Nhốt trẻ ngoài cửa: Cách răn đe tệ hại nhất mà người lớn vẫn làm
Tin liên quan
Cuối tuần qua, một video clip ghi lại cảnh cháu bé 2 tuổi bị nhốt ở bên ngoài trước căn phòng đóng kín cửa đã khiến cư dân mạng phẫn nộ. Vấn đề có thể không quá lớn nếu như cháu bé không gào khóc thảm thiết đòi được mở cửa, thậm chí ở phần sau của clip đứa bé còn nhặt cái gì đó để ăn. Sự việc một lần nữa khiến cư dân mạng đòi hỏi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh sự việc một cách rõ ràng.
Sau khi clip lan truyền lên mạng, có thông tin nói, sự việc này xảy ra tại một trường mầm non ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn),
Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong, ông Vy Văn Tuấn (Chủ tịch UBND Xã Xuân Mai, Văn Quan, Lạng Sơn) cho biết, cháu bé trong clip là Hà Tuấn H (Khòn Khẻ, Xuân Mai, Lạng Sơn) đang học lớp mẫu giáo 2 tuổi của xã quấy khóc nên cô giáo Thủy và Tâm đưa ra sân sau lớp rồi đóng cửa. Sau đó cô giáo đã bế bé vào phòng.
Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, trường mầm non của xã nằm ở thôn Bản Dạ, hiện đang xây dựng khá khang trang theo chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí khoảng trên chục tỷ đồng, vì vậy nhà trường mượn 2 nhà công vụ (trong tổng số 5 nhà cấp bốn, gồm 2 nhà ở của giáo viên, một phòng bảo vệ) của Trường THCS xã Xuân Mai để làm lớp học. Các phòng này đều có kết cấu giống nhau, một nửa là nhà ở, phần sân sau bố trí bể nước, khu vệ sinh.
Sau đó, đoàn công tác của Trưởng phòng Giáo dục huyện Văn Quan - Lãnh Thị Huệ đã xuống làm việc trực tiếp để kiểm tra sự việc. Theo đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu 2 giáo viên viết tường trình, kiểm điểm, tạm đình chỉ công tác. Theo đoàn kiểm tra, 2 cô giáo cũng đã hối lỗi và đến tận nhà em H xin lỗi.
Để lại dấu ấn tâm lý xấu cho trẻ
Trao đổi với chúng tôi chuyên gia tâm lý Vũ Hương cho rằng, không chỉ có các cô giáo mà nhiều phụ huynh vẫn áp dụng kiểu cho trẻ vào phòng rồi đóng cửa hay cho trẻ đứng ngoài hành lang một lúc khi trẻ quấy khóc. Cách này tưởng như là cách giải quyết hợp lý, nhanh chóng dọa trẻ phải im lặng nhưng điều này lại vô cùng phản tác dụng.
Theo các chuyên gia, việc làm này của phụ huynh hay giáo viên có thể để lại dấu ấn tâm lý không tốt, khiến trẻ sợ hãi và từ đó bị ám ảnh, thậm chí nặng hơn có thể chấn động lâu dài.
"Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng cần sự che chở, bảo bọc trong vòng tay an toàn của bố mẹ. Khi cho trẻ ở bên ngoài cửa, người lớn tưởng như vậy là bản thân được "giải thoát" nhưng khiến trẻ sợ hãi tột độ. Bởi, trẻ cảm thấy như bị ghét bỏ hay xung quanh không có ai để bấu víu vào", chuyên gia này nói.
Không ít người vẫn luôn quan niệm, dọa nạt hay mắng con hay dạy con bằng nỗi sợ hãi sẽ là cách nhanh nhất. Nhưng "dục tốc, bất đạt", điều gì cũng vậy phải đòi hỏi thời gian và chuyện dạy con cũng không là ngoại lệ.
Sự phát triển của trẻ bằng con đường tự nhiên luôn muốn vượt qua những giới hạn, để khám phá ra những điều mới trong cuộc sống. Nếu như dạy con bằng sự sợ hãi làm cho trẻ cảm thấy mất an toàn, sợ hãi, không dám vượt qua bất cứ điều gì. "Thậm chí, cách này còn khiến trẻ không sáng tạo, thui chột tiềm năng", chuyên gia nhấn mạnh.
Thậm chí có những phụ huynh áp dụng cách phạt như nói ở trên quá nhiều lần làm cho trẻ gần như "nhờn thuốc", về sau càng không nghe lời, coi đó là chuyện thường tình. Lúc đó, tất cả lời nói của bố mẹ đều phản tác dụng, những lời răn đe bằng miệng sẽ không hiệu quả.
Sự dọa nạt mà phụ huynh áp dụng với trẻ có thể được nhưng chỉ nên thỉnh thoảng chứ không phải bất cứ trường hợp nào trong cuộc sống cũng áp dụng cách này. Có phụ huynh thấy con lười ăn cũng dọa bán ông ba bị, hay cảnh báo ra ngoài đó có ma hoặc ngáo ộp...lâu dài trẻ bị ám ảnh, sợ hãi mà khi bé phát hiện những điều đó không có thật thì trẻ sẽ có đà lấn tới nhiều hơn nữa.
Minh Phương
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất