Sao kê chỉ là một nửa của sự thật trong câu chuyện minh bạch từ thiện

H.H 2021-09-11 08:10
- Chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn cho rằng: Hành động ứng xử thiếu minh bạch và thiếu khéo léo của nghệ sĩ, qua ruộng dưa mà cúi xuống sửa giày, khiến cho sự nghi ngờ của dư luận ngày càng có lý lẽ.

Sao kê là từ khóa “nóng” trên MXH những ngày qua. Ồn ào quanh chuyện sao kê thực tế đã bắt đầu từ năm 2016 sau vụ việc quyên góp từ thiện gần 24 tỷ của MC Phan Anh, một lần nữa bùng lên bởi vụ việc quyên góp từ thiện 178 tỷ của ca sĩ Thủy Tiên từ tháng 10/2020 và sau đó lan rộng sang nhiều nghệ sĩ khác như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành... Công chúng thiếu niềm tin hay nghệ sĩ thiếu minh bạch, đó là vấn đề gây tranh cãi và đổ lỗi.

Cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng dành cho nghệ sĩ làm từ thiện và câu chuyện chữa dép ruộng dưa

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Ngọc Sơn – chuyên gia gốc Việt, nhà sáng lập, điều hành Mạng lưới Chuyên gia từ Đức về Xử lý Khủng hoảng – Berlin Crisis Solutions (BCS) – quanh câu chuyện thời sự này.

Trong cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng đối với nghệ sĩ làm từ thiện đang diễn ra, theo anh nguyên nhân là từ đâu?

Trước hết, việc nghệ sĩ làm từ thiện là một việc tốt, phải khẳng định điều đấy. Thời gian qua các nghệ sĩ nói chung đã đóng góp rất nhiều điều hữu ích cho công tác từ thiện. Một phần nào đó họ đã giúp cho xã hội có được những sự hỗ trợ cần thiết trong những tình huống khẩn cấp. Họ là những KOLs truyền cảm hứng chia sẻ trách nhiệm xã hội tới cộng đồng. Nhưng việc công chúng nghi ngờ về chuyện từ thiện của giới nghệ sĩ là có lý do, nó xuất phát từ yếu tố THIẾU MINH BẠCH cũng như cách ứng xử VÔ TƯ của những người làm từ thiện.

Ở đây tôi không khẳng định những nghi ngờ đó là đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, mà họ - tức công chúng – có quyền làm điều đó. Họ gửi tiền nên họ có quyền đặt ra những câu hỏi rằng tiền của họ có được dùng đúng mục đích, đúng đối tượng hay không. Những đòi hỏi đó là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với đạo lý lẫn pháp lý.

Trong khi đó, những lời giải thích của giới nghệ sĩ làm từ thiện cho tới thời điểm hiện tại vẫn không thuyết phục được đám đông.

Cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng dành cho nghệ sĩ làm từ thiện và câu chuyện chữa dép ruộng dưa

Xét về mặt khách quan, những nghệ sĩ làm từ thiện đều là tay ngang. Họ không phải là những nhà làm từ thiện chuyên nghiệp cho nên hành động của họ cũng không chuyên nghiệp và kết quả là đã dẫn tới các rủi ro về mặt pháp lý cho chính họ.

Bên cạnh đó, có thể vì là nghệ sĩ nên họ sẽ cảm tính nhiều hơn trong các hành vi ứng xử. Cho nên những việc liên quan tới tiền nong của nghệ sĩ cũng bị chi phối bởi yếu tố cảm tính chăng? Trong khi tiền phải được xử lý bởi lý tính, 1 cộng 1 phải bằng 2, bỏ vào 2 phải chi ra 2. Sự lý tính và logic này có thể không hợp với giới nghệ sĩ hay với một số nghệ sĩ nào đó. Điều này dẫn tới xung đột giữa nghệ sĩ và công chúng trong cách quản lý, công bố nguồn tiền vào – ra.

Sự thiếu chuyên nghiệp của một số nghệ sĩ làm từ thiện mà anh nói dường như không chỉ nằm ở việc vận động quyên góp, quản lý dòng tiền vào – ra mà còn ở cả cách họ giải trình số tiền từ thiện với công chúng?

Có thể nói là như vậy. Khi họ giải trình với công chúng thì năng lực giải trình của họ rất kém. Có những việc nếu là trong sạch thì không nên làm mọi việc phức tạp ra đến thế. Không cần phải viết nhiều cái status, lên livestream khóc lóc hay tuyên bố thách đấu bằng kim cương. Nếu họ trong sạch chẳng hạn, hãy thuê 1 đơn vị kiểm toán vào và kiểm toán độc lập. Và hoàn toàn có thể dùng tiền từ thiện đó để chi cho việc kiểm toán vì số tiền này vẫn phục vụ mục đích từ thiện.

Hơn nữa tiền thuê kiểm toán cũng không nhiều nhưng sẽ minh bạch hơn là việc “ngâm” thật lâu hoặc biện lý do này lý do kia để trì hoãn sao kê hoặc thách thức lại dư luận đang chỉ trích mình. Điều đó chỉ làm cho những đám cháy nghi ngờ âm ỉ ngày càng lan rộng và bùng lên bất cứ lúc nào.

