Cảnh báo nguy cơ Việt Nam 'dư thừa' 2,5 triệu nam giới

2022-03-08 20:59
- Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ 'dư thừa' 1,5 triệu nam giới lứa tuổi 15 - 49; đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.

Theo thông tin công bố tại tọa đàm, dự báo đến năm 2034, Việt Nam đứng trước nguy cơ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49; đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.

Cụ thể, Tổng điều tra về Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, hàng năm dự báo có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam và các bằng chứng này cho thấy nguyên do là việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Như vậy, 45.900 trẻ em đã không được sinh ra do là con gái.

Cũng theo dự báo từ dữ liệu của Tổng điều tra năm 2019, đến năm 2034 sẽ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và đến năm 2059 thì con số này là 2,5 triệu (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu tỉ lệ hiện tại về mất cân bằng giới tính khi sinh không giảm. Năm 2019, tỷ suất giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra trong khi tỷ suất giới tính khi sinh ở mức "tự nhiên" là từ 105-106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra.

Cảnh báo nguy cơ Việt Nam 'dư thừa' 2,5 triệu nam giới

(Ảnh minh họa)

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tại Tọa đàm: "Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị... ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước".

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.

Các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số và các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống.

Đại sứ Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho rằng, không chỉ dừng lại việc truyền thông mà cần thay đổi hành vi, đặc biệt cho nam giới và nam thanh niên.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 5 con giáp luôn được phúc báo cả đời, cuộc sống thuận lợi vẹn toàn