Ăn lợn 'khoả thân' coi chừng ngộ độc
Tin liên quan
Mỗi buổi sáng sớm, chúng ta dễ dàng bắt gặp những con lợn sau khi đã mổ được vận chuyển vào nội thành Hà Nội. Điều đáng nói là các con lợn này được chở trên xe máy, không che chắn. Hoặc nếu được che chắn cũng chỉ là vài ba miếng vải hay nilon rất sơ sài, có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hình ảnh lợn mổ xong được chở trên đường phố mà không được che đậy cẩn thận diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam (Ảnh: VietNamNet).
Trao đổi với chúng tôi, PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng: “Do Việt Nam chưa có một quy trình giết mổ khép kín nên mới có hiện tượng lợn mổ xong được chở trên đường. Ở các nước phát triển, ngay sau khi lợn được giết mổ xong sẽ chia thành những phần nhỏ để bảo quản và vận chuyển tới các siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi. Tại đây, thịt lại tiếp tục được bảo quản lạnh ở nhiệt độ thích hợp. Hình ảnh những con lợn “lõa thể” chạy trên đường phố thủ đô gây mất mỹ quan thành phố, chắc chỉ có ở Việt Nam mới có hình ảnh này”.
Cũng theo vị chuyên gia này, thịt lợn mổ xong không được bảo quản mà chở dọc ngang trên đường không che đậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong quá trình vận chuyển, thịt lợn sẽ bị nhiễm bụi bẩn, khói xe, cộng thêm thời tiết nắng nóng…có thể dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến ôi thiu nhanh hơn.
Để chấm dứt được hình ảnh những xe chở lợn không che đậy chạy trên đường phố, ông Thịnh cho rằng: “Đây không phải là câu chuyện của người nông dân mà là câu chuyện của cấp quản lý nhà nước. Muốn có thực phẩm sạch, trước hết chúng ta phải làm sạch. Để làm được điều đó, cơ quan quản lý cần phải xây dựng lò giết mổ tập trung ở ngoại thành. Quản lý chất lượng từ khâu vào tới khi xuất ra. Lợn sẽ được bảo quản và vận chuyển vào thành phố bằng xe chuyên dụng chứ không phải phương tiện cá nhân. Trong trường hợp vận chuyển bằng phương tiện cá nhân cần phải có quy định rõ ràng và bảo quản và an toàn thực phẩm”, PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng
Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Doãn thị Tường Vi (Viện Dinh dưỡng Lâm sàng), nguyên tắc bảo quản thực phẩm giết mổ vệ sinh an toàn cần phải được trữ đông ngay sau khi mổ xong, việc này thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi vì, các loại thịt có nguồn gốc động vật thường giàu chất đạm, thịt lợn mổ xong không được bảo quản ngay sẽ tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn.
Nói về tính an toàn của thịt lợn “lõa thể” chở trên đường phố, bác sĩ Doãn thị Tường Vi cho biết, nguy cơ thịt chở không được bảo quản như vậy dễ bị biến tính, giảm chất lượng.
“Thịt chở trên đường dính bụi bẩn, nhiệt độ cao… sau đó được bày bán cả ngày, phơi trên các sạp dẫn đến nguy cơ thịt dễ bị giảm chất lượng. Đặc biệt người tiêu dùng khi mua về không chế biến ngay mà bảo quản không tốt càng khiến thịt bị biến tính nhanh. Khi ăn phải các loại thịt đã bị biến tính, mức nhẹ có thể rối loạn tiêu hóa, nặng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm…", bác sĩ Tường Vi nói.
Cũng theo bác sĩ Tường Vi, ở một số nơi, việc giết mổ lợn vẫn còn mang tính chất tự phát, mỗi nhà mổ 1-2 con lợn rồi đưa đi bán. Việc thiếu quản lý tập trung sẽ khó có thể quản lý được chất lượng thịt. Chính vì vậy người tiêu dùng có khả năng mua phải con lợn bị nhiễm bệnh mà không hề biết. Ví dụ ăn phải thịt lợn nhiễm sán có thể ảnh hưởng hệ thần kinh, sán ký sinh trong đáy mắt có thể gây mù lòa và ảnh hưởng tới một số cơ quan khác trong cơ thể…
Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cũng khuyến cáo thêm: “Để tránh mua phải thịt đã bị biến tính, người tiêu dùng tuyệt đối không mua thịt lợn có mùi bất thường. Trong trường hợp mua thịt về phát hiện mùi ôi thiu cần phải vứt bỏ. Thịt mua ngoài chợ về nếu chưa chế biến ngay cần phải rửa sạch rồi cho vào hộp cấp đông đá bảo quản”.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất