Dù cha ra sao vẫn luôn là đấng sinh thành, dù mẹ làm sao vẫn là mang nặng đẻ đau

I Am NGA 2021-10-24 08:00
- Những đấng sinh thành không phải lúc nào cũng đúng tuyệt đối. Khi những đứa con chấp nhận khiếm khuyết của cha mẹ và bắt đầu tha thứ, đó là khi chúng thật sự trưởng thành.

Tha thứ cho cha mẹ, đó có vẻ là điều ngược đời nhất thế gian vì chỉ có con cái mới mắc lỗi và cần được tha thứ, cha mẹ đã hy sinh cả đời vì con cái, vậy thì tại sao con cái lại phải tha thứ cho cha mẹ?

Trong cuốn Đạo – Con đường không lối của Osho, ông đã dẫn lại lời của Joseph (một vị thánh Kitô giáo) nói với các môn đệ của mình rằng: “Trừ khi các ngươi tha thứ cho cha mẹ, bằng không các ngươi không bao giờ trưởng thành”, thậm chí ông còn treo một tấm biển trước cửa nhà: “Tha thứ cho cha mẹ trước khi đến gặp ta”.

Trừ khi bạn tha thứ cho cha mẹ, bằng không sẽ không thể trưởng thành

Điều này thoạt tiên có vẻ nghịch lý, nhưng ngẫm lại thì đấng sinh thành của chúng ta không phải là những vị thánh, họ cũng là những người bình thường, họ không hoàn hảo.

Trong văn hóa truyền thống phương Đông, cha mẹ thường được biết đến với sự hy sinh cao cả. Phận làm con chịu ơn sinh thành, dưỡng dục và phải hiếu thảo với cha mẹ. Hình ảnh của cha mẹ được lý tưởng hóa một cách tuyệt đối. “Dù cha ra sao vẫn luôn là đấng sinh thành, dù mẹ làm sao vẫn luôn mang nặng đẻ đau” (lời bài hát của Quách Beem). Và dù cho cha mẹ thế nào thì con cái cũng không có quyền trách móc.

Trên thực tế, không ít những bậc cha mẹ đã không làm tròn trách nhiệm với con cái. Họ đẻ con ra và bỏ mặc con, không quan tâm đến việc nuôi dưỡng, giáo dục. Nhiều cha mẹ thậm chí còn bỏ rơi, bạo hành con cái. Chúng ta được biết đến một khái niệm mới mẻ “cha mẹ độc hại” hay “người thân độc hại”, điều mà ít được phản ánh trong văn hóa truyền thống, vốn tôn trọng và đề cao chữ hiếu.

Trừ khi bạn tha thứ cho cha mẹ, bằng không sẽ không thể trưởng thành

Đạo lý truyền thống quy định rằng, con cái không có quyền và không được phép trách móc bố mẹ trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi chí ít thì bố mẹ đã có công sinh thành ra mình. Thế nhưng không ít người con lớn lên mà vẫn không ngừng trách móc, thậm chí ôm niềm uất hận với cha mẹ và thậm chí còn “trả thù” những đấng sinh thành. Trên báo chí không hiếm những trường hợp con cái hành hung cha mẹ, thậm chí ra tay sát hại cha mẹ. Phản ứng đầu tiên của dư luận là con cái bất hiếu, gia môn bất hạnh nhưng ít ai nhìn đến khía cạnh đứa con ấy có những uất ức chưa được giải tỏa. Trong cuốn sách Đại dương đen mà tôi từng đọc, các nhân vật bị trầm cảm kể câu chuyện thật của họ, trong đó có một nhân vật thậm chí đã đấm bố phải vào viện vì từ bé đến lớn, người bố này luôn quát mắng, đánh đập, chửi rủa con cái.

Trong bộ phim Điên thì có sao, Kang Tae ngay từ nhỏ đã là một đứa trẻ bị đổi vai, anh gánh trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cho người anh trai bị tự kỷ, đặc biệt sau khi mẹ qua đời, một cậu em trai đã phải kiêm luôn vai trò của cả cha lẫn mẹ khi chăm sóc người anh bệnh tật. Bề ngoài, Kang Tae luôn tỏ ra bao dung, nhẫn nhịn với anh, nhưng sâu thẳm trong tim anh cảm thấy mình chăm sóc anh chỉ vì trách nhiệm. Người đàn ông hơn 30 tuổi ấy hằng đêm vẫn rưng rức khóc và trách móc người mẹ, sao lại sinh mình ra, sao lại bắt mình gồng gánh trách nhiệm phải chăm sóc anh trai. Một bà thím đã nói với Kang Tae rằng, cha mẹ thì lúc nào cũng có lỗi với con cái, nhưng dẫu thế cũng nên thông cảm cho mẹ chứ. Làm mẹ đơn thân không phải chuyện dễ dàng gì, nhất là khi lại có một đứa con không bình thường.

Trừ khi bạn tha thứ cho cha mẹ, bằng không sẽ không thể trưởng thành

Cha mẹ không phải lúc nào cũng hoàn hảo tuyệt đối, khi làm cha mẹ đồng nghĩa với việc họ trưởng thành cùng với hành trình trưởng thành của con. Không một ai được lựa chọn việc mình có được sinh ra hay không, khi quyết định đưa một đứa trẻ đến với thế giới này, người làm cha mẹ nên tận hưởng niềm hạnh phúc có con, thay vì than vãn mãi về sự hy sinh của mình. Trên một điễn đàn, có những topic được bàn tán sôi nổi về việc những đứa con không muốn trở thành một con nợ, một món đồ để cha mẹ sở hữu và điều khiển, họ tha thiết muốn được bố mẹ đối xử như một con người trưởng thành và có quyền tự quyết cuộc đời mình.

Nếu chưa thể tha thứ cho những lỗi lầm của cha mẹ, đứa trẻ sẽ lớn lên và mang thao những trách móc, oán giận trong lòng, bất cứ lúc nào những cảm xúc tiêu cực đó cũng có thể bùng nổ và khiến chúng quay lại đối đầu với cha mẹ của mình. Khi học được cách tha thứ, đặc biệt là tha thứ cho cha mẹ của mình, khi ấy chúng ta mới thật sự trưởng thành.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ngoài váy trắng, đây là 3 mẫu đầm mà bạn nên có trong tủ đồ hè 2021