Vụ 24 người nghi phơi nhiễm HIV: Vì lý do này mà người cứu nạn nhân không nên quá lo lắng

Ngọc Minh 2017-07-03 14:13
- Theo các bác sĩ, một bệnh nhân nhiễm HIV khi được điều trị bằng thuốc kháng ARV thì khả năng lây bệnh cho mọi người rất thấp.

Trước thông tin có 1 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn xảy ra vào ngày 30/6 tại thôn 11 xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum là người đang điều trị HIV/ AIDS, nhiều người đã tham gia cấp cứu nạn nhân khá lo lắng. Hầu hết đều lo lắng nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ nạn nhân do máu tiếp xúc với da và vết xước trên cơ thể.

Theo bác sĩ Hoàng Hải Hà, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện 09 (Hà Nội), nạn nhân bị phơi nhiễm HIV khi tiếp xúc với máu và dịch của người bị nhiễm HIV cần phải được điều trị thuốc chống phơi nhiễm càng sớm càng tốt. Những người này cần uống thuốc ngay sau bị phơi nhiễm, trong vòng 72 giờ và dùng thuốc kéo dài trong một tháng. Dù nguy cơ bị lây nhiễm HIV là thấp nhưng không ai có thể nói trước được điều gì.

Nạn nhân bị phơi nhiễm HIV trong tai nạn giao thông nguy cơ mắc bệnh có cao hay không?

Vụ tai nạn ở Kon Tum đã ghi nhận 24 trường hợp nghi phơi nhiễm HIV.

Bác sĩ Hà cho biết: “Khi chân, tay, niêm mạc bị xây xát tiếp xúc với máu của bệnh nhân nhiễm HIV chắc chắn có thể bị phơi nhiễm. Nhưng bệnh nhân bị nhiễm HIV/ AIDS đó đang được điều trị bằng thuốc kháng virus là ARV theo định kỳ. Cho nên, khả năng để lây bệnh cho người khác rất thấp. Khi điều trị bằng thuốc ARV mà tuân thủ đúng liều lượng, giờ uống thì lượng virus rất thấp. Do tải lượng virus thấp, cho nên khi dính máu hay dịch của người bệnh sang người bình thường hoặc sơ cứu bị máu bắn vào da, niêm mạc khả năng gây bệnh rất thấp. Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân dùng thuốc ARV có thể gây bệnh cho người khác”.

Nói về sự hoang mang, lo lắng của mọi người đi cùng với chuyến xe bị tai nạn có bệnh nhân bị HIV/ AIDS bị tử vong, bác sĩ Hà cho rằng: “Đứng trước sự sống và cái chết ai cũng đều rất hoang mang. Nạn nhân bị phơi nhiễm vẫn cần phải được điều trị nếu còn sống. Mọi người vẫn cần phải được theo dõi giống như tất cả các trường hợp phải điều trị bằng thuốc kháng ARV. Các trường hợp phơi nhiễm trên sau 3 tháng, sau 6 tháng sẽ được làm xét nghiệm và sau 1 năm làm xét nghiệm. Nếu sau 1 năm kết quả âm tính thì bệnh nhân chắc chắn không bị”.

Thuốc điều trị phơi nhiễm không dễ mua

Bác sĩ Hà chia sẻ, những trường hợp gặp tai nạn bị phơi nhiễm do tham gia cứu chữa bệnh nhân thường được cấp thuốc điều trị miễn phí. Thuốc chống phơi nhiễm rất khó mua được ở các hiệu thuốc bên ngoài. Vì không phải hiệu thuốc nào cũng được phép bán. Quy định bán loại thuốc đó rất khó, giá thành cao khoảng 700.000đ -1.100.000đ.

Liên quan tới vụ nạn nhân nhiễm HIV bị tai nạn xe và tử vong, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi nhận được thông tin có bệnh nhân nhiễm HIV bị tử vong do tai nạn giao thông tại xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã tiến hành rà soát danh sách bệnh nhân HIV điều trị ngoại trú ARV.

Qua rà soát đã xác minh được nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông nhiễm HIV là bệnh nhân Trần Thị M, 51 tuổi, trú tại huyện Ngọc Hồi. Bệnh nhân này đang điều trị ARV ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tính đến 11 giờ ngày 02/7/2017 có tổng số 24 người nghi bị phơi nhiễm với HIV đều được tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV.

Được biết 24 người nghi bị phơi nhiễm đã được Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cấp thuốc uống miễn phí. Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã đề xuất khen thưởng đối với trường hợp lái xe Lê Văn Tùng, sinh năm 1989 (trú tại thôn 11, xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) do có tinh thần trách nhiệm cao trong tham gia cấp cứu các nạn nhân bị tai nạn giao thông, trong đó có bệnh nhân nhiễm HIV.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bạn đời lý tưởng cho 12 cung hoàng đạo là ai?