Mẹ chồng trầm cảm vì con dâu "cạy mồm không nói"
Tin liên quan
Thấy ngột ngạt vì ngôi nhà thiếu vắng tiếng người
Có những bà mẹ chồng khốn đốn vì có cô con dâu “cãi như chém chả”, chuyện mẹ chồng - nàng dâu trở nên đau đầu hơn. Gặp phải nàng dâu ghê gớm như vậy, mẹ chồng thường ước ao có cô con dâu hiền lành, nhu mì, ít nói. Thế nhưng thực tế lại tréo ngoe ở chỗ, nhiều bà mẹ chồng thì chỉ lại thầm mong có một nàng dâu lắm lời. Bởi các bà mẹ chồng này đang chịu cảnh sống “tra tấn” chỉ vì con dâu “câm như hến”, mẹ chồng có nói gì, nàng dâu cũng vâng, dạ chứ không bao giờ... thèm cãi.
Bà Thụy (68 tuổi, quê Hưng Yên) có cậu con trai đang làm ở Hà Nội và đã mua được một căn chung cư khang trang. Ngày con trai đưa người yêu về ra mắt, bà Thụy thấy nàng dâu tương lai này có vẻ ít nói. Trong bữa cơm, bà hỏi gì thì cô gái trả lời nấy, thỉnh thoảng nói dăm ba câu với con trai bà chứ không sốt sắng gì việc chuyện trò với mẹ chồng tương lai.
Bà Thụy nói với con trai tâm sự này thì cậu con trai ôm vai bà cười, bảo rằng: “Cô ấy là tuýp người nội tâm, sống bình lặng, nghe nhiều hơn nói. Mà im lặng là vàng mẹ ơi. Lấy cô ấy con không lo cô ấy mắc "bệnh" nói xấu, than phiền về chồng như thói quen của nhiều phụ nữ khác”. Nghe con trai nói có lý, lại nghĩ đến cảnh mấy bà hàng xóm thỉnh thoảng sang thở than về việc bị con dâu cãi láo, bà Thụy tặc lưỡi cho qua.
Vợ chồng con trai bảo đón bà lên Hà Nội sinh sống cùng con cháu nhưng bà không chịu. Dịp hè này, cháu nội 4 tuổi của bà được nghỉ học, giúp việc mới xin nghỉ, vợ chồng con trai bà thì đi làm cả ngày nên bà đành phải lên Hà Nội để trông thằng cháu. Đến lúc này bà mới thấm nỗi khổ khi có một nàng dâu ít nói.
Bà Thụy kể: “Sáng trước khi đi làm nó chào tôi một câu, chiều đi làm về thì chào thêm một câu nữa. Thỉnh thoảng nó hỏi thêm: “Cháu ở nhà có ngoan không mẹ?”. Tôi hỏi gì thì nó vâng, dạ trả lời rồi thôi chứ chẳng mấy khi chủ động bắt chuyện với tôi hay kể lể chuyện cơ quan, đồng nghiệp, bạn bè. Hồi đầu mới lên nhà con trai ở, tôi chỉ chờ mong con cháu về quây quần trong bữa ăn tối, mọi người vui vẻ chuyện trò. Thế nhưng được mấy bữa thì tôi thấy… trầm cảm luôn trong bữa ăn. Con trai tôi vốn kiệm lời, thằng cháu nội cũng lành tính chứ không nghịch ngợm, hiếu động, lại thêm cô con dâu ít nói nên trong bữa ăn chẳng ai nói chuyện với ai. Tôi thường chủ động bắt chuyện nhưng dần dần cứ thấy mình… vô duyên, kiếm chuyện làm quà. Dần dần tôi cũng chán, chỉ muốn ăn cho xong bữa chứ chẳng hào hứng chuyện trò gì nữa”.
