Muốn con đi học ngày trời rét: "Suy nghĩ ấu trĩ của phụ huynh lười?"
Tin liên quan
Chuyện học sinh được nghỉ học khi thời tiết hạ thấp dưới 10 độ C đã gây không ít phiền toái cho phụ huynh. Nhiều người không tìm được chỗ gửi con, đường cùng đành dắt trẻ đến cơ quan. Thậm chí, có phụ huynh lại lên tiếng cho rằng "tại sao không cho con cái niềm tin ngay từ bé rằng dù trong điều kiện nào vẫn được bảo vệ hơn là tạo ra cái tâm lý ngại khó ngại khổ". Là một người mẹ tôi không đồng tình với quan điểm này.
Hôm qua, tôi còn đọc được bài báo muốn so sánh việc học sinh Nhật Bản vẫn đi học lúc trời rét 2 độ C, trong khi ở nước ta, mức nhiệt dưới 10 độ C đã cho học sinh nghỉ học. Nhưng tôi cũng không đồng ý cách so sánh khập khiễng này.
Nhiều phụ huynh như tôi thèm thuồng khi thấy học sinh tiểu học Nhật Bản đội giá rét, tuyết rơi đến trường. Thậm chí, mặc quần đùi, áo cộc và chạy nhảy trên sân trường như đang giữa mùa hè. Nhưng ở Việt Nam đâu có thể như vậy được.
Nhật Bản là đất nước ôn đới, nhiệt độ hạ thấp 0 độ C hay tuyết rơi không phải là chuyện hiếm gặp. Bản thân người dân sinh ra ở những đất nước có khí hậu lạnh như vậy đã có được sức chịu đựng và cách chống chọi sự khắc nghiệt truyền đời từ xa xưa cho đến ngày nay.
Còn Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, với một mùa đông đặc biệt. Dù nhiệt độ mùa đông có lúc chỉ 10-15 độ C nhưng trung bình mức nhiệt ở nước ta vào khoảng 22-27 độ C. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ được sống trong mức nhiệt tương đối cao. Cho nên khả năng chống chọi với rét chỉ ở mức vừa phải.
Ở Việt Nam, không phải mùa đông nào cũng có mức nhiệt dưới 10 độ C và tất nhiên không phải cả mùa đông đều giữ nguyên ở mức nhiệt thấp này. Cho nên, trẻ em không thể rèn luyện được khả năng chống chọi với giá lạnh thường xuyên như các nước xứ lạnh.
Ngoài ra, tôi từng đến Nhật Bản, nếu nhiệt độ xuống mức 4-5 độ C vẫn không cảm thấy sự khắc nghiệt. Chỉ cần mặc kín cơ thể, với lớp áo dày, bạn hoàn toàn có thể đi học, đi làm như bình thường. Còn mùa đông ở nước ta, ngoài rét còn kèm gió lạnh, mưa phùn, độ ẩm cao...khiến cái rét cắt da cắt thịt, thấu xương hơn rất nhiều lần.
Vì vậy, chuyện cho con nghỉ học dưới 10 độ C là điều nên làm và cần làm. Với thời tiết rét cực đậm như vậy, khả năng thích nghi của trẻ chưa kịp thời rất dễ bị cảm lạnh, viêm phổi. Lúc đó phụ huynh còn chật vật hơn gấp ngàn lần chuyện đưa con đi gửi mỗi sáng.
Đi học trời rét để làm gì?
Đó là một khía cạnh, có phụ huynh vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm rằng, trẻ đi học khi trời rét sẽ hình thành tâm lý ngại khó, ngại khổ. Tuy nhiên, xét đến cùng thì suy nghĩ này hết sức ấu trĩ. Đâu phải cứ đưa con đi giữa trời rét mướt, vùi mình vào tuyết mới là cách để trẻ có được sự tự lập và kiên cường.
Cho con đi học ngày rét nhưng hàng ngày làm thay mọi việc, con khóc thì quáng quàng lo lắng dỗ dành hay con vòi vĩnh đồ chơi thì dốc hết hầu bao để mua...Với cách bao bọc con như vậy, dù rèn luyện ở mức -50 độ C cũng khó cải thiện được suy nghĩ của trẻ.
Tôi nhận thấy rằng, phụ huynh Việt muốn dạy con sự tự lập, tự lo cho bản thân, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng quan điểm thái quá lại đưa con vào tình huống tréo ngoe như đi học trời rét hoàn toàn không nên. Thay vì cho con đi học lúc giá rét, hàng ngày mỗi phụ huynh hãy cho con tập rửa bát, tự lấy cơm ăn hay ngồi ăn cơm mà không cần ai bón...cũng là cách dạy sự tự lập hiệu quả.
Cho con đi học trời rét, không cẩn thận có thể khiến cho trẻ dễ bị nhiễm lạnh, chưa kịp rèn luyện đã phải uống thuốc kháng sinh. Sự thích nghi là một quá trình lâu dài, muốn con đi học khỏe mạnh trong trời rét thì trước đó phụ huynh phải chuẩn bị thể lực, sức khỏe, sức đề kháng cho trẻ. Đừng đưa con trẻ ra để so sánh và ép buộc chúng phải theo những mong muốn của người lớn.
Xem thêm: Ứa nước mắt cô bé đi bánh tét sát Tết
Mẹ Bon
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất