Khi có dấu hiệu này lúc bị cúm, bà bầu chủ quan có ngày con dị tật

2018-06-18 15:00
- Cúm sẽ nguy hiểm cho bà bầu khi có kèm theo sốt cao và liên tục không dứt.

Cần phải phân biệt đúng cảm cúm và cúm A

Khi mang thai, bất cứ người phụ nữ nào cũng mang nỗi sợ mắc cúm. Bởi, cúm có liên quan tới sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt nhiều chị em chưa tiêm phòng cúm nên rất lo lắng khi có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại cúm đều gây nguy hiểm cho thai nhi và bà mẹ.

Ths.BS Tạ Việt Cường, Tạ Việt Cường, (Phó giám đốc Trung tâm Khám và điều trị phụ sản khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho hay, hiện nay, rất nhiều chị em phụ nữ có sự nhầm lẫn giữa cảm cúm thông thường và cúm A. Nếu sản phụ mắc cúm do thời tiết (hắt hơi, sổ mũi, không sốt) dân gian hay gọi là cảm cúm thì không gây nên vấn đề gì nghiêm trọng cho sức khỏe.

Với loại cảm cúm này, sản phụ nên nghỉ ngơi, ăn uống dinh dưỡng tốt (ăn nhiều vitamin C) và uống nhiều nước, vệ sinh mũi họng đúng cách sẽ tự khỏi. Loại cảm cúm thông thường này không gây ảnh hưởng gì tới sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ và trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm mắc cúm khi mang thai

Cúm A mắc trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra dị tật cho thai nhi,sinh non và thai lưu, ảnh minh họa.

Cúm sẽ thực sự nguy hiểm đối với sản phụ khi xuất hiện triệu chứng sốt cao do vi rút gây ra. Vì vậy, sản phụ xuất hiện triệu chứng hắt hơi kèm theo sốt cần phải nhanh chóng tới cơ sở để khám và điều trị.

Sản phụ khi nhiễm vi rút cúm kèm sốt cao báo hiệu bị nhiễm trùng có thể gây biến chứng cho mẹ như suy hô hấp, suy tim, sinh non, lưu thai.

“Theo các nghiên cứu, trong thời kỳ mang thai 3 tháng đầu, phụ nữ mang thai mắc cúm có thể gây ra dị tật cho thai nhi (sứt môi, hở hàm ếch, bệnh down…). Hiện tại, ở các giai đoạn thai kỳ tiếp theo vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng vẫn cần phải rất cảnh giác. Tuy nhiên, riêng với sản phụ khi mắc rubella ở tuần 20 vẫn có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi”, bác sĩ Cường nói.

Cần tiêm phòng cúm và rubella trước khi mang thai

Theo bác sĩ Cường, cả cúm và Rubela đều có thể gây ra dị tật cho thai nhi khi mẹ mắc phải. Vì vậy, trước khi chuẩn bị mang thai, phụ nữ nên đi tiêm phòng hai loại vắc xin trên. Ngoài tiêm phòng vắc xin, phụ nữ mang thai cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường ăn các loại rau, củ, quả có chứa nhiều vitamin C và uống nhiều nước.

Sản phụ khi đi ra ngoài cần phải mang khẩu trang để bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, tránh tới những nơi đông người thường có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong đó có cúm. Bà bầu không nên vào viện thăm người ốm để tránh nhiễm bệnh. Hàng ngày, chị em chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi cầm nắm thức ăn, sau khi đi vệ sinh ngay cả khi không bị bệnh.

Bác sĩ Cường khuyến cáo, trong thai kỳ, chị em cần phải đi khám đầy đủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu không có điều kiện theo dõi thường xuyên thì ít nhất phải khám thai 3 lần/thai kỳ vào thời điểm 12 tuần, 22 tuần, 32 tuần.

Sản phụ khi có những biểu hiện sốt, ho, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh. Khi bị cúm, thai phụ cần phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ‎dùng thuốc để tránh làm ảnh hưởng tới thai nhi.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vì sao người bị chó dại cắn cứ đến đám tang là phát dại?