Trong câu chuyện về “những đám cháy nghi ngờ âm ỉ”, có khi nào sống xa hoa, phô trương của một nhóm nghệ sĩ là lý do khiến họ không được công chúng tin tưởng vào hoạt động từ thiện hay không, thưa anh?

Đó là sự hành xử không khéo léo của giới nghệ sĩ. Thụ hưởng cuộc sống là quyền cá nhân nhưng người Trung Quốc có câu: “Qua điền bất nạp lý, Lý hạ bất chỉnh quan”, nghĩa là: Qua ruộng dưa không sửa giày, dưới cây mận không sửa lại mũ.

Cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng dành cho nghệ sĩ làm từ thiện và câu chuyện chữa dép ruộng dưa

Nhưng MC Phan Anh sau khi làm từ thiện xong thì khoe xe xịn, Thủy Tiên làm từ thiện xong thì xây lại biệt thự vài chục tỷ. Rất tự nhiên, người ta sẽ đặt ra các câu hỏi: Thu nhập của nghệ sĩ đến từ đâu? Tiền đâu mà họ mua được biệt thự, xe xịn, hàng hiệu… Niềm tin cứ thế dần xói mòn đi, nghi ngờ tăng lên. Và dẫn đến tính chính danh của việc từ thiện bị mai một.

Đi qua ruộng dưa cúi xuống buộc dây giày, mà lại buộc liên tục thế thì dư luận không thể không nghi ngờ và sự nghi ngờ ngày càng có lý lẽ hơn.

Nam ca sỹ Duy Mạnh gần đây có phát ngôn đại ý rằng: “Tự nhiên vớ được 1 cục tiền vài trăm tỷ. Chả lẽ vẫn giữ được cái tâm trong sáng hả?". Trong cuộc khủng hoảng niềm tin chúng ta đang trao đổi, có lý do nào nằm ở tâm lý đám đông không thưa anh? Khi con người không tin vào ‘cái tâm trong sáng’ khi cầm trăm tỷ trong tay.

Nhìn cả về bức tranh xã hội – tâm lý học xã hội của chúng ta hiện nay, lòng tin là thứ khá xa xỉ và thiếu vắng so với mức cần thiết. Đó là hiện thực của xã hội, không chỉ riêng trong giới nghệ sĩ.

Như Duy Mạnh giải thích, đôi khi cha con anh em còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì thước đất vài trăm triệu, huống gì cầm cả mấy trăm tỉ trong tay mà nhẹ nhàng được.

Do đó, không thể đổ lỗi cho tâm lý đám đông. Việc công chúng nghi ngờ là điều cần phải chấp nhận và nó hợp lý. Nhiều người hay viện dẫn tâm lý bầy đàn, tâm lý đám đông để phản bác. Nhưng ở đây không chỉ có một đám đông mà rất nhiều đám đông. Có đám đông cảm tính, có đám đông tỉnh táo, có đám đông là những chuyên gia trong ngành tài chính, kiểm toán, ngân hàng. Sự thông minh của đám đông gộp lại cực kỳ nguy hiểm. Họ biết đâu đúng đâu sai vì trí tuệ của nhiều người gộp lại sẽ hơn của một hai người. Khó có thể qua được mắt họ nếu có yếu tố mập mờ, thiếu trung thực.

Do vậy, chủ động công bố, minh bạch thông tin ngay từ đầu là cách duy nhất để tránh nghi ngờ, không làm cho câu chuyện đi xa và mệt mỏi như đang diễn ra. Hơn nữa xã hội bây giờ họ cũng không muốn nghe mấy chuyện cò kè sao kê vì còn nhiều điều phải lo hơn như là Covid-19 chẳng hạn. Nghệ sĩ nên chủ động minh bạch tránh cho chính mình lún sâu hơn vào khủng hoảng và càng làm xã hội mất niềm tin.

Cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng dành cho nghệ sĩ làm từ thiện và câu chuyện chữa dép ruộng dưa

Lấy dẫn chứng trường hợp của MC/diễn viên Trấn Thành, sau khi đã sao kê, anh vẫn không thể thuyết phục được công chúng. Thậm chí ngân hàng Vietcombank - nơi Trấn Thành mở tài khoản từ thiện - cũng bị liên đới bởi cơn phẫn nộ của cư dân mạng. Việc Trấn Thành sao kê vẫn chưa đủ để lấy niềm tin, theo anh là vì sao?

Trong trường hợp của Trấn Thành, thường người ta có ba lựa chọn sau: Một là chủ động lèo lái dư luận theo cách anh muốn; Hai là im lặng; Ba là công chúng yêu cầu gì mình làm theo đó. Trong ba cách này, chọn cách 2 và 3 đều bất lợi.

