Bài học từ một chuyến đi đến xứ Chùa Vàng: Tĩnh tâm lại, biết đủ và cho đi nhiều hơn

I Am NGA 2022-08-25 08:00
- Với hành trình về đất Phật lần này, tôi thấy mình đã thu hoạch được rất nhiều, từ những trải nghiệm lần đầu, những bài học đến cơ hội tĩnh tâm và phản tư với chính mình.

Một lần đến Thái Lan mới biết vì sao đất nước này được gọi là xứ Chùa Vàng. Đi đến đâu cũng gặp chùa chiền, tượng Phật và được xây bằng vàng theo đúng nghĩa đen. Mỗi chuyến du lịch không chỉ để nghỉ ngơi, trải nghiệm, mà còn là cơ hội để ta học hỏi thêm nhiều điều.

Tĩnh tâm hơn ở vùng đất Phật giáo

Đến Thái Lan, vãn cảnh chùa, vái tượng Phật, nghe tiếng chuông cũng tự khắc khiến lòng người thanh tịnh hơn. So với những nơi náo nhiệt, du lịch tâm linh ở Thái Lan cho ta cơ hội tĩnh tâm suy nghĩ, nhìn thấu suốt nhiều vấn đề mà trước giờ vẫn chưa sáng rõ. 

Khi đến một ngôi chùa, hướng dẫn viên bảo chúng tôi rằng nếu dùng đồng tiền xu đặt ở bàn chân Phật mà đồng xu dựng đứng thì sẽ được may mắn. Loay hoay một lúc, tôi cũng dựng thẳng được đồng 10 baht và vỡ òa sung sướng, không phải vì niềm tin mình sẽ may mắn mà vì mình đã làm được một việc tưởng không thể. Dựng đồng xu không khó cũng không dễ, có người làm một lần được luôn, có người phải mất đến 3 đồng xu mới thành công. Vào khoảnh khắc tôi định bỏ cuộc thì đồng xu tự dựng đứng được. Tôi nhận ra khi làm một việc gì đó, chỉ cần tĩnh tâm lại và tập trung thì sẽ làm được. Anh hướng dẫn viên sau đó cũng tiết lộ rằng, hầu hết ai cũng dựng được đồng xu, đây chỉ là bài thử thách sự kiên nhẫn của con người thôi.

Bài học từ một chuyến đi đến xứ Chùa Vàng: tĩnh tâm lại, biết đủ và cho đi nhiều hơn

Trái ngược với tôi, một người luôn cẩn thận thái quá, cô bạn cùng phòng với tôi lúc nào cũng tỏ ra thoải mái. Khi tôi xếp đồ vào vali, cô ấy vẫn ung dung ngồi bấm điện thoại, lắm lúc tôi còn thấy sốt ruột thay. Ấy thế nhưng kiểu gì cô ấy cũng xong trước giờ xuất phát, thay đồ, chải tóc, bỏ hết đồ vào vali rồi sập lại, tất cả đều nhanh gọn. Khi chỉ còn 30 phút để ăn sáng trước giờ xuất phát, cô ấy vẫn ung dung đứng uốn tóc và còn hỏi tôi có muốn uốn không. Tôi nhắc khéo cô ấy sắp trễ giờ rồi, cô ấy nói nếu tôi sợ muộn thì cứ xuống ăn sáng trước. Tôi nhận ra mình đã quá cẩn thận, kỹ tính rồi, điều đó cũng tốt nhưng lại khiến tôi dễ căng thẳng, mệt mỏi. Trong khi cô bạn tôi cứ ung dung, bình thản, cuối cùng thì việc vẫn xong thôi. Đây là điều mà tôi có thể học hỏi từ chính người đồng hành với mình.

Biết đủ

Điểm nhấn của du lịch Thái Lan là tham quan chùa chiền, chiêm bái Phật để thể hiện niềm tin tâm linh. Thấy mọi người chắp tay, nhắm mắt khấn vái gì đó rất thành tâm, tôi cũng cố nghĩ ra cái gì đó để cầu, cầu bình an, cầu sức khỏe. Sau tôi nhớ ra phúc phần của một người là kết quả từ những nhân mà họ đã gieo trong quá khứ. Hay nói cách khác, mỗi người phải tự cố gắng có được điều mình muốn chứ không thể cầu xin nơi cửa Phật. Vì thế sau đó tôi chỉ chắp tay thể hiện sự thành kính và không cầu gì thêm. Tôi thấy mình đã có đủ rồi, mình không thiếu gì cả.

Khi đến chiêm bái tượng Tứ diện Phật, hướng dẫn viên cho biết mỗi mặt Phật tương ứng với một khía cạnh mà người ta mong cầu. Mặt thứ nhất là sức khỏe, mặt thứ hai là gia đình, mặt thứ ba là giấy tờ pháp lý và mặt cuối cùng là sự nghiệp. Khi có người hỏi anh rằng có được cầu cả bốn cái không thì anh nói chỉ nên cầu một điều tương ứng với cái mình cần nhất ở hiện tại thôi.

