‘Chân nhân bất lộ tướng’ - thái độ sống của người đức hạnh

I Am NGA 2024-01-23 09:03
- Những người chân chính thực sự không bao giờ phô trương bản thân, mà thường là những người có tâm hồn đẹp, có tài năng và đức hạnh.

Hiểu về “Chân nhân bất lộ tướng”

"Chân nhân bất lộ tướng" là một câu thành ngữ Trung Hoa, có nghĩa là "Người chân chính không phô trương bản thân". Câu này thường được dùng để chỉ những người có tài năng, đức hạnh, nhưng không khoe khoang, phô trương mà luôn khiêm tốn, giản dị.

Nghĩa gốc của câu này là chỉ những người tu luyện đắc đạo, có trí tuệ và năng lực cao siêu, nhưng không thể hiện ra bên ngoài, mà luôn sống một cuộc sống bình dị, an nhàn.

Nghĩa rộng hơn của câu này là chỉ những người có bản lĩnh, có tài năng, có địa vị cao, nhưng không tự cao tự đại, mà luôn khiêm tốn, giản dị, sống hòa đồng với mọi người.

‘Chân nhân bất lộ tướng’ - thái độ sống của người đức hạnh

Câu "Chân nhân bất lộ tướng" mang ý nghĩa khuyên răn con người không nên khoe khoang, phô trương bản thân, mà nên sống khiêm tốn, giản dị. Bởi vì, những người chân chính thực sự không cần phải khoe khoang, phô trương, mà bản thân họ đã có giá trị và sức hút riêng.

Câu này cũng được dùng để nhắc nhở con người không nên đánh giá người khác chỉ dựa vào vẻ bề ngoài, mà cần phải nhìn vào nội tâm, phẩm chất của họ. Bởi vì, những người chân chính thực sự không bao giờ phô trương bản thân, mà thường là những người có tâm hồn đẹp, có tài năng và đức hạnh.

Vì sao nên học hỏi thái độ sống “bất lộ tướng” của bậc chân nhân?

Câu thành ngữ này khuyên con người nên có thái độ sống khiêm tốn, giản dị, bởi những người hay phô trương thường tự đẩy bản thân mình lên đầu sóng ngọn gió. Con người thường ưa thích được kẻ khác ngưỡng mộ, nhưng điều đó cũng có nghĩ rằng họ sẽ phải chấp nhận những kẻ ghen ghét, âm thầm hãm hại. Thói đời vốn “Nghèo thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt” - như câu nói viral từ chương trình Táo Quân. Chân nhân đích thực như một con hổ nằm yên, hổ không gầm nhưng cũng chẳng ai dám thách thức.

Trong cuộc sống, nếu bớt phô trương lại và lắng nghe nhiều hơn thì con người sẽ càng học hỏi được những điều hay lẽ phải. Có những người trông có vẻ ít nói, trầm tính nhưng họ luôn âm thầm quan sát mọi thứ xung quanh. Họ không chỉ thể hiện sự khiêm nhường, lễ độ mà còn có óc tư duy, phân tích, học hỏi từ vạn vật. Họ biết rằng “kẻ địch trong tối, bản thân ngoài sáng” là tình thế vô cùng nguy hiểm.

‘Chân nhân bất lộ tướng’ - thái độ sống của người đức hạnh

Trong phim Phong thần diễn nghĩa (2019), cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của Hứa Trọng Lâm, nhân vật Bá Ấp Khảo là một chàng trai văn võ song toàn, đặc biết nổi tiếng với tài chơi đàn thiên bẩm. Bá Ấp Khảo được nhắm là người nối ngôi bá chủ Tây Kỳ. Tuy nhiên vì cứu cha là Cơ Xương nên Bá Ấp Khảo phải đến Triều Ca, tự nộp mình cho Trụ Vương. Khương Tử Nha, một tiên nhân có tài bói toán đã nhìn trước được số mệnh của Bá Ấp Khảo và dặn anh bằng giá nào cũng không được trổ tài trước mặt vua Trụ. Bá Ấp Khảo một phần vì bị vua Trụ ép, một phần vì không kiềm chế được cảm xúc đã chơi đàn trước mặt vua và khiến vua Trụ tức giận ra lệnh xử tử. Bởi lẽ, tiếng đàn chính là tiếng lòng của một người. Một kẻ thường xuyên nghe đàn như vua Trụ không khó để nhìn thấu tâm tư ai oán của Bá Ấp Khảo. “Chữ tài liền với chữ tai một vần” cũng là vì thế.

Khổng Minh - chân nhân sống một đời đức hạnh

Khổng Minh Gia Cát Lượng trong lịch sử Trung Quốc là một người có tài năng xuất chúng, nhưng ông luôn khiêm tốn, giản dị, sống một cuộc sống bình dị, an nhàn. Ông không bao giờ khoe khoang về tài năng của mình, mà luôn tận tâm giúp đỡ người khác. Khổng Minh được người đời xưng tụng là Ngọa Long (con rồng nằm), tài trí hơn người, nhưng trước khi phò tá Lưu Bị, ông chỉ ẩn cư trên núi, sau khi thành tựu bốn phương, ông vẫn sống không màng danh lợi như cũ.

Không chỉ là một người tài năng, đức hạnh mà Khổng Minh còn bao dung với kẻ địch. Trong Tam Quốc diễn nghĩa có kể lại điển tích Khổng Minh bảy lần bắt sống và tha cho Mạnh Hoạch khiến kẻ lưu manh phải tâ phục khẩu phục.

‘Chân nhân bất lộ tướng’ - thái độ sống của người đức hạnh

Bấy giờ quân Man làm phản, Mạnh Hoạch là kẻ thủ lĩnh ngang ngược. Khổng Minh cùng quân sĩ phải chinh chiến vô cùng khổ cực nơi rừng thiêng nước độc, bao lần vào sinh ra tử mới bắt được tướng giặc. Thế nhưng, lần nào bị bắt Mạnh Hoạch cũng cừng đầu không phục. Khi thì hắn đổ cho địa hình hẻm núi cao, lúc lại nói do thủ hạ tham lam, làm phản, khi thì cho rằng Khổng Minh lắm quỷ kế, còn hắn thì không được Trời giúp. Lần nào hắn cũng ngoan cố: “Chết thì đành chết, chứ ta vẫn chưa chịu.”

Phải đến lần thứ bảy, Mạnh Hoạch mới cúi đầu nhận lỗi: “Từ xưa đến nay, chưa có ai đánh giặc, bảy lần bắt được mà bảy lần tha bao giờ. Tôi tuy là người mọi rợ, cũng hiểu đôi chút lễ nghĩa, có đâu mà lại mặt dày mãi thế được! Thừa tướng thực là thiên oai, người phương nam tôi không dám làm phản nữa!”

Những lần quậy phá của quân phản loạn khiến đội quân của Khổng Minh phải hao tâm, nhọc sức không ít. Thế nhưng vị tướng tài ba không hề tức giận, nôn nóng muốn tiêu diệt kẻ thù mà vẫn giữ được cá tâm từ bi, nhẫn nhục. Cuối cùng, như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo, người quân tử chỉ có thể: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo.”

I Am NGA

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 gương mặt bỗng vụt sáng thành sao chỉ sau một vai diễn của giới giải trí Vbiz