Trấn Thành đã chọn cách thứ 3 mà quên mất rằng công chúng không chỉ là 1 đám đông. Như tôi vừa nói, trong đám đông có hàng loạt đám đông, một trong số đó là đám đông rất am hiểu về tài chính. Mà sao kê chỉ là một nửa của sự thật. Trong câu chuyện minh bạch từ thiện, một nửa sự thật không phải là sự thật.

Cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng dành cho nghệ sĩ làm từ thiện và câu chuyện chữa dép ruộng dưa

Sự thật là ở đây là gì? Là có vào thì có ra. Vậy ra ở đâu, hợp lý không? Đó phải là việc của dân chuyên nghiệp làm chứ không phải upload cả nghìn bức ảnh chụp sao kê lên đó và thách thức anh chị muốn thì tôi cho nghìn trang đọc cho thoải mái. Và đọc xong người ta cũng không biết là ai nộp bao nhiêu vào thời điểm nào.

Việc sao kê như thế là vô nghĩa.

Nếu Trấn Thành thấy mình trong sáng, hãy thuê công ty kiểm toán độc lập và đơn vị này chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Nhưng tôi đồ rằng, có những việc tạm thời “khó nói” của các nghệ sĩ nên họ không ưa những việc làm như thế chăng?

Ngoài chuyện thuê một đơn vị kiểm toán độc lập, liệu nghệ sĩ còn cách nào khác để chứng minh sự trong sạch của những bản sao kê, thưa anh?

Gọi cơ quan chức năng vào giải quyết. Nhưng theo tôi nên để ở lĩnh vực dân sự, hãn hữu lắm mới đưa ra cơ quan công quyền. Trong khi cánh cửa dân sự đang còn thì tại sao lại đóng nó lại và tìm một cánh cửa khác phức tạp hơn và rủi ro hơn cho tất cả? Các cụ có câu: Được vạ thì má đã sưng.

Những thắc mắc của công chúng ở đây là chính đáng và mang tính dân sự. Đó là thu những gì và chi những gì và cần minh bạch ra. Một công việc rất theo logic thông thường mà các nghệ sĩ lại để rất phức tạp. Nếu anh trong sáng, sao anh không rõ ràng mọi thứ đi mà lại phải đi ra pháp luật? Điều đó chỉ khiến người ta nghi ngờ anh có cái gì đó nên anh mới không đi đường thẳng mà đi đường vòng. Do đó tạo ra ngày càng nhiều lùm xùm hơn. Và việc xử lý ngày càng như gà mắc tóc.

Ở góc độ quản lý nhà nước, có nên và có cần một chế tài đủ mạnh để quản lý chặt chẽ việc nghệ sĩ làm từ thiện hay không, thưa anh?

Tôi ủng hộ nhà nước quản lý những việc này và cần có chế tài mạnh hơn nữa trong việc quản lý nghệ sĩ nói chung, không chỉ chuyện từ thiện hay phát ngôn. Hiện một số người lo ngại rằng các quy định chặt chẽ sẽ khiến nghệ sĩ ngại làm từ thiện, hay: “Nghệ sĩ không làm từ thiện nữa thì ai làm”. Nhưng xin thưa, không có mợ chợ vẫn đông. Dòng chảy nhân văn của xã hội luôn khởi sinh những tổ chức, cá nhân làm từ thiện. Người Việt luôn thế, dù có nghệ sĩ hay không. 

Cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng dành cho nghệ sĩ làm từ thiện và câu chuyện chữa dép ruộng dưa

Mới đây, Bộ VH-TT-DL thông báo đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Tôi cho rằng Bộ quy tắc sẽ không có nhiều ý nghĩa ở thời điểm này. Bởi ở những góc khuất nào của cuộc sống mà đạo đức không điều chỉnh được hoặc mang tính mơ hồ thì pháp luật cần phải sờ tới, phủ ánh sáng tới đó. Nên hành vi của nghệ sĩ, trong đó có công việc từ thiện, một khi đã có tác động lớn tới xã hội thì nó cần được điều chỉnh bởi 1 văn bản pháp luật nào đó. Việt Nam cũng nên học hỏi các nước xung quanh để chấn chỉnh lại nền văn hóa hiện đang được giải trí hóa, sỗ sàng hóa, kim tiền hóa mọi thứ. Rất cần một biện pháp đủ mạnh để điều chỉnh, thanh lọc những “nghệ sĩ hư” ra khỏi đời sống văn hóa của công chúng, để những nghệ sĩ có thực tài, có khổ công sẽ có được chỗ đứng xứng đáng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

 

 Chuyên gia Lê Ngọc Sơn là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu bậc tiến sĩ về chuyên ngành truyền thông và xử lý khủng hoảng tại CHLB Đức. Anh là chủ tịch, sáng lập Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về truyền thông và xử lý khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions).

Anh viết và dịch nhiều sách: Bốn học thuyết truyền thông, Hiệu ứng lan truyền, Đối thoại chính khách, Những ngày đợi nắng…. Chuyên gia Lê Ngọc Sơn nhiều lần được mời về tập huấn, xử lý sự cố  trong công tác truyền thông và xử lý khủng hoảng.

H.H thực hiện

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cô đơn lâu rồi, có thật em đã quen