Chia sẻ của chàng trai 9X về bộ ảnh đậm chất Tết Việt dưới mái nhà xưa hút 16.000 like trên MXH, ai xa quê sẽ xúc động đến nghẹn lòng

2021-02-09 14:15
- Khung cảnh đậm chất Tết xưa dưới mái nhà đơn sơ, mộc mạc khiến người xem bồi hồi nhớ về ký ức đã lùi vào quá vãng.

Bộ ảnh khiến nhiều người nhớ Tết xưa

Tết là dịp quan trọng trong tâm thức của người Việt từ bao đời. Đó là những ngày đoàn tụ, sum vầy bên gia đình, cùng gói bánh chưng, ăn mâm cỗ Tết, mong ước những điều tốt đẹp. Năm nay, vì dịch Covid-19, có những người ở tuyến đầu phải chăm sóc các bệnh nhân, có những nhân viên túc trực ở các cơ sở cách ly... Và cũng rất nhiều người lao động chọn ăn Tết xa quê. Dẫu ở nơi đâu đi chăng nữa, bản thân mỗi người đều đau đáu nỗi lòng, hướng về quê hương, nơi có cha mẹ, gia đình với những hạnh phúc bình dị.

Mới đây, một bộ ảnh chụp tại căn nhà đậm chất xưa cũ ở nông thôn Bắc Bộ với khói lan tỏa từ nối bánh chưng giữa sân, cành đào nhỏ và cảnh gia đình sum vầy đã khiến cho nhiều người không khỏi xúc động. Hẳn là với những người Tết này không về quê sẽ cảm giác "sống mũi cay cay", bồi hồi nhớ Tết xưa và những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình.

Góc nhà với khung cảnh đậm chất Tết xưa ở nông thôn.

Trò chuyện với chúng tôi, bạn Thành Long (quê ở Đan Phượng, Hà Nội) đóng vai người cha đưa con đi tới vườn đào trong bộ ảnh cho biết: "Tác giả bộ ảnh là anh Nguyễn Khắc Hiển, sinh năm 1991 quê ở Đan Phượng. Mình là nhân vật chính, bộ ảnh do anh em mình lên ý tưởng từ sau đợt thành công của bộ ảnh "Trung thu này nhất định Ba sẽ về". Ý tưởng của bộ ảnh là nói về hoàn cảnh của người cha nghèo làm nghề đánh giày ở xa quê hương, đến Tết cố gắng thu xếp công việc để về với gia đình. Nhưng vi dịch Covid-19 cho nên người cha này chọn ở lại thành phố, không về nhà mà chỉ kịp mơ một giấc mơ vẫn còn đang dang dở".

Khung cảnh được sum vầy đón Tết bên gia đình là giấc mơ của người cha ở thành phố.

Bộ ảnh được chia thành 2 nội dung chính, một phần là người cha làm lụng ở thành phố và Tết không về quê. Khi ở giữa nơi đất khách, người cha mơ những hình ảnh được đoàn tụ với gia đình, gói và luộc bánh chưng, đưa con trai đi ngắm cành đào... 

Trước đây, Thành Long từng chứng kiến nhiều mảnh đời mưu sinh xa quê, công việc vất vả, ít khi được về nhà. Cho nên, qua bộ ảnh này cũng muốn gửi đi thông điệp với mọi người, ở ngoài kia còn biết bao mảnh đừi khó khăn, mỗi chúng ta được sum vầy bên gia đình, có cuộc sống đủ đầy cũng đã may mắn hơn biết bao nhiêu người khác.

Ngoài 3 nhân vật chính giản dị, hồn hậu thì hình ảnh khiến cư dân mạng thích thú là nếp nhà đặc trưng của vùng nông thôn cách đây vài ba mươi năm. Ngày nay, cuộc sống sung túc hơn, nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhưng những nếp nhà với mái ngói, bức tường giản dị vẫn còn đọng lại trong tâm khảm của mỗi người.

Những không gian Tết đậm đà chất Việt.

Người cha mơ được đưa con đi ngắm đào Tết.

Những ai đã từng sống trong những căn nhà kiểu như vậy, hẳn sẽ hoài niệm về Tết xưa, khi cả nhà gói bánh, nấu bánh, tề tựu giữa làn khói bảng lảng trong những ngày chuẩn bị bước sang năm mới Âm lịch.

Căn nhà mái ngói đơn sơ đi vào lòng người 

Theo Thành Long, căn nhà - nơi chụp bộ ảnh là của bà ngoại. Hiện tại, không còn ai ở đó, do cậu mợ bán hàng nên thỉnh thoảng hay có giỗ chạp mới về. Trải qua biết bao nhiêu năm tháng, căn nhà vẫn bền vững, giữ được sự mộc mạc, chân quê.

Nhà được làm theo kiểu 3 gian và 1 gian buồng bên trong, bên cạnh là bếp và giếng, đậm đà chất quê. Đến nay, trong bếp vẫn còn mâm gỗ và chum vại từ xưa.

Thực tại là người cha làm nghề đánh giày không về quê giữa mùa dịch.

Mỗi dịp Tết đến, Thành Long lại bùi ngùi nhớ những kỷ niệm ấm áp đã lùi dần vào năm tháng dưới mái nhà đơn sơ này. Thực hiện bộ ảnh cũng là cách để chàng trai được quay lại tuổi thơ ngày xưa, mỗi khi đến Tết, cả nhà quây quần gói bánh chưng, bánh gai, bánh tẻ... Lúc đó, Tết giản dị nhưng vui, còn bây giờ không được như vậy nữa. Tác giả bộ ảnh và các nhân vật đều muốn mọi người có thể hồi nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ, những lần đón Tết khi còn bé và các cháu nhỏ sinh ra sau này sẽ cảm nhận được chút Tết xưa của người Việt Nam. 

 

Trong bộ ảnh có 3 nhân vật, cụ bà tên Trường, 98 tuổi là hàng xóm của Thành Long (do 2 bà nội, ngoại đều đã mất), bé trai là Ngô Anh Quân 4 tuổi là con của chị gái Long và Thành Long vào vai người cha. 

Khi Tết đến xuân về vẫn bận rộn với cuộc mưu sinh.

Điều làm nên sự thành công và tạo được sự cuốn hút với người xem là không gian đơn sơ, giản dị, mộc mạc của nhà cửa, kèm theo đó là hình ảnh người bà, người cha và con mang đậm chất quê... Cuộc sống đổi thay, đô thị hóa nhiều nên những không gian Tết dưới mái nhà cũ như vậy không còn nhiều. Từ hình ảnh mái ngói, mâm gỗ, sân gạch đã cũ, mọc rêu đến cây bưởi trước nhà...  góp phần tạo nên vẻ đẹp giản dị trong từng bức ảnh.

Ngoài bối cảnh nhà thì các đạo cụ cũng góp phần vào sự thành công của bộ ảnh. Chiếc xe đạp được mượn, còn các đồ dùng khác đều là của nhà Thành Long. "Mình chụp buổi tối ở cầu Long Biên mất nửa ngày và chụp ở nhà mất nửa ngày nữa, tính tổng thời gian là 2 ngày vì còn phải mua đồ để setup nữa", Thành Long cho hay. 

Bài: Anh Minh - Photo: Nguyễn Khắc Hiển

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập 5 phút giúp chị em có 'cổ thiên nga', mùa hè tha hồ diện váy 2 dây khoe khéo