Chiêu bài đối phó
Ngày 21/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thông báo Tết Nguyên đán Ất Mùi này sẽ không in mới và không phát hành tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tiền mệnh giá nhỏ không được phát hành. Theo tính toán của NHNN, trong 3 năm không in tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và năm nay là 5.000 đồng, ngân sách đã tiết kiệm được khoảng 1.084 tỉ đồng.
Nghị định 96 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ có hiệu lực từ tháng 12/2014 đã quy định rất rõ, các hoạt động đổi tiền lẻ không được phép sẽ bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.
Cảnh đếm tiền lẻ để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hành hương được ghi lại tại Hà Nội
Ngay sau khi thông báo của NHNN được các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin, tình trạng đổi tiền lẻ bớt sôi động nhưng không phải là đã chấm dứt.
Không khí dễ nhận thấy là tại một số điểm, tiền lẻ ít xuất hiện công khai, tìm mỏi mắt mới thấy 1 – 2 chủ cửa hàng bày ít tiền lẻ làm “tín hiệu” nhận biết. Thậm chí câu nói quen thuộc với những người đi lễ “Đổi tiền lẻ em ơi…!” cũng trở nên vắng lặng.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về sự “vắng bóng” của các loại tiền mệnh giá từ 500 đồng tới 5.000 đồng khác với sự công khai trước đây, chị L. (chủ một điểm đổi tiền lẻ ở Tây Hồ, Hà Nội) hồ hởi: “Em muốn đổi bao nhiêu? Có quy định cấm đổi tiền lẻ nên hôm nay công an họ làm riết, bọn chị phải giấu đi. Có người hỏi chị mới đưa ra”.
Về bề nổi, có vẻ như người cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định này. Nhưng “thế giới ngầm” của dịch vụ này vẫn hoạt động sôi động không kém.
Chị L. cũng tỏ ra khá bức xúc vì hành động thiếu văn hóa, sự biến tướng khi công đức tiền lẻ của một số con nhang đệ tử khi đi lễ chùa, họ vứt tiền lẻ ở bất kì đâu có thể: dưới chân tượng, đĩa đựng hoa quả, thậm chí đang đi cáp treo cũng thả tiền xuống…
Những xấp tiền lẻ công khai cũng bị hạn chế nhiều so với trước
Ngỏ ý muốn đổi số lượng tiền lẻ lớn vào dịp Tết Nguyên đán, chị L. ngập ngừng rồi nói: “Tết lên đây cứ hỏi là sẽ có để đổi cho em. Kể cả 2 triệu đồng cũng có. Bọn chị cũng phải giữ lại ít tiền lẻ để đi lễ bái nữa”.
Chỉ công khai tiền lẻ đổi cho khách khi có người hỏi, đó cũng là “chiêu” làm ăn của các chủ cửa hàng tại một địa điểm khác theo ghi nhận của phóng viên. “Cấm thì mình cất đi, 'tránh voi không xấu mặt nào', ai hỏi thì mới đổi chứ không thì thôi. Tết vẫn có để đổi gọi là mình không phô ra thôi” – đó là câu trả lời của chị T (một người chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ).
Bày tỏ sự hoài nghi, vì sao NHNN không in các loại tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng mà những người cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn "ôm" được hàng triệu đồng đáp ứng nhu cầu của khách, hầu hết các chủ quầy đổi tiền lẻ đều ậm ờ cho qua chuyện và hoàn toàn giữ bí mật.
Dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện hàng chục năm nay, người đổi tiền sẽ chịu mức phí chiết khấu 30% để có được tiền lẻ đi lễ chùa, cúng bái. Nếu dùng phép so sánh sẽ thấy được mức siêu lợi nhuận của loại dịch vụ này. Nhưng nhiều người vẫn chấp nhận dịch vụ này thay vì dùng tiền chẵn công đức.
Không chỉ có ở các quầy đổi tiền lẻ mà chỉ cần 1 click chuột với từ khóa “đổi tiền lẻ”, xuất hiện hàng loạt website công khai giao dịch dịch vụ này. Thậm chí, Facebook cũng là nơi mà dịch vụ “đổi tiền lẻ” hoạt động khá nhộn nhịp cũng chỉ với từ khóa ấy.
Cần xem lại cách ứng xử với tiền lẻ?
Khi chia sẻ về việc mỗi lần đi lễ bái đều đổi tiền lẻ tại đình, chùa, chị Lại Thị Liên (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhấn mạnh:
“Ở gia đình tôi, từ người già tới người trẻ mỗi người đi lễ đều chuẩn bị cho mình một sấp tiền với mệnh giá khác nhau, thường là nhỏ hơn 5 nghìn đồng. Tâm lý chung của mọi người là đã đi lễ phải có tiền lẻ, ít nhiều không quan trọng nhưng đó là chút lòng thành", chị Liên nói.
Thị trường đổi tiền lẻ tại các đình, chùa trở nên trầm lắng hơn
Không phải chỉ có gia đình chị Liên mà nhiều người vẫn quan trọng việc phải đổi được tiền lẻ thì đi chùa chiền mới cảm thấy thanh thản. Theo các chuyên gia, việc đổi tiền lẻ có chiết khấu là vi phạm quy định của Pháp luật. Hơn nữa, hiện nay, phong cách tiêu tiền, đối xử với đồng tiền lẻ của một đại bộ phận người dân đang thiếu tích cực. Trong khi chúng ta là nước nghèo, việc tôn trọng giá trị cũng như hình ảnh của đồng tiền, từ những đồng tiền lẻ cần phải được nâng cao.
Cứ mỗi dịp Tết đến, các chuyên gia văn hóa lại lên tiếng về tình trạng nhét tiền vào tay thần thánh hay đặt tiền bừa bãi khắp nơi không đúng chỗ ở các chùa chiền.
Chuyên gia văn hóa Ngô Đức Thịnh từng chia sẻ, không phải cứ mang hết tiền lẻ đặt hết nhiều ban thờ trong đình chùa mới là có tâm và có lòng thành. Quan trọng là phải chuẩn bị được tâm thế khi đi lễ chùa. Mặt khác, tốt nhất là đặt tiền lẻ vào hòm công đức với thái độ cung kính, nghiêm túc.
Thủy Nguyên
(Theo congluan.vn)
Top 5 cô nàng khó cưa đổ nhất trong 12 con giáp