Buộc nghỉ học 1 tuần khi vi phạm ATGT nhiều lần: Phụ huynh "sốt sắng" tranh cãi

2016-03-11 13:56
- "Tôi nghĩ rằng, cách làm này đủ nghiêm để học sinh không còn vi phạm. Phụ huynh không cần quá lo lắng", chuyên gia cho hay.

Phụ huynh và học sinh đang xôn xao trước thông tin về quy định vi phạm giao thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong đó có ghi rõ: "Những trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe". 

Quy định này đã nảy sinh những tranh cãi trong một số phụ huynh. Anh Long (Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá, việc này là quá nặng, bởi khi vi phạm cũng đã phải nộp phạt. Với học sinh, việc nghỉ 1-2 ngày cũng đã ảnh hưởng đến tiếp nhận kiến thức. Chưa kể nghỉ 1 tuần, rảnh rỗi có thể học sinh sẽ dễ sa ngã hay lười đi học trong tuần tiếp theo. Đáng lo hơn, sau 1 tuần nghỉ, nhiều bài học bị bỏ qua hay không hiểu cặn kẽ nên có thể dẫn đến hổng kiến thức.

Buộc nghỉ học 1 tuần khi vi phạm ATGT nhiều lần: Phụ huynh 'sốt sắng' tranh cãi

"Tôi nghĩ là có hình thức cảnh cáo dưới cờ, nêu tên trên truyền hình hoặc bảng thông báo của trường kèm ảnh còn nếu buộc học sinh nghỉ học 1 tuần nếu tuần với trường hợp tái phạm là quá nặng nề. Phụ huynh ủng hộ quan điểm nâng cao ý thức cho học sinh nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo kiến thức cho các em. Với học sinh, học và tiếp nhận kiến thức vẫn là quan trọng nhất", anh Long nói.

Trong khi đó, chị Thu Hà (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông thời gian qua, chị ủng hộ quan điểm này. Nếu phạt ngay với những học sinh vi phạm lần đầu thì còn phải bàn cãi còn với trường hợp tái phạm nhiều lần phải có biện pháp mạnh như vậy. Tâm lý học sinh sốt sắng chuyện học, ngại ngùng với bạn bè, nếu bị thôi học một tuần có thể sẽ tác động đến suy nghĩ khiến nhiều em biết lỗi sai của mình.

"Học sinh bây giờ thờ ơ lắm, như con tôi cũng vậy. Ra đường đội mũ bảo hiểm cũng ngại. Chẳng hiểu cứ không đội rồi luồn lách để khổ sở tránh cảnh sát giao thông làm gì. Trong khi nếu chấp hành đầy đủ còn bảo vệ được sự an toàn cho bản thân. Trên thực tế, cứ chứng kiến mấy vụ tai nạn vừa xảy ra, xe điên lao vào người cũng đủ để cảnh tỉnh những ai còn thờ ơ với bản thân", chị Hà nói.

Có quan điểm riêng, Hải Yến (Thanh Xuân) đang là học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội nhìn nhận, cách này là điều tốt góp phần cải thiện tình trạng vi phạm giao thông của nhiều học sinh. Nhưng, đây cũng có thể là lý do cho những học sinh cá biệt, lười học có cách để được nghỉ, trốn tiết.

"Nhiều bạn học sinh bày tỏ nếu muốn nghỉ học thì có cách này cực hiệu quả. Quy định là tốt để chấn chỉnh vi phạm của học sinh nhưng nếu để học sinh lười lợi dụng nghỉ học thì lại phản tác dụng", Hải Yến nói.

Phụ huynh không nên lo lắng

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Hải Anh đánh giá, việc làm này chứng tỏ Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội muốn chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông. Hàng ngày, hàng giờ, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh đi xe điện, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thậm chí lạng lách, không tôn trọng pháp luật.

"Tôi nghĩ rằng, cách làm này là nghiêm để học sinh không còn vi phạm. Phụ huynh không cần quá lo lắng. Bởi học sinh nếu ý thức được việc cần kíp của kiến thức nhất là những lớp cuối cấp thì phải có ý thức cho bản thân trong việc chấp hành an toàn giao thông. Nếu mới 1-2 lần mà buộc thôi học 1 tuần thì mới đáng bàn. Còn nếu tái diễn nhiều chứng tỏ không có ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng", chuyên gia nói.

Mặt khác, việc buộc thôi học 1 tuần chứ không phải là đuổi học. Có rất nhiều trường hợp học sinh cá biệt vi phạm cũng có thể cho nghỉ học 1 tuần. Đây là hình thức kỉ luật đã được quy định rõ trong Điều 42 của “Điều lệ trường THPT” do Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2011.

Nói về câu chuyện nếu học sinh bị đình chỉ học có thể nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như khó quản lý. Chuyên gia này cho rằng, đó là trách nhiệm của học sinh và gia đình, nhà trường. Khi học sinh bị đình chỉ học, nhà trường phải thông báo để gia đình biết, còn gia đình phải theo dõi và quản lý học sinh. Về phía học sinh, phải thấy được việc bị đình chỉ học 1 tuần là xấu hổ từ đó xây dựng văn hóa tham gia giao thông chỉn chu, có ý thức hơn.

Phương Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 con giáp nữ vừa xinh đẹp lại có vận số đào hoa nhất