Tâm sự đau xót của bác sĩ ám ảnh về những đứa trẻ mắc viêm não Nhật Bản chỉ vì việc làm này của bố mẹ
Tin liên quan
Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi không may mắn bị mắc bệnh viêm não Nhật bản, bác sĩ N.T.S, ĐH Y Dược Tp. HCM cảm thấy thực sự ảm ảnh với căn bệnh này.
Theo bác sĩ S., một căn bệnh hoàn toàn có thể phòng chống được bằng vắc xin nhưng nhiều bậc cha mẹ lại có tư tưởng “anti” với nó hoặc thậm chí chủ quan. Để rồi người gánh chịu hậu quả chính là những đứa trẻ ngây thơ mà lẽ ra chúng không đáng phải nhận.
Những đứa trẻ bị viêm não Nhật Bản bị cột tay chân (ảnh BSCC).
Bác sĩ N.T.S chia sẻ: “Trong căn phòng bệnh không có một tiếng khóc, chỉ có tiếng máy thở nhịp nhàng đầy ám ảnh. Những đứa trẻ nằm chung một giường, bất động, tay chân bị buộc chặt vì sợ co giật. Những hình ảnh đó thực sự ám ảnh với bất cứ người nào nhìn thấy. Chỉ vì sai lầm tin theo những bài viết trên mạng xã hội không tiêm vắc xin cho con vì sợ tác dụng phụ hay nghĩ đơn giản chăm con tốt là đủ. Có những đứa bé không bao giờ tỉnh lại, có những đứa bé tỉnh lại nhưng sống thực vật suốt cả đời".
Theo bác sĩ S., các con đang trong tuổi ăn, tuổi chơi lại phải nằm hôn mê bất động chỉ vì căn bệnh Viêm não Nhật Bản - một căn bệnh có thể phòng ngừa được nhờ tiêm vắc xin. Vậy tại sao? Tại vì bố mẹ “không tiêm vắc xin.
Bác sĩ chua xót nói: "Bản thân tôi không thể lý giải được vì sao các mẹ có thể dễ dàng tin theo bài viết ngàn like trên mạng xã hội để “nói không” với vắc xin hay chỉ cần nghe rằng chống muỗi đốt là đủ".
"Đã là thuốc thì chắc chắn có tỷ lệ phần trăm tác dụng phụ. Nhưng chỉ chăm chăm vào 1% tác dụng phụ mà bỏ qua 99% tác dụng phòng ngừa bệnh tuyệt vời của vắc xin điều này có đáng.
Tôi còn nhớ mãi cảm xúc khi nhận được cuộc gọi của chị người quen muốn gửi con vào bệnh viện Nhi đồng I điều trị viêm não. Tôi có hỏi chị “gia đình có tiêm đủ vắc xin cho con hay không?” Cả hai vợ chồng chị bạn tôi “chết lặng”. Họ nói rằng vì đọc trên mạng thấy tiêm vắc xin bị chết. Vì vậy, họ sợ và quyết định không tiêm vắc xin cho con thay vào đó sẽ chăm sóc con kỹ hơn giúp con nâng cao sức đề kháng sẽ không sao", bác sĩ tâm sự.
Khi nghe xong câu trả lời đó bác sĩ S. đã phải thốt lên “Trời ơi là trời. Có chuyện đó thì thôi "facebooker" nổi tiếng làm bác sĩ luôn cho rồi”. Giờ chỉ cần lên mạng xã hội, ai cũng trở thành bác sĩ cần gì phải học hành, thi cử, lăn lộn 6 năm trời. Đứa trẻ khi vào nhập viện đã bị hôn mê sâu, não úng thủy… người mẹ khóc, ngất xỉu từng hồi. Ông bố gọi điện báo tin cho gia đình giọng đầy hối hận và tức giận.
"Khi con bạn nằm đó, hôn mê sâu, có ai đứng ra chịu trách nhiệm cho việc này? Các tác giả bài viết online hay bác sĩ phải chạy đua với tử thần để cứu con bạn? Khi con bạn khỏe mạnh xuất viện thì không nói. Nhưng khi con bạn nặng và tử vong, các bạn chửi bới và đánh bác sĩ như chính chúng tôi gây ra những điều này cho con các bạn”, bác sĩ phân trần.
Sau khi bác sĩ N.T.S chia sẻ những thông tin phân tích về mức độ nguy hại của việc không tiêm vắc xin trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều tin nhắn với lời lẽ xúc phạm.
Theo bác sĩ N.T.S, cha mẹ luôn mong muốn điều tốt nhất cho con, bác sĩ và nhân viên y tế cũng vậy, luôn mong muốn bệnh nhân mau khỏi bệnh, xuất viện, tránh quá tải bệnh viện, tránh cảnh 2 - 3 bé nằm 1 giường.
“Nhân loại đã mất 100 năm để tìm ra vắc xin và cứu sống biết bao nhiêu trẻ em trên thế giới, trong đó có tôi và bạn, thậm chí con cái của các bạn. Nhưng họ chỉ mất 1 giờ để xuyên tạc trắng trợn, bẻ cong ý nghĩa của vắc xin để kêu gọi một điều "anti vắc xin". Có thể con họ không tiêm vắc xin vẫn khoẻ, nhưng đó là do con họ may mắn. Còn nếu quy ra cho một dân số rộng lớn, bạn có chắc rằng con bạn cũng sẽ an toàn nếu không tiêm vắc xin?”, bác sĩ N.T.S chia sẻ.
Ngọc Minh (ghi)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất