Lạm dụng thuốc chữa căn bệnh tưởng như chỉ có ở người già, cô giáo suýt mất cơ hội sống

2018-05-11 12:52
- Không may mắc phải căn bệnh Parkinson khi mới 30 tuổi, chị Th. không lường trước được nó sẽ mang tới những rắc rối không ngờ.

Sống phụ thuộc vào thuốc

Cách đây 13 năm, chị N.T.Th (43 tuổi tại Nam Định) bị tê bì tay và lan dần xuống chân. Chị Th. không đi khám vì nghĩ chỉ là bị tê bì chân tay bình thường, nghỉ ngơi sẽ hết. Khi bệnh tiến triển nặng, chị Th. bắt đầu run tay và chân, run nhiều khi ngủ. Chị Th. tới bệnh viện Bạch Mai khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị Parkinson.

Ở tuổi 30, khi đang rất còn sung sức, chị Th. cũng không nghĩ nhiều tới căn bệnh Parkison mình đang mắc. Chị Th. chỉ nghĩ đơn giản có bệnh thì phải điều trị và điều trị sẽ khỏi.

“Khi bác sĩ nói tôi bị mắc bệnh Parkinson, tôi chỉ nghĩ đó là căn bệnh bình thường, không nghĩ sẽ nguy hiểm”, chị Th. tâm sự.

Cuộc sống của người phụ nữ sống phụ thuộc những viên thuốc để có thể đứng trên bục giảng

Sau 13 năm dùng thuốc, chị Th. đã rơi vào tình trạng liệt nửa người.

Chị Th. cũng không ngờ rằng khi mắc phải căn bệnh Parkinson sẽ phải dùng thuốc suốt đời, nếu dừng dùng thuốc thì bệnh sẽ tái phát. Chị Th. cho hay: “Cuộc sống của tôi gần như phải phụ thuộc vào những viên thuốc”

Công việc của chị Th. phải gắn liền với bục giảng và những đứa trẻ, vì vậy chị không cho phép mình có những hành động “lạ” trước mặt học sinh. Vì yêu con trẻ và đam mê với công việc dạy học nên chị Th. thường xuyên dùng thuốc để cắt triệu chứng run.

“Do thấy thuốc có tác dụng tốt giảm triệu chứng run tay, chân nên tôi đã tự ý tăng liều uống. Thậm chí, có những ngày, tôi uống tới 8-9 viên thuốc/ngày”, chị Th. nói.

Năm 2017, bệnh Parkinson mà chị Th. mắc ngày càng nặng hơn. Chị không đi dạy được và khi nằm phải có người đỡ. Theo chị Th., tình trạng bệnh của chị diễn biến nặng nhanh như vậy là do lạm dụng thuốc.

“ Khi tôi đi khám, bác sĩ nói chỉ khoảng 2 năm nữa sẽ bị liệt hoàn toàn và tư vấn  nên phẫu thuật. Tôi đã quyết định phẫu thuật vì đây là cơ hội để bản thân có thể quay trở lại công việc yêu thích", chị Th. chia sẻ.

Sau phẫu thuật, hiện nay, chị đã có thể đi lại bình thường, các triệu chứng run đã giảm tới 80%, cơ các khớp đã mềm tới 90% và có thể đạp xe trở lại.

Chú ý khi dùng thuốc

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội hồi sức Thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) cho hay Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp ở những người lớn tuổi nhưng có gần 10% trường hợp người bệnh khởi phát ở độ tuổi dưới 40. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì nhưng nó làm ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Hiện nay, bệnh Parkinson vẫn chưa có thuốc điều trị. Các phương pháp chữa trị chỉ giúp cho bệnh nhân giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh.

“Việc chủ động dùng thuốc với bệnh nhân Parkinson là rất tốt nhưng ạm dụng sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Trong quá trình tiếp nhận khám vào điều trị cho bệnh nhân Parkinson, tôi đã gặp bệnh nhân uống tới 12 viên thuốc/ ngày”, bác sĩ Anh Tuấn nói.

Bệnh nhân có thể tự điều chỉnh giờ uống thuốc, liều lượng thuốc sao cho phù hợp với bản thân nhưng phải có ngưỡng an toàn nhất định.

Theo chuyên gia, người mắc bệnh Parkinson rất cần sự thông cảm của cộng đồng, xã hội và người thân. Rất nhiều bệnh nhân sau một thời gian mắc bệnh đã có thêm các rối loạn tâm thần như trầm cảm.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Làm gì khi con gái khóc?