Trẻ 11 tháng tuổi bị biến chứng nặng: Phải chăng do sự bất thường của dịch sởi 2018?
Tin liên quan
Xuất hiện sởi biến chứng nặng
Mới đây, Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận trường hợp 2 trẻ nhỏ sinh đôi 11 tháng tuổi bị mắc sởi. Trẻ có tiền sử sinh non (30 tuần tuổi) và chưa từng được tiêm phòng.
Trước khi nhập viện cả 2 bệnh nhi có biểu hiện sốt cao liên tục không hạ kèm theo ho, chảy nước mũi,… Tới ngày thứ 4, 2 bệnh nhi xuất hiện ban đỏ, ho tăng và tiếp tục sốt cao.
Hai bệnh nhi bị biến chứng nặng do bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới.
Hai bệnh nhi vào viện trong tình khó thở, suy hô hấp, rút lõm lồng ngực… Qua thăm khám các bác sĩ kết luận bị viêm phổi nặng trên nền bệnh nhân sởi.
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho hay 2 bệnh nhi trên bị biến chứng khá nặng sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm, tiên lượng khó nói trước.
Từ đầu năm đến nay 2018 đến nay khoa Nhi tiếp nhận khoảng 34 ca bệnh mắc sởi. Trong đó, có đến 33 trẻ dưới 3 tuổi và 100% trẻ chưa hoặc không được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Biến chứng chủ yếu do không tiêm phòng
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, bệnh dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp. Triệu chứng điển hình của bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.
Những biến chứng nguy hiểm của sởi nếu không được điều trị kịp thời có thể kể tới như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…
PGS. Huy cho biết thêm, so với cách đây khoảng 30 năm về trước thì bệnh sởi hiện nay đã giảm rất nhiều, những ca mắc sởi và bị biến chứng nặng tuyệt đại đa số là do trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc do bố mẹ chủ quan không tiêm chủng.
“Trào lưu tẩy chay vắc xin là một quan điểm hết sức sai lầm, để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm mà người gánh chịu chính là con em họ. Vắc xin sẽ có tỷ lệ tai biến nhất định, tai biến đó chủ yếu xảy ra là không mong muốn và là do cơ địa trẻ”, PGS. Huy nói.
Theo phân tích của PGS Huy diễn biến bệnh sởi năm 2018, dù có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo ông điều đó chưa có gì là bất thường.
Để phòng bệnh sởi cho trẻ, PGS Huy khuyến cáo, biện pháp đầu tiên là tiêm phòng vắc xin cho trẻ đúng độ tuổi, đúng lịch.
Hiện bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn. Khi chăm sóc trẻ bị sởi tuyệt đối không kiêng khem trong chế độ ăn để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Không ăn những gia vị gây khó tiêu, cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.
Các dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát của bệnh sởi bao gồm:
- Nổi ban sẩn, mịn như nhung.
- Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân.
- Ban biến mất theo thứ tự đã mọc.
Biến chứng bệnh sởi: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất