Chủ tịch Quốc hội: Nhất quyết phải cải cách tiền lương từ 1/7/2022

2021-08-17 22:08
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc cải cách tiền lương nhất quyết phải thực hiện vào 1/7/2022, tất cả các cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ.

Chiều 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022. 

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết mục tiêu phân bổ nguồn lực chi thường xuyên, đảm bảo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, các chế độ an sinh xã hội theo lĩnh vực, địa bàn theo phân cấp hiện hành. 

Về tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 đối với các bộ, cơ quan trung ương, Chính phủ trình phương án bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế đối. 

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. 

Dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đối với các bộ, cơ quan trung ương hằng năm được xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao. 

Đối với các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, năm 2022, mức bố trí dự toán chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù căn cứ quy định về cơ chế tài chính, đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2021 và yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên. 

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025. 

Cho ý kiến thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nghị quyết của Trung ương đã khẳng định việc cải cách tiền lương nhất quyết phải tiến hành vào 1/7/2022. Do đó, phải quyết tâm áp dụng cải cách tiền lương và cương quyết bỏ các cơ chế đặc thù. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và Hội đồng cải cách tiền lương tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cơ chế đặc thù về tiền lương và thu nhập một số cơ quan thì xin được tiếp tục phân bổ cho tới hết 1/7/2022 là thời điểm thực hiện cải cách tiền lương. Đối với nguồn cải cách tiền lương, Bộ trưởng Tài chính cho biết, ở địa phương hiện còn khoảng 252.000 tỷ đồng còn dư. 

"Vừa rồi, 7 tỉnh đề nghị dùng tiền này chống dịch. Bộ Tài chính đã trả lời là dùng các nguồn khác như dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên; chưa đủ thì phải thực hiện điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cắt giảm các khoản không cần thiết còn nguồn cải cách tiền lương luôn sẵn sàng để thực hiện", ông Phớc nói. 

Liên quan đến nội dung này, bà Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết thêm, hiện có 10 tỉnh có kiến nghị sử dụng tiền còn dư sau khi đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương để chống dịch Covid-19. 

"Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thì Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo để cho phép sử dụng, chỉ chuyên về chống dịch Covid-19, không làm nhiệm vụ khác", Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm. 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân. 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu rà soát và thể hiện trong Nghị quyết về việc đảm bảo nguồn lực thực hiện các tiêu chí, định mức và thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chấm dứt cơ chế đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị trước ngày 1/7/2022 để thực hiện cải cách tiền lương. 

Theo Vietnamnet

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 5 cô nàng khó cưa đổ nhất trong 12 con giáp