Đi du lịch nghỉ lễ 30/4: Khi trẻ bị đuối nước, không được làm động tác sai lầm này

2017-04-29 06:40
- Thực tế ngoài cộng đồng vẫn tồn tại những cách sơ cứu không đúng như vác bệnh nhân trên vai chạy hoặc dốc ngược bệnh nhân xuống đất.

Không dốc ngược trẻ khi bị đuối nước

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), trong những ngày hè, bệnh viện Nhi tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước tới cấp cứu. Trung bình mỗi ngày từ 1-2 ca. Đặc biệt là các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè cha mẹ cho con đi chơi biển, về quê có sông, hồ thì số ca đuối nước thường tăng.

Khi cha mẹ cho con đi chơi biển trong trường hợp trẻ bị đuối nước cần phải có cách sơ cứu đúng. Nhanh chóng vớt trẻ lên bờ và gọi người hỗ trợ, mở thông đường thở, hà hơi thổi ngạt, đánh giá về mặt hô hấp qua nhìn nghe cảm nhận, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân, ép tim ngoài lồng ngực…các kỹ thuật này làm đúng cách sẽ cứu sống được trẻ.

Đi chơi biển, trẻ bị đuối nước tuyệt đối không mang vác dốc ngược…

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu chống độc và bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Hồi sức Cấp cứu hướng dẫn cách hà hơi ép ngực khi trẻ bị đuối nước.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn khuyến cáo: “Thực tế ngoài cộng đồng vẫn tồn tại những cách sơ cứu không đúng như vác bệnh nhân trên vai chạy hoặc dốc ngược bệnh nhân xuống đất. Với những động tác đó mọi người nghĩ rằng có thể giúp cho nước trong đường thở và tiêu hóa chảy ra ngoài. Cách làm đó vô tình làm mất đi thời gian vàng cứu trẻ. Bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở thì cách duy nhất phải cung cấp oxy cho bệnh nhân giảm đi những biến chứng là ưu tiên hàng đầu”.

Mức độ nguy hiểm cấp cứu không kịp thời

Hầu hết những trường hợp đuối nước được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương thường là trong trường hợp nặng. Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, đã được xử lý từ tuyến dưới. Những bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp nặng tiên lượng tử vong và để lại di chứng thường khá cao.

Trong xử trí đuối nước quan trọng nhất là tiếp cận với bệnh nhân và xử trí bệnh nhân càng sớm càng tốt. Đây được ví như là một cuộc đua tốc độ với tử thần. Nếu việc xử lý chậm, xử lý sai cách khiến cho người bị đuối nước có thể bị tử vong.

“Khi trẻ ngã xuống nước sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy, các cơ quan tổ chức trong đó có não bị ảnh hưởng nặng nề. Tổn thương não bộ có thể xảy ra rất nhanh, cho dù việc đuối nước có gây tử vong hay không. Sau khoảng 7 phút không có ôxy, não sẽ có các tổn thương không thể hồi phục được và sau 15 phút không có ôxy thì tình trạng chết não sẽ xảy ra hoặc các tổn thương không hồi phục nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra với não”, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn  nói .

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn cho biết thêm: Khi ngã xuống nước, trẻ có thể hút nước và dị vật vào đường tiêu hóa và đường hô hấp. Trẻ bị đuối nước khi vớt lên thường ở trong tình trạng nặng. Bệnh nhân có thể ngừng thở và ngừng tim. Thời gian vàng cấp cứu ngay tại chỗ là rất quan trọng. Nếu cấp cứu kịp thời sẽ giảm được di chứng và tử vong cho bệnh nhân”.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Noel Hà Nội đi đâu chơi cho đúng điệu?