Tự ý chữa méo miệng cho con theo mẹo dân gian, mẹ hốt hoảng khi bệnh tình không đỡ lại còn xuất hiện triệu chứng nặng

2017-12-22 11:25
- “Tôi cảm thấy hối hận vì đã dùng thuốc lá đắp cho con. Nếu như tôi đưa bé đi điều trị sớm thì sẽ nhanh khỏi hơn"

Con trai của chị Vũ Thị Cảnh (25 tuổi, Hải Dương) đang điều trị tại khoa Liệt vận động và ngôn ngữ, Bệnh viện châm cứu Trung ương. Chị Cảnh rất hối hận khi tự ý đưa con đi đắp lá để chữa méo miệng.

Theo chị Cảnh, cách đây 2 tháng, bé Hoàng Thị Ngọc Lan có dấu hiệu sốt, viêm họng sau đó bị méo miệng. “Hôm xảy ra sự việc, tôi tắm cho cháu lúc 5 giờ chiều. Sau khi tắm, tôi thấy chân tay con lạnh ngắt. Tôi xoa dầu nóng để giúp cháu ấm người nhưng chân tay cháu vẫn rất lạnh. Đêm hôm đó, con tôi có bị sốt nhẹ 38,5 độ. Sáng hôm sau, khi ngủ dậy, cháu vẫn chơi bình thường và có sốt nhẹ. Khi cháu đang chơi cùng anh trai thì bị ngã, tôi thấy bị méo miệng và lệch sang một bên”, chị Cảnh nói.

Mẹ hốt hoảng khi xuất hiện triệu chứng nặng sau khi đắp lá chữa méo miệng theo mẹo dân gian

Hiện, bé Lan đang được điều trị tại bệnh viện.

Khi thấy con có hiện tượng lạ, chị Cảnh vội vàng đưa con lên bệnh viện tỉnh khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm họng và cho thuốc về điều trị ngoại trú. Sau điều trị 3 ngày, bé Lan hết sốt nhưng méo miệng nặng hơn, khi ăn hoặc uống sữa đều bị chảy ra ngoài.

“Tôi lại đưa con đi khám một lần nữa, bác sĩ nói  không có vấn đề gì, sẽ tự khỏi. Tôi lo lắng quá, không nghĩ được nhiều nên đưa con đi xoa bóp và đắp thuốc nam”, chị Cảnh cho biết.

Khi con chị Cảnh được đắp lá khoảng 12 ngày thì xuất hiện mẩn ngứa như dị ứng trên mặt, trên đầu xuất hiện các nhọt. Sau đó, chị Cảnh quyết định dừng đắp thuốc và đưa con ra bệnh viện châm cứu điều trị.

Chị Cảnh tâm sự: “Tôi không biết họ đắp thuốc gì lên mặt con. Tuy nhiên, sau khi đắp gần 2 tuần, trên mặt con nổi mẩn và nổi nhọt ở đầu và mông. Trong khi đó, miệng vẫn bị méo".

Chị Cảnh cho hay, do thời gian gia đình tự điều trị tại nhà kéo dài 2 tháng nên cơ mặt bé đã cứng khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.

 “Tôi cảm thấy hối hận vì đã dùng thuốc lá đắp cho con. Nếu như tôi đưa bé đi điều trị sớm thì sẽ nhanh khỏi hơn. Khi con bị méo miệng liệt mặt, tôi khuyên các phụ huynh không nên đắp thuốc lá theo truyền miệng  sẽ làm chậm quá trình điều trị của con. Việc đắp thuốc lá hoàn toàn không có tác dụng mà còn làm cho con bị dị ứng”, chị Cảnh nói.

Tuyệt đối không chữa liệt mặt bằng các phương pháp dân gian

Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng Đơn vị Điều trị liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện châm cứu Trung ương cho hay, bé Lan vào viện trong tình trạng miệng méo, mắt không khép được, khi ăn thức ăn bị rơi vãi. Cắn cứ vào những triệu chứng lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 do lạnh.

Trước khi điều trị liệt dây thần kinh số 7 cho bé Lan, bác sĩ phải điều trị cho bé những vết mẩn bỏng gần vị trí đắp thuốc, hút dịch mụn nhọt ở trên đầu và dưới mông của bé.

“Hiện nay, trong dân gian vẫn truyền nhau mẹo chữa méo miệng bằng cách dùng đuôi lươn, đắp thuốc, xông bồ kết… tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Đây là các phương pháp chữa bệnh phản khoa học. Người lớn và trẻ nhỏ khi soi gương thấy méo miệng cần đi khám ngay. Cách phòng liệt dây thần kinh số 7 đơn giản giữ ấm cơ thể, mặc ấm, ngủ không để gió lùa”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 kiểu tóc mái THẦN THÁNH khắc phục trán hói, mặt dài