Muỗi bắt đầu hoành hành khi chuyển mùa, làm gì để không mắc sốt xuất huyết?

2018-04-10 12:30
- Chuyên gia khuyến cáo cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất là mỗi người dân phải chủ động diệt loăng quăng/bọ gậy để triệt tiêu vòng đời sinh sản của muỗi.

Đề cao cảnh giác dịch bùng phát

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm tích lũy đến tuần 13, cả nước ghi nhận hơn 14 nghìn trường hợp mắc, giảm 37,2% so với cùng kỳ 2017. Dù số ca bệnh mắc sốt xuất huyết giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch vì vậy Bộ Y tế luôn có phương án sẵn sàng chủ động đối phó với dịch.

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Y tế toàn quốc triển khai công tác sốt xuất huyết và dịch bệnh mùa hè 2018 tại Đà Nẵng có sự tham dự của lãnh đạo sở và lãnh đạo trung tâm y tế dự phòng các 63 tỉnh. Theo đó, ngành y tế các địa phương được giao nhiệm vụ chủ động triển khai giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, tình hình véc tơ truyền bệnh (chỉ số muỗi và lăng quăng) nhằm phát hiện sớm nhất các ổ dịch và vùng nguy cơ bùng phát dịch để có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Sốt xuất huyết chuẩn bị vào đỉnh dịch làm sao để tránh mắc bệnh

Số ca bệnh sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ 2017 nhưng diễn biến bệnh vẫn hết sức phức tạp.

PGS.TS Phu cho hay: “Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm trên cả nước nhưng vẫn đặc biệt cần phải lưu ý là các tỉnh phía Nam tỷ lệ bùng phát dịch cao. Riêng Hà Nội năm nay vẫn được coi là một điểm nóng, Bộ Y tế đã giao trách nhiệm tới từng phường, quận triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ đến từng nhà dân nhắc nhở, phổ biến kiến thức phòng bệnh, giám sát bệnh nhân phát hiện bệnh nhân mắc bệnh để khoanh vùng tránh bệnh lây lan”.

Dịch sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp vào mùa mưa. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất chính là sự chủ động, tích cực tham gia của người dân.

“Sốt xuất là bệnh lưu hành vẫn diễn biến phức tạp, bệnh hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hiện nay vẫn chủ yếu là điều trị triệu chứng. Vì vậy để tránh nguy cơ bùng phát dịch người dân cần phải phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác dịch lăng quăng/ bọ gậy Không có lăng quăng/ bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết’”, PGS.TS Phu nói. 

Phát hiện sốt xuất huyết sớm

Theo chuyên gia, khi bị mắc sốt xuất huyết thể nhẹ bệnh nhân thường sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Người bệnh sẽ bị đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Tiếp theo diễn biến của bệnh có thể nổi mẩn phát ban.

Sốt xuất huyết thể nặng bệnh nhân ngoài sốt cao đột ngột, đau đầu sẽ xuất hiện  các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

Triệu chứng nguy hiểm khi bị sốt xuất huyết là có kèm theo đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

 

 Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chọn yêu một người đàn ông