Phi công tự sát: Bài học nhãn tiền và bí mật quy luật buồng lái

2015-03-28 09:37
- Nhiều năm trước đây đã có không ít phi công tự sát bằng cách cho máy bay lao xuống đất.

Chuyến bay TM470 của hãng hàng không Mozambican Airlines trong hành trình từ Maputo tới Angola đã rơi ở Namibia. Máy bay khởi hành lúc 11h26', dự kiến hạ cánh xuống Luanda (Angola) vào 14h10' nhưng bị rơi khiến 33 người tử nạn.

Gần 13h10', máy bay đột ngột giảm độ cao và lao xuống mặt đất. Khoảng thời gian giảm độ cao chỉ diễn ra trong 7 phút. Theo các nhà điều tra, máy bay không gặp sự cố về kỹ thuật mà vụ tai nạn có chủ đích. Theo đó, khi cơ phó đi ra ngoài, cơ trưởng đã hạ thấp độ cao máy bay xuống còn 180m. Theo thông tin truy xuất được từ hộp đen, chuông buồng lái kêu ầm ĩ nhưng cơ phó không thể vào được bên trong buồng lái do bị khóa.

Ngày 19/12/1997, một vụ tai nạn do phi công gây ra cũng khiến 104 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Đó là chiếc Boeing 737 của hãng SilkAir khi đang trên hành trình từ Jakartar tới Singapore đã đâm xuống sông Musi.

Trong vụ việc này, cơ trưởng đã Tsu đã vô hiệu hóa 2 hộp đen sau khi cơ phó rời ra khỏi buồng lái. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Tsu đang lâm cảnh nợ nần lên con số 1,2 triệu USD do cổ phiếu.

Năm 1999, máy bay Boeing 767 của hãng Egypt Air trong hành trình từ Newyork (Mỹ) đến Cairo (Ai Cập) đã hạ độ cao xuống thấp chỉ trong 30 giây. Việc làm này khiến máy bay đâm xuống Đại Tây Dương dẫn đến 217 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Sự việc xảy ra khi mới cất cánh được 30 phút.

Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng Mỹ kết luận, không có trục trặc kỹ thuật. Qua thông tin của hộp đen, cơ trưởng đã ngắt hệ thống bay tự động sau khi nói một câu theo tiếng Ả Rập thường nói trước khi qua đời.

Hồi năm 1994, máy bay ATR-42 của hãng hàng không Royal Air (Ma Rốc) lao vào một sườn núi khiến 44 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên khoang thiệt mạng. Nguyên nhân là do cơ trưởng ngắt chế độ bay tự động, sau đó máy bay nói trên lao vào sườn núi. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện, cơ trưởng gặp rắc rối cá nhân trong chuyện tình cảm.

Những quy định sẽ nghiêm ngặt hơn?

Sau vụ tai nạn máy bay khủng khiếp của hãng GermanWing, các nhà điều tra cho rằng, nguyên nhân có thể do cơ phó muốn tự sát, điều này thêm lần nữa dấy lên lo ngại về sự mất an toàn khi phi công muốn hủy máy bay có chủ đích.

Chính từ vụ việc thảm khốc này, nhiều Chính phủ cũng như hãng hàng không đã thay đổi các quy định để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. Chính phủ Canada yêu cầu trong buồng lái luôn phải có 2 thành viên phi hành đoàn. Yêu cầu này được thực hiện ngay lập tức. Ngoài ra, các phi công phải trải qua bài kiểm tra tâm lý.

Còn hãng hàng không giá rẻ EasyJet đã thực hiện quy định bắt buộc phải luôn có 2 người trong buồng lái từ ngày 27/3/2014.

Một số hãng hàng không đã thực hiện các bài kiểm tra y tế tâm lý rất nghiêm ngặt. Ngay cả tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng đưa ra khuyến cáo, những phi công bị trầm cảm không nên lái máy bay.

Chuyên gia tâm lý học Gali Saltz  nói với hãng Reuters rằng, phi công cũng như thành viên phi hành đoàn hầu như không khai báo vấn đề tâm lý với công ty vì sợ bị nghỉ việc. Trong khi đó, một chuyên gia tâm lý khác cho rằng, để không tái diễn tình trạng phi công tự sát bằng cách đâm máy bay xuống đất thì buồng lái phải có ít nhất 2 người bao gồm cả thành viên phi hành đoàn.

Còn Cục hàng không Liên bang Mỹ cho biết, Cục này quy định khi một phi công rời buồng lái phải có một thành viên phi hành đoàn có thể là tiếp viên hoặc phi công phụ ngồi vào buồng lái cùng với phi công còn lại cho đến khi phi công kia trở lại.

Hiệp hội hàng không Đức cho biết, các hãng hàng không nước này sẽ thảo luận kế hoạch thay đổi quy tắc bay an toàn.

Ánh Dương
(Theo Congluan.vn)

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bảo Anh và nguyên tắc trong tình yêu