Thực hư chuyện cỏ lúa mì là 'sát thủ' đáng gờm của tế bào ung thư?

2017-04-19 10:31
- Thời gian gần đây cộng đồng mạng rộ trào lưu trồng cỏ lúa mì để lấy cây non (mầm lúa) ép cây lấy nước uống. Loại nước này được đồn thổi có khả năng phòng chống hỗ trợ điều trị ung thư.

Chỉ có tác dụng nâng cao sức khỏe

Cỏ lúa mì hay còn được gọi với các tên gọi khác mầm lúa mì, mạch nha được một số người suy tôn “thần dược” hay “sát thủ” của ung thư. Loại cỏ này khi ép lấy nước dùng hàng này sẽ có tác dụng ngăn ngừa và điều trị nhiều bệnh trong đó có căn bệnh ung thư.

Để tìm hiểu về giá trị của cây cỏ lúa mì, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) về giá trị của loại cây này. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tất cả các loại hạt mầm như giá đỗ, rau mầm… trong đó có cỏ mạch đều rất tốt cho sức khỏe. Trừ một số mầm có độc tính như mầm khoai tây, tuyệt đối không nên ăn.

“Mầm mạch nha có các enzym chuyển hóa tinh bột thành đường giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng. Rễ của mạch nha khi nảy mầm sinh ra chất alcaloid horderin - một amino phenol có tác dụng vào nhóm adrenalin kích thích hệ tuần hoàn ngoại vi do làm co thắt các mạch. Trong mầm cây lúa mì còn có rất nhiều chất dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng trong hạt lúa mì như protid, lipid, vitamin B1 và E vẫn được chuyển hóa vào trong mầm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

Cỏ lúa mạch có phải là “sát thủ” của ung thư

Cỏ lúa mì tốt cho tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng, ảnh minh họa.

Từ những giá trị dinh dưỡng của mầm cây lúa mì, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, khả năng tốt cho sức khỏe của mầm cây lúa mì là có nhưng không thể khẳng định nó có khả năng chống lại và điều trị ung thư. Hiện nay, cơ chế của ung thư là rất phức tạp việc điều trị ung thư hiệu quả vẫn chủ yếu dựa vào y học hiện đại. Uống nước ép mầm lúa mì hàng ngày giúp nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch. Để cho cơ thể có khả năng phòng chống bệnh tật nói chung.

“Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, dân gian vẫn đồn ăn lá đu đủ, cần tây… để điều trị ung thư. Cho đến nay chưa có một loại cây nào được khoa học khẳng định sẽ chữa khỏi ung thư. Nước ép mầm lúa mì không độc, người dân muốn thử nghiệm để nâng cao sức khỏe thì vẫn có thể dùng được. Nhưng không nên tin tưởng một cách mù quáng bỏ chữa bệnh bằng phương pháp hiện đại”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên.

Để có nguồn mầm cỏ lúa mì sạch dùng, chuyên gia cho hay, bản thân mầm lúa mì mọc lên lấy dinh dưỡng từ chính trong hạt. Vì vậy, việc chăm sóc cây lúa mì cũng rất đơn giản chủ yếu là giữ độ ẩm. Để giữ độ ẩm cho hạt nảy mầm và phát triển thì cần phải dùng tới nước sạch để tưới.

Mầm cây lúa mì tới thời gian thu hoạch cắt bỏ chân rửa sạch tán nhỏ phơi khô dưới bóng râm (enzym không bị mất) nghiền hoặc tán mịn pha uống sẽ tốt hơn ép.

Mầm cỏ mạch tốt cho tiêu hóa

Trong Đông y mầm cỏ lúa mì còn được dùng là thuốc điều trị các bệnh do tỳ hư, tiêu hóa kém, chướng hơi, ứ tích sữa, vú căng đau… Thân lúa non có tác dụng lợi tiểu khi sắc uống.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y Việt Nam) cho hay: “Mầm cỏ mạch trong Đông y còn gọi là mạch nha, có vị ngọt tính bình đi vào hai kinh tỳ và vy, tác dụng tiêu hóa thức ăn chữa các bệnh. Mạch nha ủ cho lên mầm, khi mầm xanh thu hoạch làm sạch vỏ phơi khô hoặc sấy rồi tán lấy bột làm thuốc. Nói nước uống mạch nha tốt cho hệ tiêu hóa thì đúng còn khả năng phòng chống và chữa bệnh ung thư thì chưa có căn cứ”.

 

Một số bài thuốc có mạch nha

- Chữa tiêu hóa kém, thức ăn khó tiêu hóa: Mạch nha và sơn trà 10g, sắc uống

- Tỳ vị hư ăn không tiêu: 10g mạch nha, 10g đẳng sâm, 5g thảo quả, 5g trần bì, 3g gừng khô, 10g phục linh, 10g Bạch truật, 5 g hậu phác, 3g cam thảo, tất cả đủ thang sắc uống.

- Bài thuốc giúp cai sữa: 90g mạch nha sao sắc uống trong ngày uống liền 3 ngày.

 

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 15 mẫu váy sơ mi cách điệu hot trend nhất hiện nay