4 thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn dính bẫy, mất oan tiền tỷ trong chớp mắt
Tin liên quan
Giả danh nhân viên ngân hàng
Các đối tượng trong vụ án này đã dùng thủ đoạn thu mua các tài khoản Facebook ảo rồi dùng các ứng dụng trên nền tảng Internet để chạy quảng cáo nhằm tăng tương tác trên Facebook; tập trung gửi đăng quảng cáo vào các hội nhóm cho vay tiền; giả thông tin của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ các gói vay với mức lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh trong ngày.
Để tạo niềm tin của người có nhu cầu vay tiền, các đối tượng đã đóng nhiều vai, khi là nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng, khi là nhân viên thẩm định hồ sơ… để tư vấn, lập hồ sơ cho vay tiền; sau đó, yêu cầu người dân cần vay tiền phải chuyển các khoản tiền như: phí giải ngân, phí bảo hiểm cho khoản vay… tới các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Để có thể chiếm đoạt được nhiều tiền, nhiều lần, các đối tượng đã có kịch bản sẵn để bị hại chuyển tiền nhiều lần, số lượng lớn rồi chiếm đoạt, sau đó chặn liên lạc với bị hại.
Phí bảo hiểm khoản vay mà các đối tượng đưa ra đầu tiên là 950.000 đồng. Sau đó, các đối tượng đưa ra nhiều kịch bản khác nhau như: nội dung chuyển sai, khoản tiền có nợ xấu nên đã yêu cầu người vay phải chuyển nhiều lần; nhiều trường hợp chuyển nhiều lần lên tới trên 200 triệu đồng. Với thủ đoạn lừa đảo như trên, bước đầu, lực lượng phá án xác định nhóm đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt được số tiền trên 30 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại trên địa bàn toàn quốc.
Nhằm chiếm đoạt trót lọt số tiền đã lừa đảo được cũng như phòng tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng trên đã luân chuyển dòng tiền chiếm đoạt được và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhau. Các đối tượng cầm đầu, có vai trò giúp sức tích cực đã thuê căn hộ chung cư cao cấp để ở, mua máy móc, phương tiện phục vụ hành vi phạm tội, tuyển nhân viên để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Điều đáng lưu ý trong vụ án này, các đối tượng trong vụ án ở độ tuổi rất là trẻ, dưới 25 tuổi, thậm chí, có một số trường hợp ở độ tuổi vị thành niên đã bị lôi kéo tham gia tụ tập và tham gia vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cá biệt, có học sinh đang nghỉ hè cũng bị lôi kéo. Nhiều đối tượng trong vụ án này có hoàn cảnh gia đình bố mẹ bỏ nhau, không hoà thuận, bố mẹ mất và nhiều gia đình không quan tâm đến con cái.
Cuộc gọi giả danh công an, dọa có lệnh bắt giam
Đối tượng xấu sẽ mạo danh là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn bán ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia… Khi nạn nhân phủ nhận, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của họ bị lợi dụng và yêu cần làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra xử lý”. Từ đó, chúng dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.
Mới đây, công an thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận vụ chị N.T.T.H (SN 1987, Đà Nẵng) bị lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng bằng cách này. Theo lời chị H. vào tháng 7 vừa qua, chị nhận được điện thoại của người tự nhận là cán bộ công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) với nội dung cáo buộc chị là đồng phạm nhóm tội phạm rửa tiền buôn bán ma túy.
Vì mất bình tĩnh, chị H. liên tục thực hiện các yếu cầu của kẻ gian như khai báo lý lịch và số tiền có trong tài khoản ngân hàng để “cán bộ xác minh”. Chúng còn yêu cầu chị tải ứng dụng “phần mềm bảo mật” có logo giả mạo của bộ công an nhưng thực chất là chứa mã độc nhằm điều khiển điện thoại của nạn nhân. Sau đó, số tiền 5 tỷ đồng trong tài khoản của chị H. không cánh mà bay.
Cài đặt app giả mạo Tổng cục thuế
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân không tải hoặc cài đặt ứng dụng của cơ quan thuế qua các đường dẫn hoặc theo hướng dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.
Nếu người dùng cài đặt phần mềm giả mạo này có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do nhóm người xấu quản lý và không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Hình ảnh về app giả mạo Tổng cục thuế.
Nguy hiểm hơn, những kẻ này chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa để thực hiện: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
Theo Công an TP Hà Nội, trong trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý.
Tuyển cộng tác viên bán hàng online
Những công việc như cộng tác viên bán hàng online, không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng vẫn kiếm được hàng chục triệu mỗi tháng hấp dẫn nhiều người. Các đối tượng lừa đảo thường cho các nạn nhân được hưởng hoa hồng cao.
Với đơn hàng nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Nhưng dần dần với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng. Nhiều người, nhất là những bạn trẻ muốn tìm việc làm thêm hay những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi muốn có thêm thu nhập từ công việc online đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo kiểu này.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất