Cô đồng bổ cau xem bói 'đúng nhận sai cãi' có thể bị xử phạt thế nào?
Tin liên quan
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ Tr.H. hiện đang làm việc tại Kinh Môn (Hải Dương) nổi tiếng qua những video xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau.
Trong các video, cô đồng Tr.H chỉ cần bổ quả cau thành từng miếng sẽ phán "vanh vách" về một vấn đề nào đó và chốt lại bằng câu “đúng nhận, sai cãi”. Đây được xem là biểu hiện của hiện tượng mê tín dị đoan lan truyền trên mạng xã hội. Nó có thể là gây ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí tuyên truyền mê tín dị đoan đến nhiều người.
Sáng nay (8/2), đại diện lãnh đạo Công an Thị xã Kinh Môn cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ thông tin cô đồng bổ cau “đúng nhận sai cãi” xem bói toán, có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" gây xôn xao mạng xã hội.
Theo Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, cô đồng Tr.H. trước lấy chồng ở địa phương khác, mới quay về địa bàn.
"Người phụ nữ này mới về địa phương sinh sống để trông nhà cho bố mẹ. Lực lượng chức năng đã vào cuộc xác minh để có báo cáo gửi Ban Tôn giáo và UBND thị xã", lãnh đạo UBND phường Hiến Thành chia sẻ.
Dưới góc độ pháp lý, chia sẻ trên trang Đời sống Tri thức Cuộc sống, luật sư Nguyễn Văn Đại – Công ty Luật TNHH Việt Phong, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Với hành vi cô đồng bổ cau xem tử vi, xem bói “đúng nhận sai cãi” như các video đăng tải, tôi cho rằng đây có thể là hành vi mê tin dị đoan. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi mê tín dị đoan sẽ bị xử lý với các biện pháp như sau:
- Xử phạt hành chính
Căn cứ theo Điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền với mức từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Xử lý hình sự
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 320 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:
Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Như vậy, đối với hành vi hành nghề mê tín dị đoan của cô đồng bổ cau thì mức phạt tù cao nhất lên đến 10 năm”, luật sư Đại nói.
Trên Báo Giao Thông, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khuyến cáo rằng, tử vi và bói toán chỉ nhằm tác động vào trạng thái tâm lý gọi chung là sự xác nhận chủ quan, sự ngộ nhận, đánh lừa nằm ở bộ não của chính chúng ta. Thực tế, không ít người mê xem bói đã bị kẻ xấu lợi dụng. Nhẹ thì bị rơi vào trạng thái lo lắng, thấp thỏm, bất an và sợ hãi. Nặng thì bị lừa gạt đến thân bại danh liệt, tiền mất tật mang.
"Để hạn chế được vấn nạn này thì các cơ quan chức năng và người dân cần nâng cao công tác phòng chống mê tín dị đoan.
Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân về hậu quả của việc mê tín dị đoan, đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những trường hợp có hành vi quảng cáo mê tín dị đoan, hay các "thầy bói" có hành vi buôn thần bán thánh để nhanh chóng xử lý vi phạm, tránh những hậu quả không lường trước", luật sư Tiền bày tỏ.
N.T (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất