Trầm cảm sau sinh: BS ám ảnh câu chuyện 2 mẹ con quấn dây điện tự tử

2018-09-28 07:00
- Những trường hợp trầm cảm sau sinh thường có suy nghĩ không muốn bố mẹ, con cái khổ nên thường tự tử cùng hoặc sát hại người thân trước khi tự sát.

Nghi án chị Trần Phương T. (25 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bồng con gái 7 tháng tuổi nhảy sông Hồng tự tử khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Gia đình kể, sau khi sinh con được 4 tháng, chị T. có nhiều dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người. 

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc đau lòng do trầm cảm . Cách đây hơn 1 năm, cũng tại Hà Nội xảy ra vụ người mẹ trẻ sát hại con trai 33 ngày tuổi, sau đó tạo hiện trường giả. 

Đến nay, Việt Nam chưa có những nghiên cứu phổ rộng về tỉ lệ trầm cảm sau sinh . Tuy nhiên theo thống kê năm 2013 của BV Từ Dũ, TP.HCM, tỉ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, loạn thần sau sinh chiếm 0,5% số phụ nữ sinh đẻ. 

Trầm cảm sau sinh diễn tiến nhanh 

PGS. TS Tô Thanh Phương, PGĐ BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết, trầm cảm có 3 mức độ: Nhẹ, vừa và nặng. 

Trong đó trầm cảm nặng phân làm 2 loại: Không loạn thần (với biểu hiện buồn thảm, ủ rũ, bi quan, chán nản) và loạn thần (hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh xui khiến như: tự tử, giết người, không ăn, bỏ nhà và nhảy lầu là nguy hiểm nhất). 

Khác với các dạng trầm cảm thông thường, trầm cảm sau sinh thường cấp tính, bệnh nhân đang từ nhẹ chuyển sang nặng nhanh. 

Mỗi năm, BV Tâm thần Trung ương 1 điều trị cho 20-30 trường hợp trầm cảm sau sinh và tại Viện sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, cũng chừng đó bệnh nhân được nhập viện điều trị mỗi năm. 

Bệnh nhân V. liên tục đòi hút sữa khi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.Hạnh 

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị V. (25 tuổi, Nam Định), thường xuyên mất ngủ sau khi sinh con 12 ngày, cứ chợp mắt được 30 phút – 1 tiếng lại dậy hút sữa. Đặc biệt, khi biết con bị viêm gan B, chị càng thêm lo lắng nên tình trạng mất ngủ ngày càng tăng. 

Dù được gia đình chồng yêu thương, quan tâm hết mực nhưng càng ngày chị V. càng có nhiều biểu hiện bất thường, nói năng lảm nhảm, đi lại thất thần. Ngay cả khi vào BV Bạch Mai điều trị, chị V. cũng mang theo bình sữa, đòi hút liên tục. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc chứng loạn thần cấp sau sinh, chỉ định chế độ điều trị đặc biệt. 

Trường hợp khác là bệnh nhân Lê Thị H. (Thanh Hoá). Chị H. có tiền sử trầm cảm sau sinh từ khi sinh bé đầu lòng, đã chữa khỏi nhưng đến khi sinh tiếp bé thứ 2 lại tái phát. 

Chồng chị H. chia sẻ, sau sinh con, vợ anh bỗng nhiên ít nói bất thường, gọi không thưa, đi vào đi ra một cách bất thường, không có chủ định... Do ở chung với bố mẹ đẻ nên chị H. được phát hiện bệnh kịp thời. 

TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, đây là những trường hợp may mắn được điều trị sớm, tuy nhiên có không ít trường hợp diễn tiễn nặng nhưng người nhà không ai biết, để lại hậu quả hết sức nặng nề. 

TS Tâm dẫn chứng, cách đây vài năm, Viện từng điều trị cho một bà mẹ tại Hà Nội bị trầm cảm sau sinh rất nặng, thường xuyên có ý định tự tử cùng con. Khi không ai để ý, người mẹ lấy dây điện quấn quanh người 2 mẹ con rồi cắm điện tự tử. 

Gia đình phát hiện ngay sau đó nhưng con 3 tháng đã tử vong, mẹ được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, sống sót, sau đó điều trị trầm cảm tại Viện Sức khoẻ tâm thần nhiều tháng ròng. 

Trầm cảm nặng thường tự sát thành công 

TS Tâm cho biết, biểu hiện lâm sàng chủ yếu của trầm cảm sau sinh là tình trạng buồn chán, bi quan, giảm hứng thú trong chăm sóc mình, chăm sóc con, nghĩ mình không chăm được con, không thích chia sẻ. 

Bệnh nhân trầm cảm không làm gì cũng mệt, mệt khác do mệt khi làm việc hay mệt do ốm đau. Kèm theo đó là bệnh nhân giảm tập trung, trí nhớ thay đổi, ngủ ít hoặc ngủ nhiều. Đặc biệt bệnh nhân giảm mọi nhu cầu ăn, chơi, tình dục, không thiết nói chuyện... 

TS Dương Minh Tâm. Ảnh: T.Hạnh 

Nặng hơn, bệnh nhân dễ dẫn đến bực tức, cáu giận, thay đổi lối nghĩ, cách nghĩ, thường nhận lỗi về mình, loạn thần... 

Nhiều người cũng cảm thấy mình yếu hơn, biểu hiện ra một số triệu chứng cơ thể như khó thở, đau tim, run chân tay, vã mồ hôi, đau dạ dày nên nhiều trường hợp đi khám chuyên khoa bệnh lý nhưng không tìm ra bệnh. Các triệu chứng sẽ diễn tiến nặng dần lên. 

Do mọi thứ là cảm nhận nên trí tuệ của bệnh nhân trầm cảm hoàn toàn tỉnh táo, mọi chuyện đều nhận thức được. Người bệnh cố gắng thoát nỗi buồn, ức chế, trì trệ của mình nhưng không làm được nên xuất hiện ý tưởng chán sống, muốn tự sát. Theo nghiên cứu chưa đầy đủ, 80% bệnh nhân trầm cảm muốn tự sát. 

“Ý tưởng này thường rất sâu sắc, được cân nhắc rất kỹ, đấu tranh tư tưởng rất dài. Chờ khi nào không vượt qua được mới thực hiện tự sát. Vì nghiên cứu rất kỹ phương thức tự sát, do đó người trầm cảm thường tự sát thành công”, TS Tâm chia sẻ. 

Hầu hết những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không muốn người thân như bố mẹ, chồng, con khổ, muốn người thân đi cùng nên thường tự tử cùng con hoặc sát hại người thân trước rồi mới tự sát. 

Theo TS Tâm, trầm cảm sau sinh có nhiều nguyên nhân như áp lực khi mang thai, sinh đẻ, lo lắng hình thể sau sinh, biến đổi về mặt sinh học, mối tương tác với người xung quanh, stress... 

Hiện nay, việc điều trị cho bệnh nhân mắc trầm cảm không quá khó khăn, khả năng tiến triển nhanh, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường. 

Điều trị trầm cảm phải kết hợp thuốc và tâm lý, trường hợp nặng có thể phải dùng sốc điện, kích từ. 

Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Serum cấp nước nổi đình đám trong giới beauty blogger