Bài học từ một chuyến đi đến xứ Chùa Vàng: tĩnh tâm lại, biết đủ và cho đi nhiều hơn

Hạnh phúc là biết cho đi nhiều hơn

Muốn nhận về, trước hết phải biết cho đi. Trong Tây Du ký, để thỉnh được kinh Phật, thầy trò Đường Tăng phải đổi bát vàng do Hoàng đế Đường Thái Tông ngự ban. Muốn nhận được thứ quý giá, họ cũng phải đổi lại bằng thứ quý giá.

Bài học rút ra là không có bữa trưa nào miễn phí, muốn nhận một thứ gì đó bạn phải trả một cái giá tương xứng. Ngay cả trong gia đình hay các mối quan hệ cũng vậy thôi. Chẳng ai có thể hy sinh bản thân, cho đi mãi khi người nhận chỉ biết nhận về mình. 

Bài học từ một chuyến đi đến xứ Chùa Vàng: tĩnh tâm lại, biết đủ và cho đi nhiều hơn

Trong cuộc sống, việc hào phóng với người khác sẽ giúp ta cảm thấy hạnh phúc hơn, đủ đầy hơn, thấy mình đang làm điều tốt và sống một cuộc đời ý nghĩa. Chỉ khi biết cho đi, ta mới có cơ hội nhận lại những thứ tốt đẹp khác. Nhiều người ngại nhờ vả người khác vì sợ phiền người ta. Nhiều người lại sợ mắc nợ khi nhận quà của người khác. Những người như vậy, thực ra có phần ích kỷ. Họ không muốn nhờ người khác vì không muốn người khác nhờ vả mình. Họ coi thứ người khác cho mình là món nợ mà họ phải trả. 

Thật ra trong cuộc sống, nhờ vả, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau là chuyện bình thường. Để có mối quan hệ hài hòa với mọi người, đôi khi ta cũng nên vượt qua nỗi ái ngại “làm phiền” người khác, cũng đừng suy nghĩ quá nhiều khi nhận thứ gì từ ai đó. Cho đi và nhận lại không phải lúc nào cũng sòng phẳng. Bạn giúp người này mà không cầu báo đáp, sau đó họ lại giúp một ai đó khác, giống như một hạt giống được lan tỏa muôn nơi. Đó mới chính là bản chất của quy luật cho và nhận.

Bài học từ một chuyến đi đến xứ Chùa Vàng: tĩnh tâm lại, biết đủ và cho đi nhiều hơn

Khi ý thức được mình cần cho đi nhiều hơn, tôi đã thực hành ngay bằng cách cho người ăn xin ở cổng chùa 20 baht. Đó là số tiền thừa tôi được trả lại sau khi mặc cả một món đồ 200 baht xuống 180 baht. Vì đang cầm tiền trên tay, tôi đã không ngần ngại bỏ luôn vào chiếc bát của người ăn xin.

Thế nhưng khi lên xe, tôi hào hứng khoe với cô bạn về việc tôi vừa cho người ăn xin 20 baht thì anh hướng dẫn viên đã lập tức lên tiếng. Anh bảo nếu du khách nào cũng như em thì những người ăn xin giàu hết cả rồi. Việc gì phải cho khi ông ta vẫn còn khỏe mạnh và có thể lao động kiếm tiền được. Tôi mới ớ người ra, tôi mặc cả bằng được để được giảm 20 baht rồi lại không ngần ngại cho một người ăn xin khi chưa quan sát kỹ xem họ có thật sự đói khổ không. 20 baht chỉ là số tiền nhỏ nhưng cảm giác trở thành một kẻ ngốc khiến tôi khó chịu. 

Sau khi tĩnh tâm suy nghĩ, tôi cũng tự rút ra cho mình một vài bài học. Làm việc tốt không nhất thiết phải cho người khác biết vì mỗi người mỗi ý sẽ khiến mình suy nghĩ. Tại sao tôi không thể cho một người ăn xin vài đồng mà không cần nghĩ đến việc mình bị lừa? Cho đi không phải để thỏa mãn cảm giác mình là người tốt mà phải cho đúng người, đúng mục đích. Sau cùng thì mỗi chuyện ta trải qua là một bài học, số tiền mất đi chính là học phí.

Với hành trình về đất Phật lần này, tôi thấy mình đã thu hoạch được rất nhiều, từ những trải nghiệm lần đầu, những bài học đến cơ hội tĩnh tâm và phản tư với chính mình. Còn bạn, bạn đã học được gì từ những chuyến đi?

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Điểm mặt 3 con giáp cực kỳ để ý đến ánh nhìn của người khác