Xuất hiện chiêu lừa đảo ngân hàng mới: Giả mạo ngân hàng lừa quét mã QR, chiếm đoạt tiền trong tài khoản

2023-06-27 16:58
- Thủ đoạn tinh vi của kẻ gian là gửi mã QR qua mạng xã hội hoặc mạo danh Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) để thực hiện hành vi lừa đảo.

Trong thời gian qua, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nở rộ, đặc biệt thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong số đó những thủ đoạn liên quan đến giả mạo thương hiệu các ngân hàng, ví điện tử... vẫn tiếp tục xảy ra.

Mới đây, ngân hàng VP Bank đã đưa ra khuyến cáo đến người dùng về một phương thức lừa đảo liên quan đến quét mã QR code được thực hiện qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) Đây là một thủ đoạn mới, cực tinh vi mà các đối tượng xấu sử dụng hòng chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Cụ thể, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác.

Xuất hiện chiêu lừa đảo ngân hàng mới: Giả mạo ngân hàng lừa quét mã QR, chiếm đoạt tiền trong tài khoản

Mã QR code ngày càng trở nên phổ biến trong thanh toán điện tử và nhiều hoạt động khác.

Sau khi khách hàng quét mã QR của kẻ gian gửi sẽ được chuyển đến đường link website giả mạo, khách hàng tiếp tục được yêu cầu nhập các thông tin như: Họ và tên, CCCD, chụp ảnh CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại khách hàng, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng…

Ngay sau khi khách hàng cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản Internet Banking hoặc thẻ tín dụng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.

VPBank cảnh báo khách hàng tuyệt đối không quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ vì ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số thẻ, số CVV2/CVC2 (3 số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác của khách hàng qua zalo/số điện thoại không định danh.

Không chỉ ngân hàng, mới đây Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) ghi nhận một số trường hợp mạo danh CIC nhằm thực hiện hành vi lừa đảo là yêu cầu khách hàng vay chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để nâng điểm tín dụng, hỗ trợ quá trình giải ngân vốn vay nhanh hơn.

Theo đó, đối tượng lừa đảo gửi đến khách hàng vay "văn bản xử lý" với đầy đủ con dấu, chữ ký giả mạo để thông báo về hiện trạng "hồ sơ tín dụng của khách hàng vay có lỗi, bị khóa, không đủ điểm tín dụng để giải ngân khoản vay" và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đảo.

CIC khẳng định đây là hình thức lừa đảo, mạo danh CIC để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Hành động trên là trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; hình ảnh, uy tín của CIC cũng như đến hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Theo quy định hiện tại, CIC chỉ thực hiện cung cấp báo cáo thông tin tín dụng đến trực tiếp từng khách hàng vay theo quy định, qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay và ứng dụng trên điện thoại thông minh "CIC Credit Connect" miễn phí 1 năm/lần, khách hàng trả tiền khai thác báo cáo từ lần thứ 2 với mức phí 22.000 đồng/báo cáo (đã bao gồm thuế GTGT). CIC không chủ động thông báo và yêu cầu khách hàng phải trả phí cho các khoản cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.

Do đó, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia khuyến cáo người dân không gửi mã số OTP cho bất kỳ ai; không làm theo, chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào để được xóa nợ, ẩn nợ, nâng điểm tín nhiệm.

Ni Trần (Tổng hợp)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bụng phẳng lì, eo thon gọn sau 1 tuần chỉ với bài tập cực kỳ đơn giản này thôi