Thổ Nhĩ Kỳ: Vì sao động đất này lại gây thương vong vô cùng lớn?
Tin liên quan
Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa trải qua trận động đất mạnh mạnh kinh hoàng khiến ít nhất 3.800 người thiệt mạng, tàn phá ít nhất 12 thành phố. Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo ngại con số người thiệt mạng có thể tăng lên đến 20.000 người khi lực lượng cứu hộ tìm thấy nhiều nạn nhân hơn trong đống đổ nát. Ngoài ra, việc nhiệt độ hạ xuống rất thấp cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác cứu hộ.
Nhà địa chấn học Susan Hough của USGS cho rằng, trận động đất xảy ra vào rạng sáng 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại nặng bởi tâm chấn nông.
"Thế giới chứng kiến nhiều trận động đất mạnh trong 10-20 năm qua. Tuy nhiên, những trận động đất mạnh khoảng 8 độ richter thường không có tâm chấn nông. Động đất sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu tâm chấn nằm gần khu đông dân cư", bà Susan Hough cho biết.
Cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm người mắc kẹt sau trận động đất kinh hoàng
Thực tế, sự việc không chỉ tác động đến Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ảnh hưởng đến cả các nước láng giềng như Syria, Lebanon, Cyprus. Khu vực Tây Bắc Syria được coi là một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Tâm chấn của trận động đất hôm 6/2 nằm ở độ sâu tương đối nông - khoảng 17,9 km - gần TP Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người.
Theo hãng tin AFP, đây là một trong những trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1939 và xảy ra tại khu vực đông dân cư và xảy ra vào sáng sớm (4h17 sáng 6/2). Đây là thời điểm người dân còn đang ngủ nên bị bất ngờ và không kịp chạy khi nhà cửa đổ sập. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu, không thể kịp thời giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt.
Ông Roger Musson, nhà nghiên cứu tại cơ quan Khảo sát Địa chất Anh cho biết đây là khu vực có nguy cơ cao xảy ra các trận động đất mạnh nhưng cấu trúc các tòa nhà trong khu vực không đủ sức chống chịu trước thiên tai.
Một tòa nhà 14 tầng sập do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi những tòa nhà xung quanh vẫn đứng vững
Martin Mai, giáo sư địa vật lý tại Trường ĐH King Abdullah (Ả Rập Saudi), nhận định tương tự: "Các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xây bằng gạch, không có cốt thép. Khung bê tông cũng thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh".
Một số nhân chứng cho biết những tòa nhà được xây dựng theo quy chuẩn chống động đất vẫn đứng vững, trong khi nhiều căn nhà xung quanh sụp đổ, thậm chí bốc cháy.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất