Mẹo phòng béo phì ở trẻ em cha mẹ nào cũng cần biết

2016-09-11 19:05
- Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam là nước có tỷ lệ béo phì cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trẻ bị béo phì có hệ lụy cao mắc các bệnh về thận, tim mạch, xương khớp, đường mật...

Trẻ bị béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng vượt quá nhu cầu, nhất là năng lượng từ chất béo. Tuy nhiên, trẻ ăn quá nhiều chất đạm, bột đường cũng bị béo phì, vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ.

Trường hợp trẻ ít hoạt động thể lực cũng là yếu tố thuận lợi, nguy cơ cao gây thừa cân béo phì. Những trẻ thường dành thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem tivi, đọc chuyện, chơi điện tử... mà ít luyện tập thể dục thể thao rất dễ bị béo phì.

Một số nghiên cứu cho thấy ở những trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ nhẹ cân hoặc cân nặng lúc sinh quá cao... lớn lên dễ bị thừa cân béo phì. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học cũng cho biết có yếu tố di truyền về bệnh béo phì. Tuy nhiên điều này còn chưa được chứng minh đầy đủ. Người ta nhận thấy trong gia đình nếu cha mẹ bị béo phì thì con cái có nguy cơ mắc.

Mẹo phòng béo phì ở trẻ em cha mẹ nào cũng cần biết

Trẻ béo phì dễ mắc các bệnh về thận, tim mạch, xương khớp...

Ảnh hưởng của béo phì đến sự phát triển của trẻ

Trẻ em bị béo phì có nguy cơ các bệnh giống như người lớn, nhưng nặng hơn, vì thời gian bệnh kéo dài và ảnh hưởng tới nội tiết, tinh thần của trẻ. Những người lớn bị béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên. Trẻ em thường vụng về, chậm chạp, giảm khả năng tập trung, có chức năng tâm lý xã hội kém, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập.

Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng insulin thường thấy ở trẻ em béo phì. Rối loạn lipid máu xuất hiện liên quan tới tăng tích lũy mỡ trong ổ bụng; những rối loạn lipid máu, huyết áp và insulin máu ở trẻ em sẽ kéo dài đến thời kỳ thanh niên.

Bên cạnh đó, trẻ bị béo phì cũng tăng nguy cơ mắc các biến chứng ở gan đặc biệt là gan nhiễm mỡ, tăng men gan, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh sỏi mật, cơ xương khớp nghiêm trọng, nhất là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), bệnh tiền liệt tuyến, bệnh ung thư vú và tử cung, bệnh giả u não do tăng áp lực nội sọ…

Dinh dưỡng và luyện tập hạn chế béo phì cho trẻ

Chăm sóc dinh dưỡng: Trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thông qua chế độ ăn uống của mẹ, để tránh mẹ tăng cân nhiều, thai to. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung, cần có khẩu phần ăn hợp lý, đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin, khoáng chất).

Trẻ lớn và vị thành niên nên ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế sử dụng thực phẩm giầu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng. Nên hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh kẹo, đường, mật, sữa đặc có đường, sữa béo, nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ), hoa quả chứa nhiều đường như mít, chuối chín...

Khi chế biến thức ăn cho con, các bậc phụ huynh cần hạn chế các món quay, xào, rán, mà nên làm các món hấp, luộc… Cũng cần cho trẻ chế độ ăn uống điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, nên ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Hoạt động thể lực: Ở trẻ lớn và tuổi vị thành niên nên tăng cường vận động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội... hạn chế xem tivi, trò chơi chơi điện tử và tránh thức quá khuya.

Ngoài ra, cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng chiều cao, nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì, để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.

(Theo Zing)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Các anh đã biết về 'quy tắc con số 4' chưa?