Đắng lòng dùng thuốc bị sưng phù môi, nhiều người không hề biết dị ứng đáng sợ và chớ chủ quan này
Tin liên quan
Mọi viên thuốc đều có thể trở thành “tử thần”
Mới đây, trên mạng xã hội, một thanh niên chia sẻ “vận rủi” anh gặp trong ngày đầu năm. Do bị dị ứng thuốc, môi anh chàng đã sưng phù lên như cái mỏ vịt. Nhìn cặp môi sưng vù của chàng trai, nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc.
Sự thật là, dị ứng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thứ mà ít người nghĩ đến mỗi khi sử dụng thuốc. Hiểu đúng về dị ứng thuốc sẽ giúp người bệnh tránh được mối họa khôn lường.
Sưng vù môi vì dị ứng thuốc. Ảnh: MXH.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hà Nội, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, dị ứng thuốc là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc do đã có giai đoạn mẫn cảm.
Dị ứng thuốc thường không phụ thuộc vào liều lượng, có tính mẫn cảm chéo và thể hiện ra một số triệu chứng đặc trưng, thường có biểu hiện ngoài da và ngứa.
“Dị ứng thuốc chiếm khoảng 10 – 15% các phản ứng có hại do thuốc. Mọi loại thuốc đều có thể gây dị ứng. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, chống viêm không steriod, thuốc điều trị gout là những thuốc có tỷ lệ cao gây dị ứng. Nếu người bệnh dùng thuốc đã gây dị ứng thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể tử vong”, PGS. Đoàn cảnh báo.
Nổi mày đay, sưng phù, khó thở… hãy đi khám ngay
PGS.Nguyễn Văn Đoàn cho biết, các phản ứng dị ứng thuốc có nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, thường gặp là nổi mày đay và phù Quincke.
Mày đay có biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc.
Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa râm ran một vài chỗ trên da như côn trùng đốt. Sau đó nổi lên các sẩn phù màu hồng ở đầu, mặt, tứ chi hoặc toàn thân. Người bệnh có cảm giác ngứa, càng gãi càng ngứa.
Đôi khi có thể khiến người bệnh khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...
Viên thuốc có tác dụng trị bệnh nhưng cũng có thể trở thành "tử thần" nếu lạm dụng, tự ý sử dụng. Ảnh minh họa.
Phù Quincke là tình trạng phù cục bộ, phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục...
Nếu phù ở gần mắt, người bệnh bị híp mắt lại, ở môi làm môi sưng to, biến dạng. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu, phù ở tử cung gây chảy máu âm đạo.
Ngoài các biểu hiện dị ứng trên, người dị ứng thuốc còn có thể bị viêm da dị ứng, đỏ da toàn thân.
Bệnh huyết thanh thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao, gan to, nổi ban mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong cho người dị ứng thuốc.
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20-30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường như tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi, khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, đại tiểu tiện không tự chủ.
Thể cấp tính, người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.
“Chính vì thế, người bệnh tuyệt đối không được lạm dụng thuốc, không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị. Nếu thấy bất cứ triệu chứng nào bất thường sau khi uống thuốc như ngứa, nổi hồng ban trên da, người bệnh cần đến ngay bệnh viện ngay để được khám và xử lý kịp thời”, PGS. Đoàn nhấn mạnh.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất