc cho khoảng 80 ngôi mộ. Hàng năm cứ vào dịp Lễ Tết, mỗi khi người thân đến thăm mộ lại thưởng cho chị vài trăm ngàn tiền công.
Ngoài ra, chị còn nhận công việc đốt củi sưởi ấm vào buổi tối, thắp hương, lau chùi, dọn dẹp, vệ sinh mộ thường xuyên trong suốt 49 ngày cho những ngôi mộ mới chôn. Với việc chăm sóc và kiêm luôn cả trò chuyện, tâm sự cho một người mới chết bớt cô đơn, mỗi ngày chị được trả công khoảng 100.000 đồng.
Những đồng tiền chị kiếm được tuy không nhiều nhưng vun vén với tiền lương phụ hồ của chồng cũng đủ rau cháo qua ngày. Khi người bạn đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi, vài ba năm nữa mấy đứa con lớn lên rồi chúng nó vào đại học thì sao, chị trầm ngâm một lúc rồi trả lời: “Thì ráng lo cho tụi nó được chừng nào thì hay chừng đó thôi…”.
Họ làm việc bằng cái tâm với mong muốn những người đã khuất không chạnh lòng.
Tiếp tục đi sâu vào nghĩa trang với hàng vạn ngôi mộ nhìn như một “ma trận”. Chúng tôi gặp một người đàn bà với thân hình gầy gò, da sạm đen vì cháy nắng, đang cặm cụi nhổ cỏ ở xung quanh một ngôi mộ lớn. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, nhìn ngôi mộ đã sạch cỏ, bà Nguyễn Thị Lan (72 tuổi) lại lụi cụi chuyển sang thắp hương và lau chùi nền gạch men cho một ngôi mộ mới chôn bị lem đất sau trận mưa tối qua.
Quần quật hơn một tiếng đồng hồ mới xong việc, ngồi tựa lưng vào tường một ngôi mộ, người đàn bà đã bước qua con dốc cuộc đời tâm sự cho chúng tôi nghe về những buồn vui của công việc “ôsin” nghĩa địa: “Do hoàn cảnh xô đẩy nên cùng lắm mới phải làm cái nghề “ôsin” cho người chết này thôi! Nhiều người hiểu thì họ cảm thông, còn một số người họ kỳ thị mình lắm mấy chú ơi. Từ lúc làm cái nghề này, cứ đến Tết là tôi lại không dám đến nhà ai, vì sợ nhiều người quan niệm những người làm việc ở nghĩa trang như tôi thường mang lại xui xẻo, ảnh hưởng đến việc làm ăn của gia đình họ…”.
Khi tôi hỏi đùa, thế làm ở đây lâu như vậy có khi nào bà gặp ma chưa?! Nghe tôi nói, bà Lan bật cười lớn và nói: “Gần nửa đời người ở đây mà có bao giờ tôi thấy ma đâu. Mà nếu có gặp thật thì chắc cũng chẳng sợ đâu. Vì mình làm công việc chăm nom giấc ngủ của người đã khuất thì họ dọa mình làm gì. Với lại ăn ngủ cạnh mồ mã miết nên chừ cũng quen rồi, ngày nào mà không vào nghĩa trang lại thấy nhớ ấy chứ!”.
Làm việc vất vả, mỗi tháng cô Hương thu nhập được khoảng 2 triệu, số tiền này dành để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi ba đứa con thơ ăn học.
Theo những nữ phu mộ ở đây chia sẻ, thì chính nhờ những đồng tiền eo hẹp kiếm được từ công việc chăm người chết này mà nhiều chị em đã tằn tiện, chắt chiu để nuôi đàn con ăn học thành tài. Thế nhưng, khi đề cập đến công việc hiện tại, những “thân cò” lam lũ ấy cũng không giấu nổi sự lo lắng bởi suốt ngày sống gần người chết nên sức khỏe của họ ngày càng yếu đi.
Chỉ tay về phía một ngôi mộ mới chết vì bệnh ung thư, mắt nhìn xa xăm, bà Lan thở dài: “Từ ngày làm cái công việc chăm sóc cho mộ phần này thì tôi hay bị đau đầu, chóng mặt và sức khỏe giảm sút lắm. Ở cái nghĩa trang này có biết bao nhiêu người chết vì bạo bệnh, cứ mỗi lần trời mưa dông thì hơi đất bốc lên nghi ngút khiến chúng tôi lo mình hít phải sẽ mang bệnh lắm. Nhưng biết làm sao được, thôi thì cố gắng gượng để lo cho chồng, cho con vậy.”
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan)
Những mỹ nhân Việt sở hữu nhan sắc 'đại phú quý'