Tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền Âm lịch của các quốc gia ở châu Á

2024-02-13 12:04
- Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á. Tết Nguyên đán đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành.

Hàn Quốc

Ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc chính là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal - ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành. Khi năm cũ qua đi và năm mới tới, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống.
Nghi lễ đầu tiên của ngày Tết, gọi là Charye, diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên.

Tiếp sau đó là nghi lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi và sau đó lại được nhận tiền mừng tuổi từ cha mẹ, ông bà.

Đặc biệt, sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến văn hóa ẩm thực trong ngày tết của người Hàn Quốc. Đồ ăn để cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có ttok-kuk - một loại phở nước được chế từ bò hay gà, và món canh bánh gạo.

Trong 3 ngày Tết, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.

Vào ngày Tết, trước cửa nhà của người Hàn Quốc còn có một cái xẻng bằng rơm (gọi là Bok-jo-ri) với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm.

Trung Quốc

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch, mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình. Họ quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới và những lễ hội vui. Tết Nguyên đán ở Trung Quốc kéo dài cho đến hết ngày 15/1 âm lịch.

Trong năm mới, trẻ em và người già thường được mừng tuổi, gọi là lì xì, tiền đựng trong bao đỏ để lấy may. Người ta thường mua cành đào để nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho tài lộc.

Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Trung Quốc có phong tục đốt pháo để đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo. Năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc có phong tục trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Singapore

Khoảng 80% dân số của Singapore là người Hoa nên nước này rất coi trọng Tết âm lịch. Việc chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này bắt đầu trước đó một vài tuần. Các gia đình sẽ mua sắm quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa.

Phần quan trọng nhất của năm mới chính là bữa cơm tất niên của cả gia đình vào đêm Giao thừa. Dù bữa cơm đó là ở nhà hay ở nhà hàng thì cá vẫn là món ăn không thể thiếu. Họ cho rằng, ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn.

Trong dịp Tết, những người đã lập gia đình sẽ mừng tuổi ông bà, bố mẹ và những đứa trẻ trong gia đình. Tiền mừng tuổi tại Singapore được gọi là “ang pow”. Ngoài những bao lì xì, họ còn trao nhau những quả quýt chín mọng, tượng trưng cho sự may mắn. Tất cả những món quà đó đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo.

Cũng như Trung Quốc, Tết âm lịch tại quốc đảo này diễn ra trong 15 ngày. Nhưng hai ngày đầu tiên là quan trọng nhất. Vào ngày này, các gia đình sẽ tới thăm người thân và bạn bè hoặc tham gia những hoạt động thú vị.

Mông Cổ

Ngày Tết cổ truyền Âm lịch ở Mông Cổ được gọi là Tết Tsagaan Sar hoặc Tết Tháng Trắng. Ngày Tết này được tính theo lịch Tây Tạng. Vào ngày này, mọi người rửa sạch cả thể xác lẫn tâm hồn và bắt đầu cuộc sống mới tươi mát.

Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là một ngày lễ cổ truyền báo hiệu kết thúc một mùa đông dài và lạnh lẽo để đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm cho việc quây quần sum họp gia đình và thắt chặt những mối quan hệ trong xã hội.

Vào ngày đầu năm mới, ai nấy dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới, nhóm lửa, rồi mọi người ăn bánh bao hấp và uống Airag (sữa ngựa lên men) và tặng quà lẫn nhau. Họ sang nhà bên cạnh, bắt đầu thăm người lớn tuổi trước và chúc Tết những người hàng xóm.

Tsagaan Sar được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất nên người dân Mông Cổ thường chuẩn bị thực phẩm trong nhiều ngày. Những người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị lượng lớn bánh buuz (dạng như bánh bao) và trữ chúng trong tủ lạnh để dành dùng trong nhiều ngày.

Ngày Tết gặp nhau, người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: "Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt". Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn.

Thu Trang (tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

1000 Cách phòng chống sét đánh