Bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm 'vượt qua' sốt xuất huyết cùng con: Một điều nên tránh, kiêng ăn thực phẩm có 2 màu này

2022-11-21 19:30
- Chị Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội) khuyên các phụ huynh cần tránh tự tiện truyền dịch, khi ăn nên tránh thực phẩm có màu đỏ - nâu.

Sốt xuất huyết đang ở lúc cao điểm, với hàng chục ngàn bệnh nhân mắc. Hà Nội là một trong những địa phương có số ca mắc nhiều và số ca tăng nặng không hề ít. 

Mới đây, chị Thu Hà (sống ở Hà Đông, Hà Nội) đã có chia sẻ về cách vượt qua sốt xuất huyết cùng con. Chị Hà cho rằng, đó là một trải nghiệm đáng nhớ, đầy bất an và lo lắng khi liên tục nghe đến nhiều ca tử vong, trở nặng thời gian gần đây.

Được biết, con gái chị Hà đang học tiểu học. Cách đây mấy ngày bắt đầu kêu mệt, đến tối đã sốt 38 độ C. Hai ngày sau, bé gái vẫn sốt dù không cao nhưng nôn nhiều.

"Ban đầu, tôi nghĩ con bị cảm cúm, viêm họng. Chỉ vì nhìn có các dấu hiệu sổ mũi, viêm họng, mệt. Tuy nhiên, khi thấy con liên tục nôn thì nghĩ có gì đó không ổn nên vội vàng đưa bé đi khám. Tổng tiền khám, xét nghiệm và siêu âm hết 437.000 đồng", chị Hà kể.

Bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm 'vượt qua' sốt xuất huyết cùng con: Một điều nên tránh, kiêng ăn thực phẩm có 2 màu này

Con gái chị Hà (ngoài cùng bên phải) đã khỏe trở lại.

Sau khi cho con khám xong, 22h có kết quả thì con gái chị Hà bị sốt xuất huyết. Lúc đó, tiểu cầu ở mức 315. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày hôm sau, tiểu cầu đã sụt còn 88.

"Nhưng xét nghiệm cho thấy không có hiện tượng máu bị cô đặc. Siêu âm không có hiện tượng dày thành túi mật, không có dịch ổ bụng, không có dịch màng phổi, các cơ quan bình thường thì có thể chăm sóc tại nhà, theo dõi sát nên tôi đưa bé về", chị Hà nhớ lại.

Nhìn con bị sốt, mệt mỏi, gầy rộc, ăn không được, chị Hà vô cùng xót xa và lo lắng. Ban đầu, chị định cho con truyền dịch nhưng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ thì được khuyên không nên tự tiện vì có thể gây biến chứng, càng mệt hơn, tiềm ẩn nguy hiểm.

Bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm 'vượt qua' sốt xuất huyết cùng con: Một điều nên tránh, kiêng ăn thực phẩm có 2 màu này

"Bác sĩ khuyên tôi nên cho con ăn uống, bù nước đường uống là an toàn nhất", chị Hà chia sẻ.

 
Vì con kén ăn, nên mỗi bữa ăn với chị Hà là cả một sự vất vả và kiên trì. Chị lên mạng tham khảo các thực đơn ngon miệng cho người sốt xuất huyết. 
- Nấu cháo bí đỏ, rau củ quả kèm thịt cho ăn ngày 4,5 lần. Mỗi lần một ít. 
- Ép nước cà rốt cho con uống ngày 3 lần. Nước ép cà rốt tăng tiểu cầu rất tốt. Bí đỏ + cà rốt là hai loại củ quả tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ngoài ra còn chú ý bù nước. 
"Các mẹ có con bị sốt xuất huyết nên lưu ý không cho con ăn, uống đồ uống có màu đỏ - nâu. Vì màu này trùng với màu máu. Nếu con nôn thì không thể nhận biết có máu trong dịch nôn hay không", chị Hà chia sẻ.

Bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm 'vượt qua' sốt xuất huyết cùng con: Một điều nên tránh, kiêng ăn thực phẩm có 2 màu này

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ khó chịu và mệt, thậm chí mè nheo và khóc lóc. Do đó, phụ huynh tránh cáu gắt, quát mắng mà nên đồng hành, chia sẻ, động viên con. 

 

Nhờ sự kiên trì và theo dõi sát về tiểu cầu mà con gái chị Hà đã vượt qua nguy hiểm. Hiện, sức khỏe của bé đã ổn định trở lại, hồi phục và chuẩn bị đi học.

"Sau khi bị sốt xuất huyết, trẻ em cũng như người lớn sẽ cần đến thời gian hồi phục. Quá trình này kéo dài đến cả tháng trời, do đó cha mẹ cần tăng cường dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm giúp nâng cao tiểu cầu, bồi bổ cơ thể bổ sung đạm, vitamin giúp tăng đề kháng. Tôi từng trải qua sốt xuất huyết và thấu hiểu cảm giác không ngon miệng sau khi khỏi bệnh, do đó khi chế biến thực phẩm cũng nên có sự lựa chọn cân nhắc", chị Hà chia sẻ thêm.

Ngày thứ tư trở đi là nguy hiểm

Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

Từ ngày thứ 4 trở đi, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).

Các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.

 

Từ ngày 11 đến 18/11, Hà Nội thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện, trong đó quận Hai Bà Trưng nhiều nhất với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi 4 ổ dịch. Tổng cộng 21 quận huyện có 127 ổ dịch đang lây nhiễm, nơi nhiều bệnh nhân nhất là thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 13.000 ca sốt xuất huyết, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay có 16 ca tử vong, trong khi cùng kỳ năm 2021 không ghi nhận ca tử vong nào.

Type virus Dengue lưu hành năm nay là DENV1, DENV2, DENV4. Kết quả giám sát tại nhiều ổ dịch cho thấy chỉ số BI (chỉ số điều tra dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) cao vượt ngưỡng. Cụ thể, tại ổ dịch ở tổ dân phố Tràng An, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, chỉ số BI là 65; thôn Mộc Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức và thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, BI là 40.

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những phát ngôn 'nghe là muốn khẩu nghiệp' của các nàng tiểu tam trên màn ảnh