Trường hợp F4 đầu tiên ở Việt Nam mắc Covid-19 như thế nào?

2020-04-04 15:45
- Từ ca bệnh 161 điều trị ở Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện thêm 4 ca mắc Covid-19 có liên quan, mới nhất là bệnh nhân 227 (nam giới). Đây được coi là trường hợp F4 bị lây nhiễm bệnh Covid-19 từ "ổ dịch" này.

Đến sáng 4/4, Việt Nam đã ghi nhận 44 trường hợp nhiễm COVID-19 liên quan đến "ổ dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đó Viện Tim mạch: 2 ca, Trung tâm bệnh nhiệt đới: 3 ca, Trung tâm Phục hồi chức năng: 1 ca, Khoa Tiêu hoá: 2 ca, Khoa Thần kinh: 9 ca và Công ty TNHH Trường Sinh (đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống): 27 ca.  

Người bị mắc bệnh có điều dưỡng, bệnh nhân, người chăm bệnh tại viện, nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh. Đáng chú ý là ca bệnh 161 (bà N.T.H., 88 tuổi, quê Hưng Yên) là trường hợp lây cho bệnh nhân 163, sau đó bệnh nhân 163 tiếp tục lây cho bệnh nhân 209 và bệnh nhân 209 lây nhiễm cho bệnh nhân 227.  

Tìm được 20 người ở Sài Gòn từng đến Bệnh viện Bạch Mai

 Bệnh viện Bạch Mai hiện là "ổ dịch" có nhiều ca bệnh Covid-19 nhất cả nước - Ảnh: Ngô Nhung  

Cụ thể, bệnh nhân 161 điều trị tại Khoa Thần kinh, sau đó con dâu và cháu gái đến chăm bệnh lần lượt là bệnh nhân 162 và 163 mắc Covid-19. Bệnh nhân 163 (ngụ tại quận Long Biên, Hà Nội) là nhân viên cấp dưỡng tại Công ty xăng dầu khu vực 1 có tiếp xúc với gần với một phụ nữ 55 tuổi (địa chỉ tại quận Long Biên, Hà Nội) làm việc cùng công ty. Đây là bệnh nhân 209 mắc Covid-19.  

Ngày 2/4, Bộ Y tế tiếp tục phát hiện trường hợp 227 mắc Covid-19 là con trai bệnh nhân 209. Do không xác định được bệnh nhân đầu tiên (ca bệnh F0) nên bệnh nhân 227 là trường hợp F4 đầu tiên ở Việt Nam mắc Covid-19. Hiện những người tiếp xúc gần với bệnh nhân 209 gồm chồng, một người con trai khác, mẹ đẻ và người giúp việc đang được cách ly , theo dõi sức khoẻ.  

Riêng trường hợp gia đình bệnh nhân 161, đến nay đã có 2 con trai, 2 con dâu, cháu ruột được xác định mắc bệnh Covid-19. Sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân Covid-19 thứ 219 (là con dâu thứ 2 của bệnh nhân 161), tỉnh Hưng Yên lập tức khoanh vùng cách ly hơn 1.400 người trong thôn Chí Trung (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), nơi bệnh nhân này cư trú.  

Về bệnh nhân 161, sau thời gian điều trị xuất huyết não tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai), ngày 25/3, được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) với chẩn đoán chảy máu não thất, phát hiện tăng huyết áp 2 tuần, chụp CT phổi có tổn thương phổi trái. 3 ngày sau khi nhập viện, tới ngày 28/3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn.  

Ngày 2/4, nữ bệnh nhân 88 tuổi này phải thở oxy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Trưa ngày 3/4, các chuyên gia y tế đã hội chẩn để tìm phương án điều trị tích cực cho bệnh nhân này. Hiện bệnh nhân đã phải dùng máy thở.  

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, không một quốc gia nào có thể trì hoãn được giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Tương tự, tại Việt Nam điều này cũng sẽ xảy ra sớm hay muộn nhưng Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch trong giai đoạn đầu nên trì hoãn được giai đoạn này lâu hơn.  

PGS Phu cho biết Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3 với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng rất cao. Nguyên tắc dập dịch của Việt Nam trong giai đoạn này vẫn là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch mạnh mẽ, ngăn chặn lây lan.   

 Theo Người Lao Động  

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư