Mặc "đồng phục" cho biển quảng cáo: Hoa mắt vì nhận diện thương hiệu

Nguyệt Minh 2016-05-13 10:06
- Dưới góc độ của doanh nghiệp và truyền thông, yếu tố đẹp mắt của “con đường kiểu mẫu” lại chính là điều có thể ảnh hưởng thương hiệu mà doanh nghiệp mất không ít tiền bạc và thời gian để xây dựng.

Vài ngày trở lại đây, câu chuyện con đường kiểu mẫu gây xôn xao dư luận từ những quán trà, những văn phòng, trên mặt báo và có lẽ là trong nhiều comment trên mạng xã hội… Nhiều ý kiến được đưa ra và nhiều người vẫn băn khoăn có nên chăng để cho biển quảng cáo khoác lên mình một tấm áo “đồng phục”?

Mặc “đồng phục” cho biển quảng cáo và những câu chuyện dở khóc, dở cười

Sáng 7/5, dự án xây dựng, mở rộng đường Lê Trọng Tấn đoạn từ đường Tôn Thất Tùng tới sông Lừ (Thanh Xuân) được thông xe. Đây được xem là tuyến đường đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô được đồng bộ màu sắc, kích thước nhà cửa, biển bảng quảng cáo hai bên đường.

Mặc đồng phục cho bảng quảng cáo, nên hay không nên?

Hình ảnh những tấm biển quảng cáo đồng bộ trên con đường kiểu mẫu. Ảnh: Thanh niên. 

Với hai màu sắc xanh và đỏ, những bảng quảng cáo được dựng lên được nhiều người dân ở đây đánh giá là đẹp mắt. Tuy nhiên, ngay lập tức hình ảnh những bảng này đã gây tranh cãi. Cách bố trí biển quảng cáo trên là thiếu hợp lý, và “giết chết” sự sáng tạo?

Một câu chuyện chia sẻ trên báo chí còn cho biết, một phụ huynh  cho con chạy 3 vòng mới tìm được nhà trên tuyến đường kiểu mẫu khiến người đọc dở khóc, dở cười. Con phố Lê Trọng Tấn khang trang, đẹp mắt hơn với nhiều người nhưng với lợi ích kinh tế của nhiều người khác thì đây là vấn đề cần được quan tâm.

Sau câu chuyện con đường kiểu mẫu này, người ta lại muốn tìm hiểu ở các nước khác, việc sắp xếp biển quảng cáo như thế nào?

Ở Nhật Bản, biển quảng cáo tự do trong khuôn khổ, ở Úc phải đảm bảo sự an toàn cho người đi đường, “không treo đầu dê bán thịt chó” là quy định ở Mỹ, còn ở Trung Quốc buộc phải ngăn nắp vì… quá nhiều.

Với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, biển quảng cáo trước giờ vẫn được sắp xếp theo những bộ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Ở Ngũ Xã (Hà Nội) cũng đã xuất hiện những biển quảng cáo khá đồng bộ nhưng điều này được chấp nhận bởi đây là hình thức kinh doanh đơn lẻ của những gia đình cùng bán chung mặt hàng ở phở cuốn.

Đồng bộ, đẹp mắt "giết chết" doanh nghiệp

Tranh cãi về đồng bộ biển quảng cáo trên tuyến đường Lê Trọng Tấn, tuyến đường đồng bộ kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội khiến dân mạng “dậy sóng” và có khá nhiều ý kiến đưa ra trái chiều. 

Chia sẻ về vấn đề này, blogger Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng đen) đã có những nhận định dưới góc nhìn của một người làm truyền thông, thương hiệu. Anh khẳng định rằng, việc sắp xếp các biển quảng cáo đồng bộ, chỉ có hai màu xanh và đen như tuyến đường kiểu mẫu trên là hoàn toàn bất hợp lý.

Mặc 'đồng phục' cho biển quảng cáo: Khó nhận dạng thương hiệu?

Blogger Nguyễn Ngọc Long khẳng định cách sắp xếp bảng quảng cáo trên tuyến đường kiểu mẫu là bất hợp lý.

Blogger Nguyễn Ngọc Long chỉ ra rằng, bảng quảng cáo là một phần trong bộ nhận diện thương hiệu. Bộ nhận diện thương hiệu thể hiện yếu tố: đặc trưng của một thương hiệu, sự sáng tạo của một thương hiệu và sự khác biệt của một thương hiệu. Nhưng đối với biển quảng cáo trên tuyến đường kiểu mẫu mà chúng ta nhìn thấy cả  3 yếu tố trên đều không có. Vì vậy, với một thương hiệu nói riêng và doanh nghiệp nói chung không thể chấp nhận được việc đồng bộ biển quảng cáo trên.

Tuy nhiên, blogger này cũng chỉ ra rằng, bảng quảng cáo đồng bộ chỉ ảnh hưởng đến những thương hiệu lớn, chứ không ảnh hưởng đến những doanh nghiệp, hay buôn bán nhỏ chưa chú ý, quan tâm đến vấn đề thương hiệu.

Theo anh Ngọc Long, với ý kiến cho rằng biển quảng cáo đồng bộ đẹp mắt không phải không có lý. Điều này giống như việc học sinh mặc đồng phục bao giờ cũng dễ nhìn và đẹp mắt hơn việc mỗi học sinh mặc một trang phục ở lớp học, trường học. Tuy nhiên, học sinh sẽ có ít sự lựa chọn hơn và phải “hy sinh” một số tiền để mua đồng phục.

Từ câu chuyện đơn giản là đồng phục học sinh, câu chuyện thương hiệu cũng vậy. Đứng ở mỗi góc độ có thể nhận thấy việc sử dụng đồng bộ hợp lý và không hợp lý ở chỗ nào. Người dân, nhà quản lý có thể thấy hợp lý, đẹp mắt nhưng doanh nghiệp và truyền thông thì không quan tâm đến vấn đề đó.

Anh Nguyễn Ngọc Long cho rằng, nếu như chạy theo cái đẹp mắt thì điều mà doanh nghiệp ở đây đã “hy sinh” chính là thương hiệu - thứ tài sản vô hình lớn nhất của doanh nghiệp, là thứ tạo ra lợi nhuận, nuôi sống doanh nghiệp. Đó là điều mà doanh nghiệp không thể “hy sinh”.

Và con đường kiểu mẫu này buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn phương án hoặc là họ kinh doanh ở một địa điểm khác hoặc là họ lách luật để tạo ra biển quảng cáo có được sự đặc trưng, sáng tạo và khác biệt. Đẹp mắt không phải là mục tiêu mà thương hiệu hướng tới. 

Nguyệt Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập đốt mỡ siêu đỉnh, cư dân mạng thử 2 tuần có ngay vòng 2 con kiến, vòng 3 nẩy nở