Bà Thụy bảo, bà quen nếp sống ở quê tình nghĩa, cứ rảnh rỗi là lại chạy qua nhà hàng xóm uống cốc nước chè, nước vối rồi ngồi chuyện trò từ chuyện đầu làng cho tới cuối xóm. Từ ngày bà lên ở với gia đình con trai, bà thấy mình như bị cầm tù. “Giá như con dâu hoạt bát, mau mồm mau miệng hơn, hiểu rằng việc được nói chuyện, chia sẻ là một nhu cầu của người già thì có lẽ không khí gia đình đã không tù túng, ngột ngạt đến vậy. Đằng này thì…”, bà Thụy thở dài.
Có lẽ cảm thấy buồn chán, nên mỗi ngày của bà Thụy cứ dài lê thê. Bà đếm từng ngày trôi qua, đếm cả từng câu nhỏ giọt mà con dâu nói mỗi ngày. Rồi bà mong chờ cháu nội hết đợt nghỉ hè để bà lại được về quê, để được vui vẻ “buôn chuyện” với những người hàng xóm hay chuyện.
Chỉ mong con dâu… cãi vã một lần
Cũng lâm vào tình cảnh khốn đốn vì có con dâu ít nói là bà Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội). Bà kể, sau bao nhiêu năm rèn luyện, bà đã rèn cho cả nhà thói quen là sau bữa ăn tối, mọi người ra phòng khách ngồi quây quần ăn hoa quả, uống nước trà, xem ti vi và nói chuyện với nhau để gắn chặt tình cảm gia đình. Nhưng từ ngày có con dâu, sau bữa tối, cô con dâu lên thẳng phòng làm cho cả gia đình cũng tụt cả hứng. Dần dà thói quen mà bà Hằng cho rằng tốt đẹp của gia đình đã bị cô con dâu phá vỡ.
Bà Hằng bảo, bố mẹ chồng hỏi thì con dâu bà mới trả lời chứ ít khi nàng dâu chủ động bắt chuyện với các thành viên khác trong gia đình. Khi có khách tới nhà chơi, cô con dâu cũng đều trốn trong phòng hoặc ra chào hỏi đôi câu cho có lệ rồi ngồi nép một chỗ, không nói gì. Nếu khách có trêu thì nàng dâu cũng chỉ ngại ngùng, đỏ mặt cười trừ, chứ không giỏi ứng biến, đáp trả gì cả.
Bà Hằng nói ý với con trai để hỏi dò xem tại sao con dâu lại kiệm lời tới mức như thế thì nhận được câu trả lời: “Vợ con nói cô ấy không biết cách nói chuyện với người lớn tuổi. Hạn chế trò chuyện thì càng không bị mất lòng bố mẹ chồng, vì nhỡ điều nói không nói lại đi nói cái không nên, sau lại mang tiếng xấu. Mà con cũng thấy mẹ chồng nàng dâu càng ít tiếp xúc thì càng ít mâu thuẫn, đỡ xảy ra những chuyện đau đầu”. Nghe con trai nói, bà Hằng chưng hửng…
“Tôi cũng mừng vì có cô con dâu ngoan ngoãn, ít đi chơi tối, ít tụ tập với bạn bè, nhưng nó sống khép mình, ít nói và khả năng giao tiếp kém quá. Nhiều khi tôi chủ động nói chuyện, hỏi han nó mà nó cứ dạ dạ vâng vâng khiến tôi phát cáu. Nói thì không ai tin, nhưng thực lòng là đôi khi tôi chỉ muốn nó cãi tôi một lần, để tôi có cảm giác là mình đang nói chuyện với một con người chứ không phải một cỗ máy chỉ biết nói đúng 2 từ vâng, dạ”, bà Hằng ngao ngán.
Có thể thấy mỗi người mỗi tính, có người sống hướng ngoại hay nói hay cười, cũng lại có người sống nội tâm, hay suy nghĩ chứ ít khi nói ra miệng. Tâm lý của người già là luôn muốn có người lắng nghe, chia sẻ và trò chuyện. Thế nên khi có con dâu ít nói, nhiều bà mẹ chồng cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Với họ không phải lúc nào con dâu im lặng cũng là vàng, mà lời nói đúng lúc, đúng chỗ mới thật sự giá trị.
Phương Linh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất