Đội cứu nạn giao thông nghĩa hiệp: Vất vả và đầy nguy hiểm (Kỳ 2)

2016-05-05 07:04
- Công việc của Đội cứu nạn giao thông luôn gắn liền với vất vả. Bởi bất cứ lúc nào có tin báo tai nạn họ đều phải lên đường, dù đang ăn cơm hoặc vui chơi với người thân, không quản ngại tai nạn xa hay gần.

>>Chuyện vì việc nghĩa của đội cứu nạn giao thông

Để công việc được trôi chảy, anh Phúc đã chia Đội thành từng nhóm và phân công làm việc theo địa bàn. “Trước đây, do ít người nên đội chỉ hoạt động tại các tuyến đường chính của TP.Tây Ninh. Sau này, nhiều người dân biết đến “đường dây nóng” của chúng tôi nên địa bàn hoạt động của đội đã mở rộng ra các huyện lân cận như Châu Thành, Hòa Thành…”, anh Phúc chia sẻ. Ngoài đi cứu nạn khi có thông tin, hàng tuần vào thứ 3, thứ 5, thứ bảy và chủ nhật, đội đều đi tuần tra trên các tuyến đường từ 20h đến 24h.

Để người dân thuận tiện liên hệ với đội khi thấy tai nạn, anh Phúc đã nhờ học sinh phát 3.600 tờ rơi ghi số điện thoại của đội cho người dân trong tỉnh. Đến nay, trong danh bạ điện thoại của nhiều người dân Tây Ninh có số điện thoại “đường dây nóng” của Đội cứu nạn giao thông.

Để sơ cứu nạn nhân, trên chiếc xe máy hiệu Exciter 135 của mình, anh Phúc gắn một chiếc thùng đựng dụng cụ y tế đầy đủ bông băng, thuốc sát trùng vết thương, nẹp cố định… Không những thế, phía trước xe anh còn gắn một chiếc còi. Anh Phúc giải thích: “Khi đưa người bị nạn đến bệnh viện, để kịp giờ cứu nạn nhân nên tôi thường bật còi ưu tiên để xin đường. Nhờ nó mà nhiều người đã qua cơn nguy kịch”.

Đội cứu nạn giao thông nghĩa hiệp: Vất vả và đầy nguy hiểm (Kỳ 2)

Đội cứu nạn sửa xe cho người đi đường.

Ngoài chiếc xe “cứu thương” của anh Phúc, các thành viên của đội còn được trang bị thêm các túi y tế để có thể chủ động băng bó, sơ cứu vết thương cho nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện.

Một thành viên trong đội tiết lộ: “Khi nhận được cuộc gọi cầu cứu hoặc chứng kiến tai nạn giao thông trên đường, đội sẽ triển khai lực lượng thành 3 nhóm, 1 nhóm bảo vệ hiện trường, tài sản cho người bị nạn, 1 nhóm đưa người bị nạn đến bệnh viện, 1 nhóm liên hệ với CSGT đến xử lý hoặc phân luồng giao thông nếu CSGT chưa đến kịp”.

Công việc của Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh luôn gắn liền với sự vất vả. Bởi bất cứ lúc nào có tin báo tai nạn họ đều phải lên đường, dù là đang ăn cơm hoặc vui chơi với người thân, dù là tai nạn xa hay gần. 

Những điều không lường trước

Ngày1/5/2015, anh Phúc đang ngồi ăn cơm thì có tai nạn xảy ra. Trên đường Võ Thị Sáu, một cảnh tượng hãi hùng. Một thanh niên đang nằm trên đường, bên cạnh một chiếc xe gắn máy. Cách đó 30m, một thanh niên khác bất tỉnh nằm giữa vũng máu. Xác định thanh niên này đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, anh Phúc liền gọi điện cho 3 thành viên trong đội đến cùng mình đưa nạn nhân đến bệnh viện. Máu của nạn nhân lúc này chảy xối xả, ướt đẫm cả quần áo anh Phúc.

