Không cứu người khi bị tai nạn, có thể bị xử phạt?

2016-03-02 17:03
- Vụ xe Camry gây tai nạn khiến 3 người tử vong ở Ái Mộ (Long Biên) đặt ra tranh cãi quanh chuyện hai tài xế đi đường không dừng xe để cứu người.

Những câu chuyện xung quanh vụ xe Camry gây tai nạn khiến 3 người tử vong trên phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) đang được dư luận hết sức quan tâm. Trong đó chi tiết đáng chú ý là hàng loạt xe đã không chịu dừng lại để đưa cháu Gia Hân đi cấp cứu. Dù lúc đó cháu vẫn đang thoi thóp, sự sống mong manh ấy vẫn đang cần một phép màu để cứu sống. Cứu người tai nạn khẩn cấp hơn bao giờ hết, bởi mỗi giây phút lúc đó quý hơn ngàn vàng. 

Cô giáo của Gia Hân từng chia sẻ: "Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. 

Mọi người bế cháu đặt vào thùng xe tải. Hai bên có ghế. Mình lên ca bin (vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh mình nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa thùng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu. May lúc đó 115 đến. Mọi người lại chuyển cháu sang 115".

Không cứu người khi bị nạn, có thể bị xử phạt?

Bé Gia hân ngồi trên xe máy của ông (Ảnh chụp từ clip)

Điều đó có nghĩa là chiếc xe taxi và chiếc ô tô con được ra hiệu dừng lại nhưng đã bỏ chạy. Không ít người cho rằng, đó là sự vô cảm. Quả thực sự thờ ơ trước mạng sống của con người đặc biệt là một em bé còn nhỏ tuổi thoi thóp như vậy khiến nhiều người cảm thấy đau xót. 

"Biết đâu chỉ cần chiếc xe kia dừng lại, cháu bé sẽ được cứu sống. Một phút nhanh hơn đến với bệnh viện cũng có nghĩa cháu bé được cấp cứu. Sự thờ ơ thật đáng sợ, thử tưởng tượng nếu người thân của chính họ đang quằn quại giữa cơn đau mà không ai cùng chung tay vào để cứu, vận chuyển nhanh nhất đến bệnh viện...thì họ nghĩ sao", một độc giả cho biết.

Luật Giao thông đường bộ quy định, những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa người bị nạn; người điều khiển phương tiện khi đi qua vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. 

Các tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 với mức 500.000-1.000.000 đồng. Việc không cứu giúp người ở tình trạng nguy hiểm tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Giải mã những nỗi sợ

Thực tế cho thấy, bên cạnh những người rất nhiệt tình cấp cứu, hỗ trợ, đưa nạn nhân đến bệnh viện khi bị tai nạn thì cũng có những người thờ ơ đến mức đáng sợ. 

"Cánh tài xế cũng như nhiều người thường mang những nỗi sợ vô hình. Sợ xe dính máu, sợ không biết cách sơ cứu, sợ người bị nạn không qua khỏi rồi qua đời trên xe, sợ những thủ tục phiền hà khi phải đứng lại làm biên bản hay xác nhận khi vào bệnh viện. Cũng có người sợ làm ơn mắc oán, lỡ người nhà đến muộn nghĩ chính tài xế đưa vào viện là người gây ra tai nạn thì mọi thứ càng trở nên rắc rối hơn", một lái xe cho hay.

Bác sĩ đa khoa Văn Giàu khi nói về vấn đề này cũng cho rằng, trách nhiệm của những chiếc xe đi qua tai nạn lúc đó sẽ phải cùng chung tay giúp đỡ người bị nạn. Nhưng cũng có thể họ không có kiến thức sơ cứu, đây là điều phổ biến.

"Đưa đến bệnh viện chậm làm giảm cơ hội cứu sống bệnh nhân sau khi bị tai nạn đặc biệt là những trường hợp bị thương nặng. Nhưng có người không dám dừng lại vì chính họ cũng không có kiến thức sơ cứu dù là sơ đẳng nhất. Cho nên chính họ sợ sẽ không thể làm được những động tác sơ cứu trước khi đưa lên xe. Hoặc luống cuống như vậy nhiều người sợ sẽ bị tai nạn do phải đến bệnh viện thật nhanh. Cũng có người sợ lỡ dính vào tắc đường hay đi chậm không đến kịp, người bị nạn tử vong trên xe, có thể bị người nhà bắt đền", bác sĩ Giàu cho hay. 

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia xã hội học Lê Cường nhìn nhận: "Không có chiếc xe nào dừng lại khiến lòng ai cũng quặn thắt. Nhưng dù chỉ có một chiếc xe dừng lại đưa em bé đến bệnh viện, có thể em bé không qua khỏi thì đó vẫn là điều sưởi ấm suy nghĩ nhiều người. Đặc biệt gia đình em bé sẽ được an ủi dù một chút, có nghĩa là con của mình đã được đưa đi cấp cứu kịp thời".

Còn về những nỗi sợ của tài xế không dừng lại, chuyên gia Lê Cường cho rằng, những nỗi sợ đó là phổ biến và thường gặp. "Nhưng cứu người bị nạn là đạo lý, chuẩn mực ứng xử và trách nhiệm cần làm. Nhưng cũng cần có các hình thức bảo vệ để người đưa nạn nhân đi cấp cứu không phải dính vào phiền phức không đáng có do bị hiểu nhầm", chuyên gia nhấn mạnh.

Đọc thêm những vụ tai nạn kinh hoàng khác:

Hiền Anh 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Lan Khuê - Minh Tú - Hoàng Thùy: Scandal ập không chừa đầu ai