Mẹ hoảng hồn nghe cách chữa nói lắp bằng cách cho ăn tát, cư dân mạng sôi sục tranh cãi

2017-11-04 06:45
- Chuyên gia khuyến cáo khi trẻ nói lắp mà bị tát sẽ không có tác dụng hiệu quả trong chữa hiện tượng này.

Có nên tát trẻ khi nói lắp?

Mới đây, trên mạng xã hội một bà mẹ đã “hết hồn” chia sẻ lại câu chuyện chữa nói lắp bằng cách cho con ăn tát. Theo lời phụ huynh này, con chị 28 tháng tuổi đã nói được hết các từ, nhưng thường bị nói lắp khi cuống hoặc bí từ.

Ở nhà chị và gia đình sửa nói lắp cho con bằng cách yêu cầu con nói chậm rãi. Nếu con nói lắp thì hướng dẫn lại con nói câu hoàn chỉnh, rất may tình trạng của con đã tốt lên, không còn nói lắp nhiều và nói chậm rãi hơn.

Chị phụ huynh trên đã rất “sốc” khi một lần đưa con đi ăn sáng, con nói lắp nên bị một người bên cạnh chê bai và mách cho cách chữa nói lắp bằng tát vào miệng trẻ.

“Sáng nay, hai mẹ con em đi ăn sáng, con gái chỉ vào trong nhà rồi nói có con ọp, nhưng nói kiểu lắp bắp. Có một cô ngồi ăn bên cạnh quay ra dè bỉu con em nói: khiếp, nói gì mà lắp thế? Tát cho nó vài phát là hết lắp. Trước nhà này có đứa cháu cũng thế, ăn tát vài lần là hết lắp. Em nghe xong cạn lời, không thèm đối đáp lại luôn. Từ thuở bé đến giờ, nay em mới biết cái mẹo chữa nói lắp là phải ăn tát vài lần mới khỏi được”, người mẹ có con nói lắp chia sẻ.

Mẹ hoảng hồn với mẹo chữa nói lắp cho ăn tát hết sau 3-4 lần áp dụng

Tuyệt đối không dùng cách tát khi trẻ nói lắp, ảnh minh họa.

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ, Chuyên gia Tâm lý trị liệu, khám và trị liệu tâm lý tại Phòng khám Nhi Đồng TP.HCM khẳng định, việc cho trẻ “ăn tát” khi nói lắp sẽ không mang lại hiệu quả. Việc đánh trẻ sẽ làm cho đứa trẻ sợ hãi không muốn giao tiếp, trẻ sẽ nghĩ việc nói lắp là xấu, không tốt… Điều này sẽ làm cho trẻ có tâm lý tự ti, sống khép mình. Giáo dục trẻ bằng bạo lực là cách giáo dục thường không mang lại hiệu quả.

Trong trường hợp trẻ nói lắp do vấn đề về tâm lý thì cần phải can thiệp, tìm hiểu nguyên nhân xem trẻ đang gặp phải vấn đề gì để tháo gỡ giúp trẻ. Trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ Võ Thị Minh Huệ thường tiếp nhận trường hợp trẻ nói lắp do vấn đề tâm lý rất nhiều. Trẻ tới điều trị nói lắp thường rơi vào nhóm trẻ nhỏ bắt đầu đi mẫu giáo và chuẩn bị vào học lớp một.

“Thời điểm này trẻ thường dễ gặp phải những sang chấn do thay đổi môi trường từ gia đình tới trường lớp. Tới một nơi lạ lẫm khiến cho trẻ sợ hãi có thể làm ảnh hưởng tới khả năng diễn đạt của trẻ. Trong tình huống này, nếu bị cha mẹ đánh, mọi người chê bai, chỉ trích sẽ càng làm trẻ căng thẳng mất tự tin, mức độ nói lắp sẽ càng nặng hơn”, bác sĩ Huệ nói.

Phụ huynh chú ý gì?

Theo lời khuyên của bác sĩ Huệ, trong trường hợp trẻ nói lắp do vấn đề tâm lý cần phải giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, khuyến khích trẻ nói từ đơn giản, không đòi hỏi tư duy ngôn ngữ, không bắt trẻ nói những tình huống phức tạp, dạy trẻ hình thành phản xạ không bị nói lắp các từ đơn, khi trẻ nói từ đơn tốt sẽ dạy trẻ những từ ghép.

Bác sĩ Huệ cũng cho biết thêm nếu trường hợp trẻ nói lắp do học theo hoặc bắt chước một ai đó vì việc đe nạt trẻ có thể làm trẻ sợ và không bắt chước nữa. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp trẻ nói lắp bắt chước cũng không nên đánh trẻ rất dễ tổn thương tới tâm lý của trẻ.

Nếu nguyên nhân trẻ nói lắp do gặp phải vấn đề về ngôn ngữ (nói lắp ngày từ khi sinh ra) thì việc đánh trẻ càng không phát huy được hiệu quả. Với trường hợp này, bệnh nhi cần phải đi khám sớm để được nắn chỉnh ngữ âm sớm. Bệnh nhi trước tiên sẽ được khám tâm lý sau đó sẽ được khám chuyên sâu hơn về vấn đề vòm họng.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 4 sản phẩm sữa tắm trắng da dưới 500.000 giúp da trắng bật tone sau 30 ngày sử dụng