7 thứ người giàu chẳng bao giờ mua nhưng người nghèo thậm chí còn vay tiền để sắm
Tin liên quan
Ô tô mới, đắt tiền
Thông thường, một chiếc ô tô mới sẽ mất từ 10%-20% giá trị trong năm đầu tiên. Người giàu không muốn thứ mình mua bị “mất giá” như vậy. Đối với đa số, xe cộ chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, là tiêu sản, chứ không phải thứ giúp khoa trương của cải. Người có tiền theo đó có thể trung thành với chiếc xe cũ của họ trong nhiều năm thay vì đổi mới liên tục.
“Người sở hữu vài trăm nghìn USD trong ngân hàng, thậm chí hàng triệu USD sẽ lái một chiếc ô tô trong trung bình 5 năm”, chuyên gia tài chính cá nhân Lynnette Khalfani-Cox cho biết.
Ngoài ra, một số người còn chuộng mua xe đã qua sử dụng. Họ quan niệm rằng chiếc ô tô có độ bền cao mới chính là tài sản mang giá trị lâu bền nhất. "Không có gì lãng phí hơn việc mua một chiếc xe mới. Đó là quyết định tài chính tồi tệ trên đời này", David Bach, một triệu phú tự thân ở Mỹ nói. "Một chiếc xe mới có vẻ hấp dẫn với nhiều người, nhưng chúng không đáng để bạn bỏ tiền ra’’.
Mua sắm tùy hứng
Không ít người bước vào cửa hàng với ý định mua một thứ nhưng lại đi ra với một giỏ hàng đầy ắp. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn sử dụng nền tảng mua sắm trực tuyến, đặc biệt là khi có các chương trình khuyến mãi lớn. Kết quả là bạn dành hàng giờ đồng hồ và số tiền nhiều hơn dự định ban đầu để "săn sale". Thậm chí, không ít người còn vay tiền để mua bằng được những món đồ yêu thích trong đợt giảm giá bởi chúng nằm ngoài ngân sách dự tính.
Dù là trường hợp nào, đây cũng không phải thói quen mua sắm của người giàu. Họ lập kế hoạch cho việc chi tiêu, do đó, mua sắm tùy hứng không có trong "từ điển" của họ.
Mua đồ hiệu
Nhiều người thành công về mặt tài chính thường không mua đồ hiệu dù thừa khả năng. Họ hiểu rằng đó không phải điều nên làm. Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ - Michelle Obama từng xuất hiện trước báo chí trong một bộ váy của thương hiệu bán lẻ "sang mà rẻ" Target trong nhiệm kỳ Tổng thống của chồng.
Hay một triệu phú tự thân hiện sở hữu 15 triệu USD cho biết đến nay, anh vẫn nói không với cà phê Starbucks và đồ xa xỉ. Vì vậy, trước khi mua đồ hiệu, bạn có thể dừng lại một chút và tự hỏi rằng món đồ đó có thực sự đáng để "xuống tiền" hay không trong khi có không ít lựa chọn khác chất lượng không kém nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều. Hãy mua sắm khôn ngoan và ghi nhớ mục tiêu tài chính của mình.
Quần áo, giày dép hàng hiệu
Người giàu mua sắm hàng hiệu nhưng thường chỉ để sử dụng trong những dịp đặc biệt. Trang phục hàng ngày họ đề cao sự thoải mái, dễ chịu, chứ không hề đặt nặng vấn đề giá cả.
Bill Gates chỉ đeo chiếc đồng hồ có giá 10 USD, nhiều ngôi sao chỉ sử dụng hàng hiệu trên thảm đỏ, trong trang phục đời thường họ rất giản dị. Những thú vui khác trong cuộc sống như giải trí và du lịch có ý nghĩa hơn là một chiếc túi hàng hiệu đối với họ.
Ngược lại, người nghèo thích mua hàng hiệu để thể hiện sự giàu có của mình và mặc chúng bất cứ khi nào có thể. Thói quen ấy khiến cho họ không giữ được tiền và ngày càng nghèo đi.
Vé máy bay hạng thương gia
Không phải người giàu đều sẽ mua vé máy bay hạng thương gia cho các chuyến đi của họ. Ngay cả khi có tài chính dư dả thì họ vẫn muốn tiết kiệm chi phí đi lại và đi du lịch một cách khiêm tốn.
Người sáng lập IKEA, Ingvar Kamprad, cho rằng bay hạng thương gia là điều xa xỉ không cần thiết. Chính vì vậy tất cả các nhân viên của IKEA, bất chấp trình độ và năng lực tài chính, đều bay hạng phổ thông và ở trong những khách sạn chi phí thấp.
Ngược lại, nhiều người có thu nhập vừa phải lại sẵn sàng chi trả quá nhiều cho chuyến đi hạng thương gia, bất chấp chuyến đi đó sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách của họ. Bởi vì hành động đó như một cách chứng minh năng lực vật chất của những người thích sống hào nhoáng và ưa hình thức.
Một ngôi nhà đắt đỏ
Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng rất coi trọng việc mua nhà. Một số khác, khi có một khoản tích lũy kha khá, thay vì dùng số tiền đó để đầu tư, để tiền sinh ra tiền thì người nghèo lại dùng tất cả số vốn hiện có, cộng với vay mượn thêm để có thể mua được một căn nhà. Thế nhưng cổ nhân có câu “nhà giàu không ở nhà to, nghèo không nên đi đường dài”.
Một chuyên gia tài chính của Business Insider, Holly Johnson đã cho biết: "Tôi chọn mua một ngôi nhà nhỏ để có thể thoát khỏi các khoản vay nợ, được tự do nghỉ hưu sớm mà thoải mái đi du lịch nhiều tháng trong năm. Với khả năng tài chính của mình, tôi vẫn có thể mua một ngôi nhà đắt đỏ hơn, nhưng cả tôi và chồng đều bỏ qua lựa chọn đó".
Nếu mua một căn nhà để ở, tài sản này sẽ trở thành tiêu sản. Tiêu sản chỉ có tiêu biến chứ không sản sinh ra gì cả, vì vậy, tiêu sản chỉ khiến người sở hữu nghèo đi. Trong khi đó, người giàu thường mua nhà để đầu tư. Họ mua khi giá thấp và bán khi giá cao, hoặc dùng căn nhà đó để kinh doanh, cho thuê… Khi mà việc sử dụng căn nhà đó có thể tiền đẻ ra tiền thì căn nhà được gọi là tài sản.
Kế hoạch đám cưới xa hoa, tốn kém
Đám cưới là dấu mốc quan trọng để hai người yêu nhau bước vào một cuộc sống mới cùng nhau. Chuyện chi bao nhiêu tiền cho “dấu mốc” này luôn là câu hỏi đau đầu cho nhiều cặp đôi bởi chi tiêu cho chúng luôn quá đắt đỏ. Vậy nên, nhiều người có tiền không có ý định chi nhiều tiền cho ngày trọng đại của họ.
Một cuộc nghiên cứu “thật như đùa” vào năm 2014 của các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Emory (Mỹ) cho thấy đôi vợ chồng nào càng chi nhiều tiền cho đám cưới, thì hôn nhân của họ càng ngắn. Tất nhiên, đó không phải là lý do người giàu không thích tổ chức một bữa tiệc linh đình, hoành tráng, phần lễ tiệc cầu kỳ trong ngày trọng đại của mình.
Nguyên nhân thực tế là đám cưới vốn chỉ là lễ nghi mang tính hình thức, dù vậy với sức ảnh hưởng của truyền thông và ngành công nghiệp cưới hỏi, chi phí cho đám cưới cũng đắt đỏ gấp nhiều lần với danh sách khách mời càng "nặng đô" càng tốt. Trong khi, người giàu thấu hiểu giá trị của đồng tiền và luôn cẩn trọng trước khi rút ví, dù là những thứ nhỏ nhặt nhất. Họ sẽ không bao giờ tiêu 50.000 - 100.000 USD cho một buổi lễ chỉ để đổi lấy sự tán thưởng, lời khen ngợi từ những người xung quanh.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất