Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

MIN 2022-06-12 09:16
- Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì, bia Tiến sĩ được xây dựng khi nào, ở đâu... Những thông tin về bia Tiến sĩ sẽ được gửi tới bạn đọc ngay trong bài viết sau đây.

Bia Tiến sỹ được nhắc đến rất nhiều trong nền văn hóa Nho học nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ bia Tiến sĩ là gì, bia Tiến sĩ được đặt ở đâu, bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì? Hãy cùng Emdep tìm hiểu những thông tin này trong bài viết ngay sau đây bạn nhé!

Bia Tiến sĩ đối với Việt Nam là một trong những di sản vô giá – những trang sử viết bằng đá của ông cha ta để lại. Những tấm bia này hơn thế còn là một biểu trưng cho một nền văn hóa, cho truyền thống hiếu học và là lời khuyến học hùng hồn nhất cho những kẻ sĩ trong thiên hạ, cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Bia Tiến sỹ là gì?

Bia Tiến sĩ là một khối đá được tạo hình thành một khối phẳng hình chữ nhật, trên mặt bia có ghi tên tuổi, quê quán của những người đỗ Tiến sĩ (những người đỗ đầu trong kì thi Đình) theo từng khoa thi thời Lê sơ, thời nhà Mạc và thời Lê Trung Hưng

Sau khi đỗ đạt, các Tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được mời dự yến tiệc trong cung, được bệ kiến Hoàng thượng, thăm hoa ở vườn ngự uyển, cưỡi ngựa du ngoạn khắp kinh thành rồi được ban áo gấm về quê hương vinh quy bái tổ. Thế nhưng, phần thưởng cao quý nhất cho Tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá để lưu danh muôn đời.

Bia cao trung bình khoảng 1,5m, rộng 1m, đặt trên lưng rùa đá. Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ trên xuống dưới, xung quanh mặt bia có những hình thù được điêu khắc tinh xảo, phản ánh cảnh sinh hoạt, văn, võ của người dân.

Vật liệu đá được lựa chọn kỹ lưỡng từ loại đá xanh và mất nhiều thời gian để thiết kế, chạm khắc, thể hiện sự tinh xảo trong kỹ năng chế tác dù phương tiện, công cụ thời đó rất thô sơ.

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Bia Tiến sĩ thuộc loại tư liệu gì?

Bia Tiến sĩ được coi là tư liệu chữ viết vì trên mỗi tấm bia đều có các bài văn thể hiện triết lý về dựng nước và giữ nước, bảo tồn văn hóa; triết lý phát triển giáo dục, quan điểm đào tạo nhân tài… của các triều đại phong kiến Việt Nam. Các thông tin trên bia được viết bằng chữ Hán.

Trong bài viết “82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám”. TS Đặng Kim Ngọc viết: “82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chế tác theo cùng một phong cách. Bia thuộc loại bia dẹt, trán cong, hình vòm. Tất cả được đặt trên lưng rùa, rùa cũng được chế tác theo một phong cách chung: to, đậm và chắc khỏe. Bia có kích thước to nhỏ khác nhau. Những bia Tiến sĩ được dựng cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI đều có kích thước nhỏ bé, càng về sau bia càng lớn... Tấm bia to nhất cao 1,75m (chưa kể đế bia), rộng 1,3m; bia nhỏ nhất cao 1,1m, rộng 0,7m”

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Bia Tiến sĩ được xây dựng ở đâu?

Bia Tiến sĩ được xây dựng và vinh dự đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tọa lạc giữa lòng Thủ đô, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng, được coi là biểu hiện của văn hóa và trí tuệ Việt Nam. Đây là ngôi trường Đại học đầu tiên của Việt Nam với hơn 1000 năm tuổi, là cái nôi đào tạo ra hàng ngàn bậc hiền tài của đất nước

Đồng thời, trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước này cũng là nơi bảo tồn và phát triển các truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Bia Tiến sĩ Văn Miếu được công nhận là Di sản tư liệu ngày 09/3/2010. Cùng với Mộc bản triều Nguyễn, đây là Di sản tư liệu thứ 2 của Việt Nam thuộc chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO. Sự kiện này lại càng trở nên ý nghĩa hơn khi diễn ra trước thềm Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ là những bản tư liệu gốc duy nhất còn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, là những pho sử đá về lịch sử, văn hóa, giáo dục Việt Nam mang tính độc đáo và duy nhất. Trải qua gần 300 năm với 82 khoa thi, mỗi bia Tiến sĩ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo; trán bia, diềm bia, chân bia đều có những hình ảnh điêu khắc tinh xảo, phản ánh một cách sinh động cảnh sinh hoạt của người dân, hình ảnh các văn võ bá quan, các đề tài trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long tranh châu”. Vật liệu dựng bia là đá xanh được tuyển chọn rất kĩ, việc tạo dáng và khắc bia cũng rất công phu, đòi hỏi công sức, thời gian và kĩ năng chế tác tốt.

Ngoài Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì trên khắp lãnh thổ Việt Nam, nhiều tỉnh thành cũng được xây dựng văn miếu và đặt Bia Tiến sĩ. Chẳng hạn như vào thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng  (1820 – 1840) cũng cho xây dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Huế (Văn thánh Huế), bia đầu tiên xây dựng năm 1822, bia cuối cùng xây dựng năm 1919 nhưng bia Tiến sĩ thời Nguyễn không có minh văn, chỉ có tên các Tiến sĩ theo từng khoa thi.

Bia Tiến sĩ viết những gì?

Bia Tiến sĩ  không chỉ ghi tên những học trò đỗ đầu trong kì thi Đình mà còn ghi đầy đủ thông tin về khoa thi, triều đại và triết lý về nền giáo dục đào tạo của triều đại đó

Nội dung mỗi tấm bia giống như một câu chuyện có mở đầu và có kết thúc với 3 phần: tiêu đề, bài kí và họ tên, quê quán các Tiến sĩ ở dưới. Cụ thể, mỗi bài văn bia thường được mở đầu bằng tiêu đề của khoa thi năm đó (đây là phần nối giữa trán bia và bài kí). Bài kí được chia bố cục làm 2 phần, mở đầu là ca ngợi công đức các triều vua trị vì, ca ngợi đạo nho và các bậc thánh nhân quân tử. Phần tiếp theo nói về việc mở khoa thi, liệt kê họ tên, quê quán những người đỗ đại khoa, thông tin về số lượng thí sinh tham gia, tên quan trông coi thi, chấm thi, ngày vào thi Đình, ngày yết bảng xướng danh… cũng được nhắc đến. Phần cuối của bài kì là những lời bình về ý nghĩa của việc dựng bia tiến sĩ cũng như vai trò, trách nhiệm của những tiến sĩ đỗ đầu trong việc giúp vua xây dựng giang sơn, trị vì thiên hạ.

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Những bài kí trên bia Tiến sĩ phần lớn là do các danh nhân văn hóa, trí thức, nhà nho lớn của đất nước soạn bằng chữ Hán.

Theo đánh giá trong tài liệu của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Giá trị và nét độc đáo của 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê – Mạc (1442 – 1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới có rất nhiều nước dựng bia nhưng duy nhất bia Tiến sĩ ở Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài”.

Cho đến nay, phần lớn các văn tự và hoa văn trên mỗi bia đá còn rõ và hoàn toàn có khả năng đọc được. Trải qua nhiều thế kỉ nhưng những văn tự, hoa văn này cùng cách tạo dáng bia, rùa đều vẫn mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng.

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Bia Tiến sĩ được xây dựng từ khi nào?

Theo thông tin trong tài liệu tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa – Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, năm 1484, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) xuống chiếu cho xây dựng bia Tiến sĩ, ghi tên các trí thức nho học đỗ Tiến sĩ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, những người đỗ đầu được khắc tên trên bia đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

TS Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa – Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám giới thiệu: “Vu giao bộ Công dựng bia đá, các đại thần có trình độ học vấn cao, văn hay soạn bài ký, những người viết chữ đẹp, thợ khắc đá tài hoa được tuyển chọn kỹ phục vụ cho việc dựng bia”.

Tấm bia đầu tiên được xây dựng là vào năm 1484, thời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442 và tấm bia cuối cùng dựng năm 1780, ghi tên những sĩ tử đỗ đầu của khoa thi năm 1779. Hiện nay, ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội còn 82 tấm bia Tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi trong gần 300 năm, từ năm 1442 đến năm 1779

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Đối với đất nước lúc đương thời, bia Tiễn sĩ được xây dựng trước hết để tôn vinh những sĩ tử đã đỗ đầu trong các khoa thi do triều đình tổ chức. Sau đó, ngoài mục đích biểu dương hiền tài, khuyến khích nho sinh dùi mài kinh sử, việc dựng bia Tiến sĩ còn có tác động to lớn đối với đương thời và hậu thế, nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức cho quan lại thời đó. Được ghi tên trên bia đá đó là niềm khích lệ lớn đối với việc học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước và xã hội. Bia Tiến sĩ cũng là biểu tượng và niềm tự hào cho trí tuệ và sự thành đạt trong xã hội phong kiến.

Có thể thấy việc bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Quốc tế là một trong những sự kiện lớn và là niềm tự hào của cả dân tộc. Phát biểu tại buổi lễ đón nhận bằng công nhận, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Bia Tiến sĩ bằng đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, một biểu tượng tôn vinh đạo hiếu học, truyền thống đào tạo nhân tài bổ sung nguyên khí cho nhân dân ta...  Bởi vậy, việc bia đá được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới là niềm tự hào, tự tôn của hào khí dân tộc.

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Thăm quan các dãy đặt bia đá, chúng ta có thể nhìn thấy tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử như: nhà sử học Ngô Sĩ Liên – đỗ Tiến sĩ năm 1442, tác giả của bộ Đại Việt sử kí toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn, đỗ Tiến sĩ năm 1752, tác gải của Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ...; nhà chính trị - ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm, đỗ Tiến sĩ khoa thi 1775...

Không chỉ là những pho sử bằng đá phản ánh một giai đoạn lịch sử 300 năm dưới triều Lê – Mạc, bia Tiến sĩ còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài theo phương pháp độc đáo ở Việt Nam, cho thấy tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài của ông cha ta.

Chế độ quân chủ tập quyền phong kiến Việt Nam thời Lê rất trọng dụng nhân tài, coi nhân tài là nguyên khí quốc gia, là nguồn gốc của sự hưng thịnh của đất nước. Tấm bia đầu tiên khoa thi 1442 đã chứng minh điều này, trên bia khắc: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài. Tấm bia năm 1448 lại khẳng định: “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”...

Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?

Các vị vua nhà Lê – Mạc đã dựa vào Nho giáo, sử dụng tri thức Nho giáo để đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Quan niệm nho giáo cũng đặt ra tiêu chuẩn “Hiền”, “Tài” để lựa chọn quan lại. Nhà nước lấy thi cử làm cách thức chủ yếu để tuyển chọn người tài chứ không nhất thiết phải “cha truyền con nối”.

Tất cả cho thấy chủ trương phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước triều đại phong kiến Lê – Mạc luôn được chú trọng hàng đầu mà bia Tiến sĩ đã phần nào phản ánh được, để hậu thế hôm nay, tự hào và tiếp nối truyền thống đó.

Trên đây là những tổng hợp giúp bạn trả lời câu hỏi “Bia Tiến sĩ được xây dựng để làm gì?”. Hi vọng quý bạn sẽ tìm thấy cho mình những thông tin tham khảo hữu ích!

MIN (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nuôi con đơn thân nhưng nhiều sao Việt không ngại 'mạnh tay' chi cho con tiền học 'khủng'