Con bị đau bụng cả tháng trời, cả nhà tưởng rối loạn tiêu hóa nhưng sự thật lại là vi khuẩn 'giấu mặt' gây nên

2018-07-23 10:31
- Khi thấy con đau bụng, cha mẹ chỉ nghĩ bị trúng gió nhưng không ngờ nguyên nhân lại đáng sợ hơn thế.

Khi đang chơi cùng anh chị trong nhà, bé Nguyễn Phương Lan (5 tuổi, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) ngã lăn ra đất ôm bụng kêu đau đớn, người vã mồ hôi. Cha mẹ bé nghĩ con bị trúng gió nên đưa vào nhà nằm nghỉ.

Vài ngày sau đó, cơn đau bụng của bé Lan lại xuất hiện, khiến cho bé khó chịu, khóc dấm dứt cả ngày. Nhận thấy con có những biểu hiện bất thường, gia đình đã cho bé Lan đi khám. Bác sĩ kết luận bé chỉ bị rối loạn tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên, dù đã uống thuốc rối loạn tiêu hóa nhưng bệnh nhi này vẫn thường xuyên bị đau bụng.

viêm loét dạ dày

Khi trẻ đau bụng kéo dài cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa sớm.

Sau gần 1 tháng đau bụng, bé Lan bị sút 3kg. Gia đình đưa đi khám khắp nơi nhưng không ra bệnh. Sau đó, gia đình quyết định đưa vào bệnh viện Nhi Trung ương khám. Tại đây, sau khi bác sĩ điều tra bệnh sử đã nghi ngờ bé bị viêm dạ dày và chỉ định nội soi. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy bệnh nhi này bị viêm loét toàn bộ lớp niêm mạc dạ dày, xét nghiệm có vi khuẩn HP. 

Chị Hương chia sẻ: “Con thường xuyên đau bụng nhưng tôi chỉ nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa, cho con uống men tiêu hóa sẽ khỏi. Khi con bị đau bụng quá mức, tôi cũng cho con đi khám nhiều nơi nhưng không nghĩ tới con bị viêm dạ dày".

Vi khuẩn HP có trong cao răng và nước bọt…

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội, hiện nay, trẻ nhỏ tuổi bị nhiễm vi khuẩn HP không phải hiếm gặp và đang ngày càng gia tăng khi xã hội phát triển. Đặc biệt vi khuẩn này lây qua đường ăn uống, phân - miệng hoặc miệng - miệng nếu không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Có những trường hợp bệnh nhi bị lây từ bố, mẹ, ông, bà (mang vi khuẩn HP) do thói quen dùng chung dụng cụ ăn uống như thìa cốc, bát đũa, hoặc qua đường tiếp xúc miệng miệng. Trẻ có thể bị lây từ nguồn bên ngoài do ăn uống không đảm bảo vệ sinh (hàng, quán…) dùng chung bát, đũa, thìa. 

Trẻ bị nhiễm vi khuẩn ở mức độ nhẹ sẽ gây sưng đỏ, nặng sẽ xuất hiện các ổ loét trong dạ dày. Khi bệnh tiến triển sẽ xuất hiện các ổ loét có thể gây đau đớn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh ở mỗi trẻ là khác nhau. Đặc điểm chung bệnh nhân đau bụng 2-3 giờ sau ăn hoặc vào ban đêm. Trẻ nhiễm vi khuẩn HP còn có thêm các biểu hiện khác như: đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, ói mửa, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng).

Bác sĩ Đức cho hay: “Triệu chứng viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP thường bị nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ bị đau bụng, buồn nôn, ăn không ngon cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa”.

 Phòng nhiễm vi khuẩn HP bằng cách:

Tránh ăn chung, uống chung với dụng cụ cốc, bát thìa với người bị bệnh do nhiễm vi khuẩn HP

Không nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ

Chú ý vệ sinh môi trường, giữ nhà vệ sinh hợp qui cách

Ăn chín uống sôi

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đai tiện.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

 Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hồng Đăng và Thanh Hương nói gì khi được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19?