Đi vệ sinh phân lỏng, ăn uống kém... người bệnh cẩn trọng với căn bệnh có thể gây tử vong

Thủy Nguyên 2018-10-12 07:03
- Theo bác sĩ Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, có trường hợp mắc bệnh giun lươn gây nguy hiểm tới tính mạng.

Không còn dáng vẻ gầy gò của 1 người đàn ông 63 tuổi chỉ nặng 35kg với các triệu chứng đau bụng, đi vệ sinh phân lỏng, ăn uống kém… ông P.V.D (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã tăng 3kg sau 1 tuần điều trị tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông D. cho biết, mình bị mắc bệnh giun lươn từ 5-6 tháng nay. Trước khi đến Viện điều trị, ông đã từng đi thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Tại đó, các bác sĩ đều kết luận ông bị tổn thương dạ dày, giun bám thành dạ dày.

Ở nhà tôi có ăn rau sống nhưng những thức ăn sống khác được chế biến dưới dạng gỏi, mấy chục năm nay tôi không hề đụng tới nên cũng không biết nguyên nhân mắc bệnh từ đâu”, ông D. nói.

Đi vệ sinh phân lỏng, ăn uống kém... người bệnh cẩn trọng với căn bệnh có thể gây tử vong

Ông D. đã tăng 3kg sau 1 tuần điều trị bệnh giun lươn.

Chia sẻ về ca bệnh của ông P.V.D, BS.Phùng Xuân Hách – Khoa Khám bệnh chuyên ngành – Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho hay, bệnh nhân được chuyển tới viện với các triệu chứng đau bụng nhiều tháng nay, đi ngoài phân lỏng, không sốt, ăn uống kém, gầy sút nhiều cân. Xét nghiệm trong phân bệnh nhân, ấu trùng giun lươn được tìm thấy với mật độ tương đối cao (3+).

Cũng theo BS.Hách, với những bệnh nhân bị giun lươn thường ngứa như trường hợp của bà N. Sau đó, bà bị bong hết da, các bác sĩ của Viện phải chuyển bà sang bệnh viện chuyên về da liễu. Còn với bệnh nhân D. lại không có triệu chứng ngứa.

“Bệnh nhân D. suy nhược cơ thể do ăn uống kém, đi đại tiện phân lỏng rất điển hình. Nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc bệnh giun lươn chủ yếu liên quan đường ăn uống, một phần khác lây qua đường da khi ấu trùng rơi ra giường chiếu di chuyển ở da. Ấu trùng di chuyển tới đâu dịch xuất tiết, dịch viêm tạo thành đường ngoằn ngoèo xuyên qua da. Bệnh này biểu hiện về mặt lâm sàng rất đa dạng”, BS.Hách thông tin

Đi vệ sinh phân lỏng, ăn uống kém... người bệnh cẩn trọng với căn bệnh có thể gây tử vong

BS.Phùng Xuân Hách – Khoa Khám bệnh chuyên ngành – Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương chia sẻ về các ca bệnh.

Cơ hội chữa bệnh tốt nếu phát hiện sớm

Về căn bệnh này, Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương tiếp nhận tương đối nhiều ca mắc bệnh giun lươn. Nếu bệnh nhân được phát hiện và đưa tới điều trị sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh là 100% và mất rất ít thời gian. Tuy nhiên, hầu như bệnh nhân không được phát hiện sớm. Điều này rất nguy hiểm.

Giun lươn có giun lươn đường ruột, giun lươn não, trong đó phía Viện thường tiếp nhận bệnh nhân bị giun lươn đường ruột với triệu chứng ngứa như mắc giun đũa chó mèo.

Bên cạnh đó, Ths. Thọ chỉ ra, có những trường hợp giun lươn cũng gây nguy hiểm đến tính mạng. Phải kể đến là trường hợp bệnh nhân N.T.P (gần 60 tuổi ở Diễn Châu, Nghệ An).

Bệnh nhân này từng khám ở bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An mất 15 ngày theo phác đồ điều trị của hội chứng trào ngược và suy kiệt người già trên nền tảng của đái tháo đường. Mặc dù thời gian điều trị khá lâu nhưng các triệu chứng của bệnh vẫn không thuyên giảm. Người bệnh vẫn bị nôn, tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Sau đó, người nhà chuyển bệnh nhân ra bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, kết quả mà họ nhận về vẫn như ở tuyến tỉnh: suy kiệt người già và rối loạn tiêu hóa trên nền bệnh nhân đái tháo đường.

Quá trình điều trị kéo dài nhưng không khỏi, bệnh nhân sút hơn 10kg, có lúc gia đình xác định xin bệnh nhân về nhà. Thời điểm nhập Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương bệnh nhân chỉ còn 37kg.

“Bệnh nhân được đưa vào viện chiều thứ 6, do bị tiêu chảy nhiều nên quá trình lấy phân rất khó. Sau khi làm các xét nghiệm, phát hiện ấu trùng giun lươn trong phân dương tính, các bác sĩ cho bệnh nhân tẩy giun. Hôm sau, bệnh nhân giảm nôn, ăn được ít cháo. Trước khi ra viện, bệnh nhân tăng cân thấy rõ”, Ths.BS Thọ nói.

Đồng thời, Ths.BS Trần Huy Thọ cũng đưa ra khuyến cáo: Khi thấy xuất hiện thường xuyên các triệu chứng như mệt mỏi, ăn kém, ăn vào hay nôn, đi ngoài phân lỏng nên đến các cơ sở y tế thăm khám và cần nghĩ đến khả năng bị nhiễm ký sinh trùng giun lươn, tránh để tình hình diễn biến xấu như trường hợp trên.

 Thủy Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập yoga chưa đầy 1 phút khiến gương mặt bạn trẻ ra cả chục tuổi