Một vụ việc mới xảy ra mà khi nhắc lại anh Phúc không tránh khỏi xót xa. Khoảng 19h20 ngày 23/3/2016, Đội cứu nạn nhận được tin có một thanh niên nằm bất tỉnh tại nội ô Tây Ninh. Khi các anh đến nơi thì thanh niên này đã được người dân đưa vào một bệnh viện tư.

Mặc dù vậy, anh Phúc và đồng đội vẫn đến bệnh viện để xem tình hình của thanh niên đó như thế nào, có cần hỗ trợ không. Khi đến nơi, anh Phúc nhận ra nạn nhân chính là Bùi Văn Thái (16 tuổi, ấp Ninh Hiệp, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu). Vì Thái không có người thân đóng tiền viện phí nên bệnh viện chưa chữa trị. Sợ tình hình kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tính mạng Thái, các thành viên đội cứu nạn đã cùng quyên tiền để giúp đỡ.

Được biết, Thái nghỉ học sớm và thường tụ tập bạn bè lêu lổng. Trước khi xảy ra tai nạn, anh Phúc thường xuyên khuyên nhủ Thái nên tu chí làm ăn. Trong lúc anh đội cứu nạn đang tìm cách để tách Thái ra khỏi môi trường tệ nạn thì Thái bị 2 thanh niên khác đánh đa chấn thương, gãy 2 tay, đầu bị biến dạng, sau lưng bị một vết đâm khá sâu, ở cổ bị một vết đâm ngay động mạch chủ. 

Trên những tuyến đường tuần tra, nếu gặp người tham gia giao thông bị hư hỏng xe, đội cứu nạn lại trở thành thợ sửa xe. Cứ như vậy, gặp bất cứ người nào cần giúp đỡ, họ lại sẵn sàng làm việc nghĩa mà không hề đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào.

Trước những nghĩa cử cao đẹp của đội và cá nhân anh Đặng Văn Phúc, năm 2015, UBND TP.Tây Ninh đã trao tặng bằng khen cho đội và cá nhân anh Phúc về thành tích trong phong trào thanh niên làm việc tốt của địa phương.

Đội cứu nạn giao thông nghĩa hiệp: Vất vả và đầy nguy hiểm (Kỳ 2)

Với hình ảnh cứu người, đội cứu nạn giao thông có sức lan tỏa cộng đồng rất lớn

Dù được nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít lần Đội cứu nạn gặp chuyện “trái khoáy”. Có hôm nửa đêm anh Phúc nhận được điện thoại thông báo có tai nạn giao thông ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Khi anh Phúc và mọi người chạy đến nơi thì không thấy bất kỳ ai. Hỏi lại thanh niên điện thoại thì người này cho biết: “Em điện thử vậy các anh có đến không?”.

Thậm chí, có lúc Đội bị kẻ xấu lợi dụng. Mới đây nhất, một người đàn ông liên lạc với Đội cứu nạn cho hay, bản thân từ Thừa Thiên-Huế vào tham quan Núi Bà Đen, bị người thân bỏ rơi. Thương người cơ nhỡ, Đội đã hỗ trợ người đàn ông này 300.000 đồng để đón xe về TP. Hồ Chí Minh tìm người thân. Sau đó hỏi ra mới biết, đối tượng này đã nhiều lần trong vai... bị bỏ rơi ở Tây Ninh.

Theo anh Phúc, kinh phí hoạt động của Đội rất ít ỏi, chủ yếu là tiền hỗ trợ mua bông băng y tế của các nhà hảo tâm, tuy nhiên số tiền mỗi lần được hỗ trợ chưa đến 1 triệu. Tiền xăng xe đi lại đều do các thành viên tự bỏ ra. “Vì đã xác định từ đầu nên ai gia nhập vào đội cũng tự nguyện bỏ tiền đổ xăng xe khi đi tuần tra, cứu nạn. Thỉnh thoảng, nếu gọi tắc-xi để đưa nạn nhân là người già đến bệnh viện hoặc về nhà thì chúng tôi bỏ tiền túi của mình ra”, anh Phúc cho biết.

 

Sơn Tùng

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư